Khó khăn chồng chất
Lãnh đạo 11 trường trung cấp thuộc cụm thi đua số 8 TPHCM vừa có cuộc gặp gỡ trong buổi tọa đàm về công tác tuyển sinh do trường Trung cấp Việt Giao tổ chức. Tại đây, hầu như lãnh đạo trường nghề nào cũng phải thừa nhận năm 2021 là một năm quá khó khăn cho công tác tuyển sinh của các trường trung cấp.
Lãnh đạo các trường trung cấp đều cho biết năm 2021 tuyển sinh rất khó khăn (Ảnh: Tùng Nguyên).
Phát biểu tại tọa đàm, tiến sĩ Nguyễn Hoàng Chương, Ủy viên HĐQT trường Trung cấp Việt Giao, phải thốt lên: "Các trường nghề đang đối diện với muôn vàn khó khăn!".
Theo ông, có 3 khó khăn chính cản trở học sinh đến với trường nghề là chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ĐH quá nhiều, quan niệm coi trọng bằng cấp của phụ huynh và "tâm lý kỳ thị" của các trường THPT, THCS.
Hiện các trường phổ thông thấy có trường ĐH đến tư vấn tuyển sinh thì niềm nở mời vào, còn trường trung cấp đến thì bị từ chối ngay từ cổng.
Phụ huynh thì vẫn nặng tâm lý muốn con em mình có được tấm bằng tốt nghiệp ĐH, không muốn cho con đi học nghề. Các phụ huynh đều nghĩ chỉ có học sinh yếu mới phải đi học trung cấp, học nghề.
Đó là chưa kể đến việc các trường ĐH đang hạ thấp chuẩn đầu vào, cố "vét người học", thậm chí tuyển sinh dễ đến mức chỉ xét tuyển học bạ nên học sinh có cơ hội lao vào cổng trường ĐH ngày một nhiều hơn.
Nhiều phụ huynh vẫn nghĩ học sinh yếu mới phải đi học trung cấp, học nghề (Ảnh minh họa: TC Việt Giao).
Thạc sĩ Trần Phương, Hiệu trưởng trường Trung cấp Việt Giao chia sẻ thêm, một nhóm đối tượng tuyển sinh chính của các trường trung cấp là học sinh tốt nghiệp THCS cũng đang bị các trường cao đẳng cạnh tranh gay gắt với chương trình 9+.
Các em học xong lớp 9 vẫn thích chương trình 9+ của cao đẳng hơn là vào trường trung cấp. Chính vì vậy mà các trường trung cấp phải chuyển hướng sang cạnh tranh với trường ĐH để tuyển sinh nhóm học sinh tốt nghiệp THPT.
Các khó khăn cố hữu chưa được giải quyết thì năm 2021 lại bị tác động nặng nề từ Covid-19 khiến việc tuyển sinh của các trường trung cấp càng điêu đứng hơn, tiến sĩ Nguyễn Hoàng Chương ví von là "khó khăn chồng chất khó khăn".
Rất cần xã hội chung tay
Phát biểu tại tọa đàm, bà Lương Kim Anh, Hiệu trưởng trường Trung cấp Đại Việt chia sẻ, trường đã lên kế hoạch tuyển sinh năm 2021 từ tháng 12/2020 nhưng Covid-19 làm đảo lộn tất cả.
Năm 2021, nhà trường lên kế hoạch đi các tỉnh tư vấn hướng nghiệp, tham gia gian hàng tuyển sinh của các báo tổ chức… nhưng Covid-19 bùng phát đã buộc phải hủy, chuyển phương thức tuyển sinh từ trực tiếp sang trực tuyến nên rất khó khăn.
Bà Lương Kim Anh (Ảnh: Tùng Nguyên).
"Việc tư vấn tuyển sinh, hướng dẫn học sinh đăng ký nhập học khi dịch bệnh diễn biến phức tạp đã khó rồi mà việc đào tạo trực tuyến càng khó khăn hơn", bà Lương Kim Anh cho biết.
Theo bà, việc phải học trực tuyến khiến nhiều phụ huynh thiếu tin tưởng, đắn đo về chất lượng đào tạo, nên cân nhắc chưa cho con em mình nhập học, thậm chí là có em rút hồ sơ chuyển trường, có em học vài ngày thì nghỉ, có em học nhưng không chịu đóng học phí…
Đứng trước những khó khăn trên, Hiệu trưởng trường Trung cấp Đại Việt đề nghị ngoài sự nỗ lực của từng trường thì cần có sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý ngành giáo dục nghề nghiệp, các trường phải đoàn kết hỗ trợ lẫn nhau.
Bà kiến nghị, các trường nên liên kết trong việc tuyển sinh. Ví dụ như giới thiệu người học muốn học những ngành mà trường không đào tạo, hoặc những ngành mà trường chưa đủ học sinh để mở lớp đến học ở trường khác trong cụm thi đua…
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Chương thì đề nghị cơ quan quản lý, báo chí và các trường phải chung tay đẩy mạnh truyền thông về học nghề nói chung.
Theo ông, chỉ khi nào nhận thức về học nghề ở nước ta được nâng cao thì người học, hay phụ huynh học sinh mới quan tâm tìm hiểu các trường nghề, các ngành nghề.
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Chương (Ảnh: Tùng Nguyên).
Do đó, tiến sĩ Nguyễn Hoàng Chương gửi gắm: "Các trường nghề phải đẩy mạnh nhận thức học nghề nói chung trước khi giới thiệu về trường mình. Đừng sợ người học chọn những cơ sở đào tạo nghề khác".
Theo ông, yêu cầu xã hội đặt ra là phải tăng nhanh số lượng lao động có tay nghề, đảm bảo cơ cấu đào tạo hợp lý giữa đại học và giáo dục nghề nghiệp. Để thực hiện nhiệm vụ này, một mình ngành giáo dục nghề nghiệp, các trường nghề không thể làm được mà đòi hỏi phải có sự nhận thức, vào cuộc của cả xã hội.
Theo TÙNG NGUYÊN (Dân Trí)