Buổi sớm với vợ chồng "Tám đưa đò" ở bến Ô Môi

20/08/2022 - 11:23

 - Một buổi sớm, chúng tôi nghe ông Nguyễn Văn Cho (59 tuổi, ngụ phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) kể về cuộc mưu sinh cùng vợ là bà Trần Thị Tấn (58 tuổi) hơn 35 năm qua, trên khúc sông Hậu bình dị như chính cuộc đời mình...

Ngày mới của vợ chồng ông Cho và bà Tấn, với tên thường gọi là vợ chồng "Tám đưa đò" - bắt đầu khi trời chưa tỏ mặt người. Trong lúc chồng đón khách tại đầu bến phà Ô Môi (phường Mỹ Long), thì bà Tấn xuống đò, kiểm tra lại từng vị trí trên phương tiện mưu sinh của mình.

Bà gắn chặt cuộc đời mình trên sông nước, từ thuở mới sinh ra. Lúc xuân thì, bà gồng gánh nghề lái đò thay cha mẹ. 5 năm đầu tiên sau khi lập gia đình, ông Cho muốn dứt ra khỏi nghề, lập nghiệp bằng đủ nghề khác. Nhưng đâu thể nào bỏ được! Họ nhận ra, đưa đò tuy cực nhọc, nhưng mang lại cuộc sống đỡ bấp bênh hơn cho mình. Họ thuộc về nghề này, khi có thể làm chủ cho mình: Bữa nào khỏe thì chạy, không khỏe cứ nghỉ ngơi.

Đời “thương hồ” hằn chặt lên cơ thể họ, bằng những lần “tai nạn nghề nghiệp” sông nước. Tuần trước, bà sơ sẩy trong lúc đưa đò, đổi lại vết bầm dài trên tay, cử động khó khăn.

“3 đứa con tôi, không đứa nào chịu theo nghề. Đứa thì ở nhà mở tiệm uốn tóc, đứa đi làm công nhân ở xa, đứa thì rong ruổi mua bán. Hồi trước, thằng út chạy đò giỏi lắm, nhưng lấy vợ rồi cũng bỏ ghe... Cuối cùng, chỉ còn vợ chồng tôi neo neo với nghề” – bà Tấn bày tỏ.

Gần sáng, đoàn khách lên đò, bà bắt đầu hành trình mấy cây số chậm rãi trên sông Hậu, từ bến phà Ô Môi dọc theo chợ nổi, gần tới cầu Vàm Cống. Bóng dáng bà chìm trong xuồng ghe nhộn nhịp, nhưng vẫn ánh lên nét thuần thục của người phụ nữ sông nước miền Tây - bà giỏi ở việc mình đã gắn bó cả đời.

Thời gian ấy, ông Tám Cho trổ tài làm “hướng dẫn viên du lịch” một cách chuyên nghiệp. Khách thắc mắc tới đâu, ông giải đáp tới đó, bằng chất giọng hệch hạc đặc trưng, bằng vốn từ đặc sệt thương hồ, bằng nụ cười tươi trên gương mặt rám nắng. Ông truyền tình yêu thương quê mình đến từng vị khách phương xa, theo cách riêng mình.

Khi khách thưởng thức hoạt động “ăn sáng trên sông”, thì vợ chồng ông Tám cũng tranh thủ lót dạ. Với họ, có gì vui bằng gắn bó với “người tình trên sông nước”, chia sớt buồn vui, ấm lạnh của cuộc đời cùng nhau mỗi ngày!

“Thương hiệu Tám đò” vẫn tồn tại, dù dòng chảy ngược xuôi, dù cuộc sống trên bờ đổi thay từng ngày. Bạn hàng trên sông vẫn thấy vợ chồng họ chạy đò tới lui ngày mấy bận, bất kể nắng mưa, giờ giấc.

“Các con kêu tôi nghỉ chạy đò. Nhưng tôi nói: “Cha mẹ còn sức thì còn mần. Bỏ nghề làm gì, mắc công trở thành gánh nặng cho con cái”. Mà nghề này vui lắm, được gặp khách mọi miền, thu nhập ổn định. Xuống đò, tôi thấy thoải mái hơn trên bờ!” – ông Tám chia sẻ. Chỉ còn gúc mắc duy nhất trong lòng ông, là các con không muốn theo nghề, dù ông động viên nhiều lần. Thôi thì, đợi các con qua tuổi trẻ, hiểu chuyện rồi, sẽ nhận ra, đi đâu, làm gì chẳng bằng sống cạnh cha mẹ, ở khúc sông quê mình...

Nụ cười của họ tiễn chân chúng tôi trong nao nao bình yên của một sớm mai. Rồi họ kết thúc ngày làm việc, lại cùng nhau trở về căn nhà êm ấm ở khu dân cư, cùng sinh hoạt với con cháu. Hạnh phúc, đôi khi chỉ đơn giản thế thôi!

KHÁNH ĐĂNG