Lực lượng vũ trang Sudan và Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF) ký kết Tuyên bố cam kết bảo vệ dân thường Sudan ngày 11/5/2023. (Ảnh: Sudan Tribune)
Thông báo này được Phó Tư lệnh Lực lượng vũ trang Sudan Shams-Eddin Kabashi đưa ra trong bài phát biểu trước các sĩ quan quân đội tại căn cứ quân sự Wadi Seidna ở thành phố Omdurman ngày 22/10.
“Chúng tôi đã nhận được lời mời đến Jeddah để nối lại đàm phán. Phái đoàn của chúng tôi sẽ tới Jeddah và bắt đầu đàm phán vào thứ năm tới”, ông Kabashi nói.
Ông Kabashi không giải thích thêm liệu các nhà hòa giải có thành công trong việc đưa hai bên nối lại đàm phán về căn cứ mới hay đưa ra những nhượng bộ chung hay không.
Truyền thông Sudan đưa tin Saudi Arabia và Mỹ, vốn đứng ra làm trung gian đàm phán từ tháng 5 năm nay, đã ấn định ngày 26/10 là ngày nối lại đàm phán. Trước đó, cuộc đàm phán giữa các bên tham chiến tại Sudan đã bị tạm dừng trong tháng 7/2023 do các bên không thể thống nhất về một số vấn đề.
Trước đó, vào ngày 11/5/2023, quân đội Sudan và RSF đã ký Tuyên bố cam kết bảo vệ thường dân Sudan. Sau khi ký kết tuyên bố về các nguyên tắc này, các bên phải đạt được thỏa thuận về lệnh ngừng bắn hiệu quả nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận nhân đạo tới các khu vực xung đột. Sau đó, các bên tham chiến phải đồng ý sắp xếp các cuộc đàm phán tiếp theo về việc chấm dứt vĩnh viễn các hành động thù địch, với sự tham gia của dân thường Sudan và các đối tác khu vực và quốc tế.
Nhiều tháng sau khi các nhà hòa giải đình chỉ các cuộc đàm phán, xung đột vẫn chưa đi đến hồi kết và không bên nào giành ưu thế trong một cuộc nội chiến tại Sudan. Theo số liệu do Bộ Y tế nước này công bố, cuộc giao tranh giữa Lực lượng vũ trang Sudan và RSF tại thủ đô Khartoum và các khu vực khác đã làm ít nhất 3.000 người thiệt mạng và hơn 6.000 người bị thương.
Ngày 15/10/2023 đánh dấu tròn 6 tháng diễn ra cuộc xung đột tàn khốc ở Sudan. Quốc gia Bắc Phi nghèo nhất thế giới đang đứng trước nguy cơ đối mặt với cuộc khủng hoảng đa chiều tồi tệ chưa từng gặp phải. Trong tuyên bố đánh dấu 6 tháng bùng phát chiến sự ở Sudan, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách điều phối các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp Martin Griffiths nhấn mạnh: "Trong sáu tháng, dân thường đã không có thời gian nghỉ ngơi trước cảnh đổ máu và khủng bố... Những báo cáo khủng khiếp về hiếp dâm và bạo lực tình dục vẫn tiếp tục xuất hiện".
Ông Griffiths cho biết các cuộc giao tranh tiếp diễn đã buộc hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Xung đột đã dẫn đến các cộng đồng bị chia rẽ. Những người dễ bị tổn thương không được tiếp cận với viện trợ và làm gia tăng nhu cầu nhân đạo ở các nước láng giềng, nơi hàng triệu người đã phải chạy trốn./.
Theo PG (dangcongsan.vn)