Bưu điện tỉnh An Giang: Thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”

02/11/2021 - 04:25

 - Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp, nhiều phương tiện giao thông gặp nhiều khó khăn trong giao nhận hàng hóa, trong đó có ngành bưu điện. Tuy nhiên, bằng sự năng động trong chỉ đạo, điều hành và sự nỗ lực của toàn ngành, Bưu điện tỉnh An Giang đã góp phần làm tốt vai trò của mình trong thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ của ngành. Phóng viên Báo An Giang đã buổi trao đổi với Giám đốc Bưu điện An Giang Hồ Thanh Long xung quanh hoạt động của ngành bưu điện thời gian qua.

Phóng viên: Xin ông cho biết những việc làm vừa qua của Bưu điện tỉnh An Giang?

Ông Hồ Thanh Long: Để đảm bảo sản xuất - kinh doanh (SXKD), đặc biệt trong công tác khai thác, chia chọn thư từ, tài liệu KT1, bưu gửi, hàng hóa, đơn vị đã vận động người lao động (NLĐ) thực hiện làm việc theo nguyên tắc 3 tại chỗ “Ăn tại chỗ - Ở tại chỗ - Làm việc tại chỗ” (hiện có 20 NLĐ tham gia). Đơn vị đã sắp xếp, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện lưu trú tốt nhất cho NLĐ, như: chỗ ăn, chỗ nghỉ, đồ dùng thiết yếu…

Trong những ngày giãn cách xã hội, mặc dù khan hiếm thực phẩm nhưng đơn vị cố gắng tổ chức tốt các bữa ăn hàng ngày (sáng, trưa, tối) với thực đơn đầy đủ dưỡng chất thịt, trứng, rau, quả phục vụ NLĐ đảm bảo sức khỏe, an tâm công tác. Có thể thấy, việc tổ chức tốt phương án “3 tại chỗ” đã mang lại hiệu quả cao trong điều hành SXKD trong thời gian nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch. Chính giải pháp này đã duy trì ổn định SXKD, an toàn sàn khai thác; hàng hóa, bưu gửi được lưu thoát tốt, kịp thời phục vụ chỉ đạo của Đảng, nhà nước và nhu cầu cao của nhân dân trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Phóng viên: Việc giao thư, báo đến tận địa chỉ người nhận trong tỉnh nói riêng, ngoài tỉnh nói chung được thực hiện ra sao, thưa ông?

Ông Hồ Thanh Long: Phòng ban chuyên môn và Công đoàn đơn vị đã thường xuyên phổ biến, tuyên truyền, động viên, nâng cao nhận thức của NLĐ trong phòng, chống dịch bệnh, duy trì sản xuất, lưu thoát hàng hóa, bưu gửi, báo chí. Trong đó, trọng tâm là các cơ chế, chính sách của nhà nước, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và Bưu điện tỉnh được thực hiện tốt để hỗ trợ NLĐ, ổn định sản xuất trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh. Trang bị cho mỗi đơn vị ít nhất 1 bình xịt và yêu cầu thường xuyên tổ chức phun khử khuẩn, vệ sinh nơi làm việc, trang bị đầy đủ khẩu trang, xà bông, dung dịch sát khuẩn… Đồng thời, đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy, điện năng, mạng Internet tại khu vực sản xuất và nơi lưu trú. Tại các đơn vị thường xuyên theo dõi sức khỏe NLĐ, yêu cầu NLĐ thực hiện nghiêm nguyên tắc “5K” theo khuyến cáo của Bộ Y tế để kịp thời xử lý các tình huống phát sinh, đặc biệt đối với lực lượng lái xe đảm bảo công tác vận chuyển đường thư.

Để ổn định hoạt động SXKD, Bưu điện tỉnh huy động tối đa cán bộ, công nhân viên khối văn phòng Bưu điện tỉnh tham gia khai thác hàng hóa, phát bưu gửi và trực tiếp phụ trách bưu cục nhằm lưu thoát nhanh chóng toàn bộ hàng hóa. Tại nhiều địa bàn cách ly, phong tỏa, bưu tá không thực hiện phát bưu gửi được, đơn vị phải sử dụng phương án nhắn tin, gọi điện thoại mời người nhận ra bưu điện hoặc đến các điểm chốt cách ly để nhận bưu gửi. Cán bộ, công nhân viên, NLĐ của Bưu điện tỉnh làm việc không kể giờ giấc, không có ngày nghỉ, quyết tâm thực hiện tốt nhất có thể để phục vụ khách hàng và thực hiện tốt nhiệm vụ của đơn vị.

Mặc dù thiếu lao động do phải cách ly nhưng đơn vị sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ địa phương tiêu thụ nông sản, xe của Bưu điện tỉnh đã chuyên chở nông sản tiêu thụ cho bà con nông dân các huyện Châu Phú, Chợ Mới, Phú Tân, Thoại Sơn... 75 tấn nhãn, bưởi, cam, bắp, bí xanh, bí đỏ, củ cải trắng, củ cải đỏ… đi khắp mọi miền đất nước, chia sẻ khó khăn cho nông dân địa phương. Ngoài ra, trong 2 ngày (20 và 21-8-2021), cán bộ, công nhân viên văn phòng Bưu điện tỉnh đã gói được 15.450 phần quà, gồm: gạo, dầu ăn, cá, mắm hộp, nước tương, đường, sữa, rau củ quả các loại… góp phần thành công cho Chương trình “Tấm lòng yêu thương mùa dịch” của Bộ Thông tin và Truyền thông gửi cho bà con nhân dân TP. Hồ Chí Minh.

Phóng viên: Công tác phối hợp trong việc chuyển hộ giấy tờ được thực hiện thế nào trong giai đoạn này?

Ông Hồ Thanh Long: Thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, tất cả các địa phương đều thắt chặt các biện pháp phòng, chống dịch, nhiều tỉnh, thành phố thực hiện quy định về giãn cách xã hội “ai ở đâu ở yên đó”, nhu cầu sử dụng dịch vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) qua bưu điện tăng mạnh so với trước. Để đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch, Bưu điện tỉnh đã đẩy mạnh việc tiếp nhận và chuyển trả kết quả TTHC tại nhà. Việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại nhà không chỉ giúp người dân thuận tiện hơn khi bộ phận “một cửa” các cấp tạm dừng tiếp nhận hồ sơ trực tiếp, mà còn giúp các cơ quan hành chính đảm bảo không tiếp xúc trực tiếp nhưng vẫn giải quyết được toàn bộ hồ sơ TTHC của người dân.

Từ tháng 5 đến 7-2021, Bưu điện tỉnh đã tiếp nhận và trả kết quả hơn 227.440 lượt hồ sơ, tăng 316% (71.825 hồ sơ) so cùng kỳ năm 2020. Trong đó, tập trung ở các dịch vụ chuyển phát thẻ căn cước công dân, hồ sơ tư pháp, hộ tịch, thư tống đạt, hồ sơ xây dựng, chuyển phát bằng tốt nghiệp, học bạ, bảng điểm… Trong đó, có những hồ sơ giấy tờ quan trọng, có giá trị, trước đây người dân thường nộp trực tiếp, như: hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản trên đất… thì nay đã chủ động thực hiện qua bưu điện.

Mặc dù thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Chính phủ, nhiều địa bàn, địa phương bị phong tỏa, Bưu điện tỉnh với sự hỗ trợ tích cực của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Bảo hiểm xã hội tỉnh đã đảm bảo thực hiện tốt việc chi trả lương hưu cho cán bộ hưu trí, trợ cấp bảo hiểm xã hội, chi trả người có công với cách mạng và chi trả bảo trợ xã hội tại nhà, kỳ chi trả các tháng 7, 8, 9 và 10 cho hơn 107.750 lượt người. Người nhận không phải mất bất kỳ chi phí nào khi nhận tiền tại nhà.

Phóng viên: Xin cám ơn ông!

P.V