Các dòng sông băng ở dãy Himalaya tan chảy với tốc độ đáng báo động

11/12/2018 - 20:12

Chính phủ Nepal đang kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục hỗ trợ nước này trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu khi hiện tượng Trái Đất ấm lên khiến các dòng sông băng ở dãy Himalaya tan chảy với tốc độ đáng báo động, nguy cơ nhiều hồ băng vỡ bờ, gây ra lũ lụt kinh hoàng tại quốc gia kém phát triển này.

Lời kêu gọi này được đưa ra nhân Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP 24) đang diễn ra ở Katowice, Ba Lan.

Với nền kinh tế có quy mô nhỏ và 26 triệu dân, Nepal là nước phát thải lượng carbon thấp hơn rất nhiều so với những nước phát thải chính Trung Quốc và Ấn Độ (chiếm tổng cộng hơn 30% lượng khí thải toàn cầu). Giới chức Nepal cảnh báo các sông băng tan chảy do biến đổi khí hậu gây ra mối đe dọa lớn đối với quốc gia Nam Á này, đồng thời cho rằng đây là “cái giá quá đắt và không công bằng”.

Hồ băng tan chảy từ đỉnh núi ở Solukhumbu, cách thủ đô Kathmandu của Nepal 140 km về phía đông bắc, ngày 22-11-2018. Ảnh: AFP/TTXVN

Giới chuyên gia ví những hồ băng lớn tại nước này giống như một quả bom hẹn giờ. Những năm trở lại đây, hàng trăm hồ băng đã biến mất ở dãy Himalaya.

Kết quả một cuộc khảo sát công bố năm 2014 cho thấy số hồ băng ở Nepal đã giảm 25% xuống còn 1.466 hồ trong thời gian từ năm 1977-2010. Trong khi đó, 21 hồ băng được xác định là tiềm ẩn nguy hiểm. Trong đó, hồ băng phát triển nhanh nhất ở Nepal - Imja có nguy cơ vỡ bờ, nhấn chìm các vùng đồng bằng phía Nam đông dân của Nepal.

Nhà khoa học Arun Bhakta Shrestha thuộc Trung tâm Quốc tế về phát triển vùng núi cảnh báo nguy cơ này đang ngày càng hiện hữu khi nhiều cư dân đến sinh sống và các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng đang phát triển nhanh chóng tại các thung lũng.

Trận động đất có cường độ 7,8 độ làm rung chuyển Nepal hồi năm 2015 đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với các nhà hoạch định chính sách dù may mắn hồ Imja không vỡ bờ.

Trước nguy cơ tính mạng của hàng nghìn người dân đang bị đe dọa, từ cuối năm 2016, Chính phủ Nepal bắt đầu triển khai dự án quy mô lớn nhằm tháo nước hồ băng Imja, khi đó sâu 150 mét và dài 2 km. Những con bò Tây Tạng và trực thăng đã được sử dụng để vận chuyển vật liệu cũng như đưa các đội công nhân lên độ cao hơn 5.000 mét. Những công nhân phải làm việc vất vả trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt và không khí loãng.

Sau 6 tháng, một kênh thoát nước và hệ thống cảnh báo sớm đã được lắp đặt. Mực nước trong hồ đã giảm khoảng 3,5 mét, tiêu được khoảng hơn 5 triệu mét khối nước.  

Dự án trên đã “ngốn” mất 7,4 triệu USD, là cam kết “đắt đỏ” cho một quốc gia vốn phụ thuộc nhiều vào nguồn viện trợ quốc tế và các nước láng giềng phát triển hơn - đóng góp 12% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nepal. Trong dự án này, hơn 80% nguồn tài trợ được rót từ quỹ quốc tế Môi trường Toàn cầu, chuyên tài trợ cho những nước đang phát triển và số còn lại do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ.

Theo báo cáo về chỉ số rủi ro khí hậu dài hạn 2019 của tổ chức Germanwatch, Nepal nằm trong số 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ tình trạng biến đổi khí hậu trong 20 năm qua. Puerto Rico là vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu, sau đó là Sri Lanka và Dominica. Các nước tiếp theo trong số 10 quốc gia nói trên lần lượt là Nepal, Peru, Việt Nam, Madagascar, Sierra Leone, Bangladesh và Thái Lan.  

Báo cáo chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu 2019 là chỉ số phân tích mức độ ảnh hưởng mà các quốc gia và vùng lãnh thổ phải gánh chịu do những yếu tố liên quan tới thời tiết như bão, lụt, sóng nhiệt...

Theo Germanwatch, hơn 11.500 hiện tượng thời tiết khắc nghiệt trong giai đoạn 1998 - 2017 đã làm hơn hơn 526.000 người thiệt mạng trên toàn thế giới và gây thiệt hại khoảng 3.470 tỷ USD.

Germanwatch cũng khuyến cáo hội nghị về biến đổi khí hậu ở Katowice đưa ra một "hướng dẫn bắt buộc" cần thiết cho việc thực thi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, bao gồm mục tiêu thích nghi toàn cầu và định hướng truyền thông thích ứng.

Theo NGUYỄN HẰNG (Báo Tin Tức)