Các chính sách mới về kinh tế

04/10/2021 - 03:49

 - Hỗ trợ người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ mới; ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư sản xuất giống… là những chính sách kinh tế mới có hiệu lực từ tháng 10-2021.

Hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động

Ngày 24-9-2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19 từ Quỹ BHTN. Cụ thể, khoảng 30.000 tỷ đồng (từ kết dư Quỹ BHTN đến hết năm 2020) hỗ trợ NLĐ từ ngày 1-10-2021 và hoàn thành chậm nhất ngày 31-12-2021. Đối tượng là NLĐ đang tham gia BHTN tại thời điểm 30-9-2021 (không bao gồm NLĐ đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên); NLĐ dừng tham gia BHTN do chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 1-1-2020 đến hết ngày 30-9-2021 có thời gian đóng BHTN được bảo lưu theo quy định của pháp luật về việc làm (không bao gồm người hưởng lương hưu hàng tháng).

Ngoài ra, giảm mức đóng Quỹ BHTN cho người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đối tượng là người sử dụng lao động quy định tại Điều 43, Luật Việc làm (không bao gồm các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên) đang tham gia BHTN trước ngày 1-10-2021. Người sử dụng lao động được giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của NLĐ thuộc đối tượng tham gia BHTN. Thời gian giảm mức đóng là 12 tháng, kể từ ngày 1-10-2021 đến hết 30-9-2022.

Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 64/2021/TT-BTC, có hiệu lực ngày 1-10-2021, hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa. Nguồn kinh phí, gồm: nguồn ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp; nguồn kinh phí tài trợ, hỗ trợ, đóng góp của các DN, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật; nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Ảnh: Thanh Hùng

Đối với các nội dung chi đã có chế độ, tiêu chuẩn thì định mức chi thực hiện theo quy định hiện hành, gồm: kinh phí tổ chức hội nghị chuyên môn, hội nghị sơ kết và tổng kết; hội nghị tập huấn; công tác phí trong nước; đi công tác nước ngoài; chi dịch tài liệu từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài và ngược lại; chi làm đêm, thêm giờ phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa; chi hoạt động kiểm tra, giám sát.

Trích lập dự phòng rủi ro tại tổ chức tín dụng

Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 11/2021/TT-NHNN về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thông tư có hiệu lực ngày 1-10-2021. Theo đó, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải có biện pháp và thường xuyên thực hiện việc thu thập, khai thác thông tin, số liệu về khách hàng, bao gồm cả thông tin từ Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC), công ty thông tin tín dụng theo quy định của pháp luật.

Qua đó, theo dõi, đánh giá tình hình tài chính, khả năng trả nợ của khách hàng sau khi đã xếp hạng theo hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ; có biện pháp quản lý rủi ro, quản lý chất lượng tín dụng phù hợp; tự phân loại nợ, cam kết ngoại bảng, trích lập dự phòng rủi ro và sử dụng dự phòng rủi ro theo quy định. Ít nhất mỗi tháng 1 lần, trong 7 ngày đầu tiên của tháng, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tự thực hiện phân loại nợ, cam kết ngoại bảng đến thời điểm cuối ngày cuối cùng của tháng trước liền kề, trích lập dự phòng rủi ro theo kết quả tự phân loại nợ, cam kết ngoại bảng và gửi kết quả tự phân loại nợ, cam kết ngoại bảng cho CIC.

Hỗ trợ đầu tư sản xuất giống

Thông tư 10/2021/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có hiệu lực từ ngày 4-10-2021, hướng dẫn nội dung đầu tư, hỗ trợ đầu tư thực hiện nhiệm vụ “Phát triển sản xuất giống” theo Quyết định 703/QĐ-TTg, ngày 28-5-2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, ngân sách nhà nước đầu tư: nhập nội, mua bản quyền giống mới; bình tuyển cây đầu dòng, cây trội; chăm sóc vườn cây đầu dòng, rừng giống, vườn giống; nhập nội, hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giống; đào tạo, tập huấn quy trình công nghệ sản xuất giống; quản lý chất lượng giống. Ngoài ra, ngân sách nhà nước cũng hỗ trợ đầu tư chi phí công kỹ thuật, thức ăn tinh cho vật nuôi để hoàn thiện quy trình công nghệ nhân giống; hỗ trợ thuê chuyên gia nước ngoài trong trường hợp công nghệ phức tạp đòi hỏi trình độ cao mà chuyên gia trong nước chưa thực hiện được; hỗ trợ chi phí quản lý dự án cho chủ đầu tư; hỗ trợ chi phí hoạt động kiểm tra, giám sát thực hiện chương trình.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa hưởng nhiều chính sách hỗ trợ mới

Chính phủ ban hành Nghị định 80/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, có hiệu lực từ ngày 15-10-2021.

Trong đó, đáng chú ý là DN siêu nhỏ được hỗ trợ tối đa không quá 50 triệu đồng/năm/DN (trước đây chỉ tối đa 3 triệu đồng); DN nhỏ không quá 100 triệu đồng/năm/DN (trước đây không quá 5 triệu đồng). DN nhỏ và vừa do nữ làm chủ có thêm chính sách hỗ trợ. Cụ thể, hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn (không quá 70 triệu đồng/năm/DN) với DN siêu nhỏ; với DN nhỏ, mức hỗ trợ là 50% giá trị hợp đồng tư vấn nhưng không quá 150 triệu đồng/năm/DN.

N.R