Thi công dự án kè bờ sông Hiếu đoạn qua thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Ảnh tư liệu: Nguyên Lý/TTXVN
*Tại Quảng Trị: Tỉnh đã phân bổ kế hoạch toàn bộ vốn đầu tư công năm 2024 với trên 2.353 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách địa phương cân đối 1.309 tỷ đồng, vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu trên 675,6 tỷ đồng và vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia hơn 368,6 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh là trên 628 tỷ đồng, chỉ đạt 26,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân tỉnh giao từ đầu năm. Giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh chưa đạt như kỳ vọng, do còn những khó khăn vướng mắc, nhất là từ nguồn thu của địa phương và công tác giải phóng mặt bằng.
Vốn đầu tư công từ các nguồn thu của tỉnh là 845 tỷ đồng chiếm đến 36% tổng vốn đầu tư công năm 2024; trong đó, nguồn thu từ đấu giá đất 800 tỷ đồng, 45 tỷ đồng còn lại từ xổ số kiến thiết. Số tiền thu từ đấu giá đất tuy có khởi sắc hơn so với năm 2023 nhưng việc thực hiện còn chậm. Do đó, nhiều dự án chưa có nguồn vốn về nhập dự toán, triển khai thực hiện nên đã ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân.
Cùng với đó, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng các khu tái định cư để thực hiện các dự án từ nguồn vốn đầu tư công gặp nhiều khó khăn, đây cũng là điểm nghẽn ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ các công trình.
Thời gian qua, nhiều dự án khi thực hiện giải phóng mặt bằng thì có một số hộ dân bị thu hồi đất, tài sản trên đất chưa đồng thuận với giá bồi thường hỗ trợ, dẫn đến mất nhiều thời gian để tuyên truyền, vận động và thuyết phục. Ngoài ra, quy trình thủ tục liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất lúa phải thực hiện nhiều bước, xin ý kiến của nhiều cấp, nhiều ngành.
Điển hình như: dự án đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông – Tây có tổng vốn đầu tư 2.060 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2021 - 2026; trong đó chi phí giải phóng mặt bằng, di dời tái định cư là 300 tỷ đồng.
Đến tháng 7/2024 dự án vẫn gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng khi công tác kiểm kê tài sản, áp giá và phê duyệt phương án bồi thường chưa đạt yêu cầu. Các khu tái định ở các địa phương có dự án đi qua chưa hoàn thành. Một số dự án khác cũng vướng giải phóng mặt bằng như: phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, hạ tầng cơ bản cho phát triển tỉnh Quảng Trị, Đường tránh phía Đông thành phố Đông Hà.
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị, để hoàn thành giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2024, thời gian tới tỉnh tập trung thực hiện nhiều giải pháp; trong đó, khẩn trương tháo gỡ khó khắn vướng mắc đối với các nguồn thu ngân sách, đảm bảo nguồn thu để thực hiện và giải ngân đúng kế hoạch. Rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục liên quan để sớm triển khai đấu giá quyền sử dụng đất; lựa chọn nhà đầu tư, giải phóng mặt bằng sớm giao đất các dự án cho nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường phối hợp giữa chủ đầu tư và địa phương trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Chủ đầu tư không được đẩy trách nhiệm giải phóng mặt bằng cho địa phương; đồng thời, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc giải quyết công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường; tái định cư kịp thời, đúng quy định cho người dân, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước và người dân.
*Tại Gia Lai: Kỳ họp thứ 19 - Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai khoá XII, nhiệm kỳ 2021- 2026 (diễn ra từ ngày 8- 10/7), Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch cho biết: Uỷ ban nhân dân tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo hoàn chỉnh hồ sơ và dự thảo kế hoạch triển khai Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021-2030, các quy hoạch vùng huyện, quy hoạch phân khu chức năng, quy hoạch chi tiết...
Đồng thời, chủ động tổ chức thực hiện các quy định pháp luật khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực; tiếp tục phát huy vai trò 4 tổ công tác của Ủy ban nhân dân tỉnh để tăng cường kiểm tra và tháo gỡ vướng mắc cho từng dự án, chủ đầu tư; tham mưu xây dựng Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026-2031 hiệu quả, khả thi, tạo khâu đột phá cho sự phát triển của tỉnh.
Theo Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh Gia Lai là 4.360 tỷ đồng. Tính đến ngày 6/7, tổng kế hoạch vốn phân bổ đạt hơn 4.370 tỷ đồng. Trong đó, vốn kế hoạch năm hơn 3.800 tỷ đồng, vốn kéo dài hơn 570 tỷ đồng. Hiện còn gần 339 tỷ đồng (gồm hơn 278, 9 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương và hơn 60 tỷ đồng ngân sách trung ương) chưa được phân bổ.
Tính đến ngày 6/7, Gia Lai mới chỉ giải ngân được 978 tỷ đồng, đạt 22,4% tổng kế hoạch vốn năm, thấp hơn trung bình giải ngân của cả nước là 6,37% (bình quân giải ngân của các địa phương là 28,77%). Gia Lai là địa phương nằm trong 29 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp nhất cả nước.
Theo Uỷ ban nhân dân tỉnh Gia Lai, nguyên nhân khiến công tác giải ngân vốn đầu tư công ì ạch là do hụt thu tiền sử dụng đất làm cho nhiều dự án, chương trình sử dụng nguồn vốn này không thể triển khai thực hiện và thanh toán khối lượng hoàn thành.
Bên cạnh đó, một số dự án trọng điểm của tỉnh đang vướng mắc về Quy hoạch sử dụng đất, điều chỉnh chủ trương đầu tư… nên làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, giải ngân; đồng thời, khó khăn trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thiếu vật liệu đất san lấp cho dự án đường giao thông cũng tác động lớn đến tiến độ thực hiện, giải ngân của tỉnh Gia Lai.
Theo TTXVN