Hình ảnh chụp Quái vật hồ Loch Ness nổi tiếng. Ảnh: Vox
Theo hãng tin RT, nhóm khoa học do Giáo sư chuyên về gen di truyền Neil Gemmell thuộc Đại học Otago (New Zealand) dẫn đầu đã phân tích 500 triệu chuỗi ADN thu thập từ 250 mẫu nước lấy trong hồ Loch Ness – được coi là hồ lớn nhất tại Vương quốc Anh.
Sau một thời gian nghiên cứu miệt mài, nhóm các nhà khoa học trên đã loại bỏ được một số giả thuyết phổ biến lâu nay lý giải về sự tồn tại của sinh vật huyền thoại trong hồ.
Giáo sư Gemmell cùng các đồng nghiệp khẳng định không phát hiện ra ADN của các loài bò sát thời kỳ kỷ Jura như thằn lằn đầu rắn, cũng như không có dấu hiệu của cá mập hay cá da trơn. Sau khi loại trừ, các nhà khoa học đưa ra một lời giải thích được cho là “hợp lý hơn cả”.
“Có một lượng lớn ADN của lươn. Đây là loài phổ biến tại Loch Ness. Số liệu của chúng tôi không tiết lộ về kích thước của chúng, song với số lượng lớn ADN, chúng ta không thể loại trừ khả năng có thể xuất hiện loại lươn khổng lồ trong hồ Loch Ness”, Giáo sư Gemmell tuyên bố hôm 5-9.
Trước đây từng có ghi nhận của các thợ lặn cho rằng có những “con lươn to bằng bắp chân của người” dưới lòng hồ. Dựa trên kinh nghiệm nghiên cứu về di truyền học, Giáo sư Gemmell cho biết một con lươn dài khoảng 4 m như những hình ảnh xa xưa chụp lại “không phải là không tồn tại”.
Quái vật hồ Loch Ness là một trong những câu chuyện bí ẩn lâu đời nhất tại Scotland. Hình ảnh về một sinh vật huyền bí trên hồ chưa ai lý giải được cho là yếu tố truyền cảm hứng cho sách, chương trình TV và phim ảnh.
Câu chuyện về Quái vật hồ Loch Ness bắt nguồn từ 1.500 năm trước, khi nhà truyền giáo người Ireland Thánh Columba được cho bắt gặp một con quái vật ở sông Ness vào năm 565 Công Nguyên.
Năm 1933, Alec Campbell - phóng viên báo August Augustus – tường thuật bắt gặp sinh vật khổng lồ giống cá voi trên hồ Loch Ness.
Năm 1934, bác sĩ phẫu thuật kỳ cựu người Anh Colonel Robert Wilson khẳng định đã chụp được bức ảnh về con quái vật khi đang lái xe dọc bờ biển phía Bắc hồ Loch Ness. Tuy nhiên sau đó, bức ảnh bị phát hiện là làm giả.
Theo HỒNG HẠNH (Báo Tin Tức)