Buôn lậu xăng dầu không phải là câu chuyện mới nhưng ở thời điểm giá xăng dầu liên tục tăng, việc buôn lậu mặt hàng này lại càng gia tăng mạnh cả về số vụ và số lượng.
Tại cuộc họp mới đây của Ban Chỉ đạo (BCĐ) Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban 389 Quốc gia), Chánh Văn phòng Thường trực BCĐ 389 Quốc gia Lê Thanh Hải cho biết: Quý 3/2022, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 42.776 vụ việc vi phạm (tăng 22,82% so với cùng kỳ năm ngoái).
Trong số này có 7.032 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu; 34.897 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế; 847 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ. Qua xử lý, các lực lượng chức năng đã thu nộp ngân sách Nhà nước 3.938 tỷ đồng (tăng 58,05% so với cùng kỳ năm 2022), khởi tố 94 vụ (giảm 45,98% so với cùng kỳ năm 2022), 220 đối tượng (giảm 9% so với cùng kỳ năm 2022).
Tuy nhiên theo ông Lê Thanh Hải, COVID-19 ở Việt Nam và trên thế giới cơ bản được kiểm soát; các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã trở lại bình thường khiến hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cũng gia tăng trở lại với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn. Đặc biệt, tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ các tỉnh phía Nam, phát sinh nhiều vụ việc buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là tiền và vàng.
“Trên tuyến biển, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên biển và địa bàn liên quan vẫn diễn ra phức tạp, các đối tượng đẩy mạnh hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép mặt hàng có lợi nhuận cao như: Dầu DO, FO do nhu cầu sử dụng của người dân rất lớn và giá nhiên liệu trong nước vẫn ở mức cao, chênh lệch nhiều so với các nước trong khu vực”, ông Lê Thanh Hải cho biết.
Theo lực lượng Cảnh sát biển (CSB), thời gian qua, lực lượng CSB đã bắt giữ 61 vụ, chủ yếu là buôn lậu xăng dầu trái phép. Số lượng bắt giữ có giảm so với cùng kỳ, do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho lực lượng trong công tác chống buôn lậu. CSB đã tăng cường trên các hướng, nắm chắc tình hình, đối tượng và phát hiện các thủ đoạn ngày càng tinh vi và kín kẽ hơn. Trước đây các đối tượng sử dụng tàu to nhưng thời gian qua sử dụng tàu nhỏ hơn, số lượng hàng hóa tịch thu cũng nhỏ hơn (số hàng bắt giữ thời gian qua lớn nhất cũng chỉ lên tới 2 tỷ đồng). Các đối tượng tham gia buôn lậu có nhiều thành phần, có cả doanh nghiệp, cá nhân, ngư dân tham gia.
Về buôn lậu vàng và vận chuyển ngoại tệ qua biên giới, Đại tá Vũ Như Hà cho biết: Qua vụ buôn lậu lớn đã bị bắt giữ cho thấy một đường dây ở khu vực miền tây Nam bộ có thể đưa qua biên giới cả trăm kg vàng trong vòng 1 ngày và một lượng ngoại tệ lớn, ngoài việc bắt giữ hơn 100 kg vàng, lực lượng Công an còn bắt giữ khoảng 3 triệu USD và khoảng 30 tỷ đồng liên quan đến hoạt động vận chuyển trái phép vàng, ngoại tệ qua biên giới.
“Nguyên nhân buôn lậu vàng ngoài việc là do chênh lệch giá thế giới và trong nước, thì còn do hiện nay nhu cầu về vàng sản xuất nữ trang trong nước là có thật, và nhu cầu rất lớn. Tuy nhiên, Việt Nam đang hạn chế sản xuất vàng miếng, nguồn nguyên liệu để sản xuất vàng nữ trang từ năm 2013 đến nay chúng ta không nhập về nữa. Do vậy, các đối tượng buôn lậu có thể sẽ tập trung vào buôn lậu vàng nguyên liệu để đưa vào Việt Nam”, Đại tá Vũ Như Hà cho biết.
Về ngoại tệ, diễn biến khá phức tạp, năm trước, lực lượng Công an phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Hải quan (TCHQ), ngành Thuế đã triệt phá một đường dây rất lớn về vận chuyển ngoại tệ từ nước ngoài vào Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài, thông qua các loại hình về hợp đồng ngoại thương giả, liên quan đến công tác quản lý của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), của Hải quan, Thuế… Điều đó cho thấy, vẫn còn kẽ hở trong hoạt động này để các đối tượng lợi dụng, vận dụng lập các hợp đồng ngoại thương giả nhằm vận chuyển ngoại tệ trái phép.
Đồng tình quan điểm trên, Tổng cục trưởng TCHQ Nguyễn Văn Cẩn cho rằng: Thời gian qua, lực lượng Hải quan và Công an đã phối hợp rất hiệu quả, đặc biệt trong công tác đấu tranh phòng chống ma tuý, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài và buôn lậu vàng. Các lực lượng đã phối hợp, đấu tranh có hiệu quả với các thủ đoạn, phương thức buôn lậu mới. Hiện, lực lượng Hải quan phối hợp với Cảnh sát kinh tế theo dõi và xác minh tình trạng nhập khống hàng hoá để chuyển tiền ra nước ngoài. Có trường hợp số lượng tiền hàng tồn lên khoảng 3.000 tỷ đồng, hiện đang xác minh, lập hồ sơ nhập khẩu.
Trong những tháng cuối năm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ 389 Quốc gia đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong triển khai nhiệm vụ đó là, các lực lượng chức năng tập trung xác định rõ nguyên nhân, đề ra các giải pháp cần khắc phục; quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, BCĐ 389 Quốc gia tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2022; thực hiện có hiệu quả kế hoạch số 92 của BCĐ 389 Quốc gia.
“Từ nay đến cuối năm 2022 khi tình hình buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, cần tăng cường tuyên truyền để lan tỏa các cá nhân, tập thể tốt trong công tác này, kịp thời cảnh báo phương thức, thủ đoạn, các vụ việc do lực lượng chức năng bắt giữ; tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, tạo sức mạnh đồng bộ, tập trung quyết liệt chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng BCĐ 389 Quốc gia cho biết: Thời gian tới, lực lượng Công an và các lực lượng cần lưu ý về vấn đề chống buôn lậu các mặt hàng xăng dầu, vàng và vận chuyển tiền tệ.
Theo ông Nguyễn Văn Long, nếu như trước đây hàng lậu vận chuyển công khai qua đường mòn lối mở qua biên giới, hiện giờ chỉ còn thuốc lá vận chuyển qua miền Tây theo phương thức này. Hiện chủ yếu là lợi dụng thành lập các doanh nghiệp mở tờ khai, nhập khẩu hàng hoá qua đường chính ngạch, đây là một trong những thủ đoạn mà Hải quan cũng rất vất vả trong kiểm soát.
Cùng với đó, doanh nghiệp lợi dụng việc thành lập các doanh nghiệp được ưu đãi, doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp lắp ráp trên địa bàn của Việt Nam để buôn lậu, lẩn tránh xuất xứ và trốn thuế. Thực tế, đang tồn tại kiểu dạng này rất nhiều, do vậy lực lượng Công an, cả Hải quan và Bộ Công Thương cần rà soát.
Theo MINH PHƯƠNG (Báo Tin Tức)