Cận cảnh hình ảnh Mặt Trời sắc nét nhất từng ghi nhận trong lịch sử

30/01/2020 - 16:20

Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ (NSF) mới đây công bố dữ liệu và hình ảnh quan sát đầu tiên của kính viễn vọng Daniel K. Inouye ở Hawaii, Mỹ.

Hình ảnh được xem là sắc nét nhất về Mặt Trời từng được ghi nhận này cho cho thấy rõ mô hình plasma tuần hoàn trên bề mặt Mặt Trời.

Các nhà khoa học cho biết, các đốm trắng nhỏ nhất nằm giữa các plasma có kích thước bằng quận Manhanttan, New York, Mỹ. Trong khi đó, kích thước của một plasma được ước lượng gần bằng bang Texas, Mỹ.

Thomas Rimmele, Giám đốc điều hành kính viễn vọng cho biết: "Với lần thử đầu tiên, chúng tôi có thể thu được những hình ảnh và phim có độ phân giải cao nhất về bề mặt Mặt Trời từng được chụp. Không khí trong phòng điều khiển kính viễn vọng tương tự như một vụ phóng tên lửa".

Cận cảnh hình ảnh Mặt Trời sắc nét nhất từng ghi nhận trong lịch sử - 1

Mô hình plasma tuần hoàn trên bề mặt Mặt Trời. (Ảnh: Science Alert)

Đồng thời nhà khoa học này cũng cho biết, những hình ảnh đầu tiên vượt quá mong đợi của ông; khoảnh khắc chứng kiến nó thực sự căng thẳng nhưng cũng vô cùng thú vị.

"Kể từ khi Quỹ khoa học Quốc gia bắt đầu làm việc với kính viễn vọng, chúng tôi đã háo hức chờ đợi những hình ảnh đầu tiên", France Córdova, Giám đốc Quỹ Khoa học Quốc gia bày tỏ.

David Boboltz - người giám sát việc xây dựng và vận hành cơ sở cho hay, trong vòng sáu tháng tới, nhóm các nhà khoa học, kỹ sư và kỹ thuật viên của kính viễn vọng Inouye sẽ tiếp tục thử nghiệm và đưa vào sử dụng kính thiên văn trước khi sẵn sàng đưa vào sử dụng bởi cộng đồng khoa học năng lượng Mặt Trời quốc tế.

Cận cảnh hình ảnh Mặt Trời sắc nét nhất từng ghi nhận trong lịch sử - 2

Các đốm trắng nhỏ nhất nằm giữa các plasma có kích thước bằng quận Manhanttan, New York, Mỹ. (Ảnh: NSO/NSF/AURA)

Những bức ảnh và video của kính viễn vọng Inouye có độ phân giải cao gấp 5 lần so với ảnh từ kính viễn vọng Mặt Trời trước đây. Từ hình ảnh này, các nhà khoa học cho rằng, chuyển động dữ dội của plasma giúp truyền nhiệt từ lõi Mặt Trời ra ngoài bầu khí quyển. Chuyển động này được gọi là "corona".

Kính viễn vọng Mặt Trời Inouye được hoàn thành tại Maui, Hawaii vào ngày 30/6, đặt theo tên của chính trị gia người Mỹ gốc Á cao cấp nhất lịch sử Mỹ Daniel Inouye. Ông từng là Thượng nghị sĩ của Hawaii từ năm 1963 đến 2012. Công trình này được dự báo sẽ tạo ra kỷ nguyên mới cho ngành khoa học năng lượng Mặt Trời.

Theo HẠ VŨ (VTC)