Cần có nhận thức đúng về việc chặt cây xanh trong trường học

15/06/2020 - 04:44

 - Cuộc sống của con người khó có thể tách khỏi thiên nhiên. Đặc biệt là ở nơi đô thị, mật độ dân cư và phương tiện giao thông đông đúc, cùng với khói bụi, ô nhiễm… thì cây xanh là một trong những giải pháp giúp thanh lọc không khí để môi trường sống trong lành, dễ chịu hơn.

“Mé nhánh” kiểu tàn phá !

Sau sự việc cây phượng vĩ ở Trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP. Hồ Chí Minh) bật gốc khiến 18 học sinh thương vong, các điểm trường trên địa bàn tỉnh đã tăng cường kiểm tra, chặt mé, gia cố cây xanh trong khuôn viên trường học nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh, nhất là trong giai đoạn cao điểm mùa mưa bão hiện nay.

Đáng nói, nhiều trường tiến hành “triệt hạ không thương tiếc”, thậm chí cắt tận gốc, xóa sổ gần như toàn bộ cây xanh trong khuôn viên trường học. Việc làm này nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều, nếu như không muốn nói rất máy móc và vô cảm!

Cây xanh có vai trò rất quan trọng đối với sự sống của chúng ta, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, khi mà thời tiết nóng bức ngày càng gia tăng. Đối với khuôn viên trường học, cây xanh rất hữu dụng để tạo bóng mát cho mọi hoạt động hàng ngày, là nơi để học sinh vui chơi, giải trí, tập thể dục, sinh hoạt ngoại khóa…

Để có được một bóng cây che mát rất cần có sự vun trồng, chăm sóc nhiều năm, qua nhiều thế hệ học trò. Bởi vậy, khi xảy ra sự cố cây xanh bật gốc thì phải xem xét nguyên nhân bắt nguồn từ đâu. Vấn đề là ở chỗ quản lý, chăm sóc, kiểm tra định kỳ để đảm bảo an toàn cho học sinh, chứ không phải chỉ vì “một con sâu làm rầu nồi canh”, không thể một vài cây sâu bệnh thì đốn trụi mọi cây ở mọi nơi khác!

Nhiều cây xà cừ đang phát triển tốt vẫn bị triệt hạ

Từ trước tới nay, chặt dọn, gia cố, mé nhánh cây xanh để đảm bảo an toàn là việc làm thường xuyên của các trường. Ai cũng biết, đối với những cây còn nhỏ cần được gia cố gốc chắc chắn, cắt dọn bớt tán, cành lá. Riêng những cây cổ thụ nhiều năm tuổi mục rỗng thì có phương án chặt hạ để đảm bảo an toàn cho học sinh.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều nơi chẳng hiểu là do “vận dụng sai” hay là “chủ động quá mức” mà tiến hành cắt trụi hầu hết cây xanh trong trường. Đáng nói là nhiều loại cây như: xà cừ, bàng, phượng vĩ… đều bị triệt hạ. Công sức của biết bao thế hệ thầy trò vun trồng, chỉ trong chốc lát đã biến thành những “đống củi” nằm ngổn ngang, khiến ai nhìn cũng xót xa.

Nhiều chuyên gia cho rằng, học sinh, sinh viên là những người tham gia rất tích cực các “Hành trình xanh”, phong trào, hoạt động tuyên truyền bảo vệ cây xanh, bảo vệ môi trường sinh thái… Việc đốn hạ cây xanh một cách vô tội vạ, thiếu cân nhắc hiện nay sẽ tác động tiêu cực đến nhận thức giới trẻ, ảnh hưởng đến những hoạt động hữu ích mà các em đang làm.

“Sáng cuối tuần đang nằm nghe tiếng cưa máy rào rào, ra xem mới biết trường tiến hành chặt hạ cây xanh. Trồng thì khó, còn chặt thì dễ, ai làm cũng được. Mấy cây này chặt xuống nhìn gốc còn nguyên vẹn, gỗ rất chắc chắn, không thấy sâu mọt gì. Nhà tôi ở đây từ trước giờ, chẳng thấy cây sập gì cả. Tôi nghĩ, chỉ cần mé nhánh để bớt tán lá thì vẫn đảm bảo an toàn. Ai lại đốn luôn như thế này thì thật sự rất đáng tiếc” - một người dân sinh sống cặp vách một trường THCS ở TP. Long Xuyên thông tin.

Những yếu tố không thể thiếu trong khuôn viên trường học là phải có cây xanh che bóng mát, thảm cỏ, bồn hoa, cây cảnh hài hòa và phù hợp với quy hoạch của nhà trường. Trong đó, diện tích trồng cây xanh, sân chơi, sân tập thể thao, giao thông nội bộ phải đảm bảo theo quy chuẩn. Thử tưởng tượng cảnh sân trường nắng chói chang, tất cả các dãy phòng đều không có cây xanh che bóng mát thì thật sự rất khủng khiếp trong điều kiện thời tiết nóng bức hiện nay.

Tôi còn nhớ lời than vãn của cô hiệu trưởng một trường mẫu giáo: “Trường lớp mới xây sạch đẹp, rộng rãi là thế. Nhưng cô trò lo lắng nhất là không có sân chơi cho các cháu, vì ánh nắng chói chang suốt ngày. Hầu hết các hoạt động diễn ra trong lớp, chẳng dám ra nắng vì sợ các cháu bệnh. Cô trò cố gắng chăm chút để các cây lớn nhanh, có bóng mát để đỡ oi bức hơn…”.

Ngược lại với suy nghĩ này thì hiện nay nhiều nơi tiến hành triệt hạ cây xanh, với tinh thần “chủ động trong mọi tình huống”. Nhưng tình huống trước mắt khó tránh khỏi là cảnh sân trường tang hoang, nắng nóng gay gắt sẽ ảnh hưởng đến mọi hoạt động diễn ra hàng ngày của nhà trường, ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh.

Thiết nghĩ, các trường cần bình tĩnh, rà soát hệ thống cây xanh, gia cố các cây đang phát triển tốt (có thể lắp khung sắt như nhiều nơi đang làm) và có phương án xử lý những cây sâu bệnh, có nguy cơ đổ ngã… vừa đảm bảo cảnh quan, vừa an toàn cho các hoạt động của trường.

Sở Giáo dục và Đào tạo vừa yêu cầu hiệu trưởng các trường tiếp tục triển khai thực hiện tốt Công văn số 456/CT.HSSV ngày 5-5-2015 về danh mục cây xanh cấm và hạn chế trồng trong trường học; Công văn số 1775/SGDĐT-CTTT ngày 8-10-2018 về việc chấn chỉnh việc xây dựng, tạo cảnh quan trường học “Xanh - sạnh - đẹp - an toàn”. Tiến hành kiểm tra, rà soát các quy định về đảm bảo an toàn trường học và phòng, chống tai nạn thương tích; xây dựng môi trường lành mạnh, thân thiện. Chủ động phối hợp chính quyền địa phương, người dân xung quanh tổ chức kiểm tra hệ thống các cây hiện có trong cơ sở giáo dục, nhất là các cây có nguy cơ đổ ngã, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng con người và tài sản của đơn vị...

HỮU HUYNH