Nên trợ cấp cho người 75 tuổi
Theo quy định về bảo trợ xã hội, người cao tuổi phải từ 80 tuổi trở lên mới đủ điều kiện hưởng chế độ hàng tháng. Trong khi tuổi thọ của người dân Việt Nam hiện nay trung bình 73,6 tuổi. Ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người từ đủ 80 tuổi trở lên rất ít, điều kiện kinh tế - xã hội khu vực này còn nhiều khó khăn.
Người dân chủ yếu làm nông, về già sức khỏe yếu, khi vừa làm xong hồ sơ thì qua đời. Do đó, cử tri một số tỉnh (Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Bình Thuận, Sóc Trăng, Tiền Giang, An Giang) đề nghị xem xét, điều chỉnh hạ tuổi của người cao tuổi được hưởng chính sách bảo trợ xã hội xuống 75 tuổi, không phân biệt đối tượng áp dụng.
Chính phủ đã 3 lần ban hành văn bản hạ độ tuổi hưởng trợ cấp xã hội, nâng mức trợ cấp đối với người cao tuổi. Lần đầu, Nghị định 30/2002/NĐ-CP, ngày 26/3/2002 quy định người cao tuổi từ 90 tuổi trở lên được hưởng trợ cấp. Đến năm 2007, hạ độ tuổi xuống 85, theo Nghị định 67/2007/NĐ-CP. Năm 2011, Nghị định 06/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người cao tuổi một lần nữa giảm độ tuổi xuống còn “từ đủ 80”.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ngày 15/3/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Trong đó, quy định mở rộng đối tượng được hưởng trợ cấp hàng tháng là người từ 75 - 80 tuổi, thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo (không thuộc quy định tại Điểm a, Khoản 5, Điều 5, Nghị định 20/2021/NĐ-CP) đang sống tại địa bàn xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn. Việc mở rộng đối tượng hưởng trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi là cố gắng lớn của Chính phủ, trong bối cảnh khả năng bố trí ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn.
“Điều 4, Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định, tùy thuộc điều kiện kinh tế - xã hội tại địa phương, UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội áp dụng trên địa bàn (bảo đảm không thấp hơn Nghị định 20/2021/NĐ-CP); đối tượng khó khăn khác chưa quy định tại nghị định này được hưởng chính sách.
Trên cơ sở đó, căn cứ điều kiện cụ thể của địa phương, HĐND cấp tỉnh xem xét, quyết định mức trợ giúp xã hội, đối tượng người cao tuổi từ 75 tuổi trở lên được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại địa phương. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ghi nhận ý kiến của cử tri; phối hợp cơ quan liên quan nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định hoàn thiện chính sách trợ giúp xã hội vào thời điểm thích hợp, phù hợp khả năng bố trí ngân sách nhà nước” - Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thông tin.
Giảm tuổi nghỉ hưu cho giáo viên
Theo Bộ luật Lao động, độ tuổi nghỉ hưu đối với lao động nam là 62 tuổi, nữ 60 tuổi. Cử tri tỉnh Thái Nguyên, Hưng Yên, An Giang cho rằng, cần xem xét sửa đổi quy định theo hướng giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như trước đây đối với giáo viên mầm non, phổ thông (nam 60, nữ 55). Cần bổ sung giáo viên mầm non, tiểu học vào danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, để họ được nghỉ hưu sớm ít nhất 5 năm so quy định chung về tuổi nghỉ hưu.
Nhiều ý kiến phân tích, thời gian làm việc của cán bộ, công chức, viên chức là 8 tiếng/ngày, nhưng giáo viên mầm non phải đến trường sớm đón trẻ, giờ tan học phải đợi phụ huynh đón hết bé thì mới được nghỉ. Bên cạnh đó, để thu hút và tạo sự thích thú của các cháu, giáo viên phải trang trí, thiết kế dụng cụ học tập, sinh hoạt… nhưng chế độ rất thấp, không đảm bảo cuộc sống. Thầy, cô giáo tuổi cao chỉ dạy theo định mức, khó theo kịp đổi mới của ngành, áp dụng khoa học - công nghệ; phương pháp giảng dạy không phù hợp đặc điểm tâm lý, lứa tuổi học sinh.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, vấn đề tuổi nghỉ hưu đã được thảo luận, thống nhất thông qua tại Nghị quyết 28-NQ/TW, ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII). Năm 2019, Quốc hội ban hành Bộ luật Lao động, trong đó Điều 169 và 219 quy định tuổi nghỉ hưu, điều kiện về tuổi hưởng lương hưu.
Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Bộ luật Lao động, vấn đề tuổi nghỉ hưu đã được trao đổi, thảo luận, đánh giá một cách kỹ lưỡng, tổng thể các mặt liên quan. Việc điều chỉnh tăng không thực hiện ngay, mà điều chỉnh theo lộ trình (mỗi năm chỉ tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ).
Quá trình này cũng xem xét đến yếu tố về tính chất, loại hình lao động và sức khỏe người lao động. Người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người lao động sức khỏe yếu (bị suy giảm khả năng lao động) có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn người làm việc trong điều kiện bình thường (nghỉ hưu sớm hơn tối đa 5 - 10 tuổi tùy từng trường hợp).
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: “Trên cơ sở đề xuất của bộ, ngành, địa phương, chúng tôi tiếp tục phối hợp nghiên cứu, rà soát để sửa đổi, bổ sung Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, nhằm đảm bảo thực hiện tốt chế độ, chính sách cho người lao động, trong đó có việc làm cơ sở xét điều kiện về tuổi hưởng lương hưu”.
AN KHANG