Cần chăm sóc sức khỏe tinh thần khi trẻ học online kéo dài

25/11/2021 - 05:50

 - Bên cạnh việc yêu cầu các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện đa dạng các hình thức dạy học phù hợp với tình hình thực tế khi học sinh chưa thể đến trường, một trong những nội dung được Sở Giáo dục và Đào tạo lưu ý đến các giáo viên và phụ huynh là: Cần chăm sóc sức khỏe tinh thần cho các trẻ nhỏ, tạo các hoạt động vui chơi phù hợp giúp các em không bị áp lực, căng thẳng khi phải học trực tuyến (online) kéo dài.

Trẻ cần được học thêm các môn mỹ thuật, âm nhạc trực tuyến để nâng cao sức khỏe tinh thần (Ảnh chụp trước dịch COVID-19)

Học sinh cảm thấy cô đơn

Đó là thực tế đang xuất hiện trong lứa tuổi học sinh lớp 1, 2 khi phải học trực tuyến từ ngày này sang ngày khác ở một số gia đình. Bởi ngoài học trực tuyến, các em hầu như ở nhà, chỉ gói gọn trong sinh hoạt gia đình. Các hoạt động vui chơi giải trí, kết nối với bạn bè bị gián đoạn vì dịch bệnh. Do vậy, nhiều em rất muốn được giao tiếp.

Ghi nhận trong giờ học trực tuyến của lớp 2Đ, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) chúng tôi nhận thấy một số em háo hức mỗi khi được thầy giáo gọi đọc bài, trả lời câu hỏi; còn một số em thấy mình ít được gọi tên liền thẳng thắn hỏi: “Thầy ơi, sao thầy không gọi con vậy thầy?”. Việc dạy trực tuyến ít tương tác với học sinh, giáo viên trong thời gian hạn hẹp nên không thể quan tâm đến tất cả các em. Do vậy, xuất hiện tình trạng một số các em cảm thấy cô đơn, nghĩ rằng không được thầy cô quan tâm như trước đây.

Việc học trực tuyến đang gây áp lực lên học sinh, nhất là các lớp đầu cấp tiểu học. Bởi trong một thời gian hạn hẹp, trẻ đôi khi chưa kịp tiếp thu bài, chưa kịp hỏi lại thầy cô giáo thì đã hết giờ học, các em không hiểu hết nội dung bài, hôm sau lại vào nội dung mới dẫn đến tâm lý ngán ngại việc học.

Việc một số phụ huynh can thiệp sâu vào cách giảng dạy của thầy cô hay la hét, quát mắng con đã làm một số em trở nên căng thẳng. Một số giáo viên cho hay, có tình trạng phụ huynh ngồi học cùng con, cho đáp án, trả lời thay con... làm các em không được học thoải mái tự nhiên như trên lớp. Lại thêm việc ít giao tiếp với thầy cô, bạn bè lâu ngày làm các em trở nên thụ động, mệt mỏi, gây tâm lý chán nản việc học trực tuyến.

Đâu là giải pháp?

Cô Nguyễn Huỳnh Ngọc Thủy (giảng viên Khoa Sư phạm, Trường Đại học An Giang) cho biết: “Chúng ta cần hiểu tâm lý học sinh theo từng lứa tuổi để có cách chăm sóc sức khỏe tinh thần các bé tốt hơn. Đa số trẻ em đều hiếu động, thích chạy nhảy, thích nói chuyện với bạn bè, thầy cô nhưng nay lại phải ngồi một chỗ, chỉ tập trung vào màn hình, tiếp thu một chiều từ các thiết bị điện tử, lâu dần sẽ dẫn đến những tác động đến mắt, hệ thần kinh.

Do vậy, để tạo niềm yêu thích, tâm lý hứng khởi học tập ở trẻ đòi hỏi sự linh hoạt, sáng tạo hơn nữa ở giáo viên. Đó là tăng cường thời gian giải lao, xen lẫn các trò chơi, câu đố vui, tổ chức hoạt động âm nhạc, mỹ thuật để các em hào hứng tham gia phát biểu, tạo thêm thời gian để các em giao lưu, bày tỏ suy nghĩ, mong muốn của bản thân. Khi các em được giao tiếp sẽ có thêm niềm vui tham gia lớp học, sẽ không còn cảm giác học vì nhiệm vụ”.

Cùng với đó, phụ huynh cũng cần san sẻ trách nhiệm với giáo viên, bởi với việc học trực tuyến, giáo viên không thể quan tâm sâu sát từng học sinh, hiểu hết tâm lý khi không tiếp xúc thường xuyên. “Để tránh tình trạng cả phụ huynh và học sinh đều căng thẳng, mệt mỏi khi phải học online kéo dài, phụ huynh cần quan tâm việc học của con một cách hợp lý, như kiểm tra mức độ tiếp thu bài học, nhắc nhở con hoàn thành bài tập ở nhà, có thời gian biểu để con học tập, sinh hoạt, rèn luyện thể chất phù hợp lứa tuổi, có các hoạt động vui chơi cùng con khi rảnh rỗi để tăng sự kết nối giữa các thành viên trong gia đình. Đó chính là nguồn năng lượng tích cực để các em có thể trở lại lớp học trực tuyến một cách hăng hái và học tập đạt được hiệu quả”- cô Thủy khuyến khích.

TRÚC PHA