Căn nhà mới của bà Nhứt

01/10/2020 - 06:36

 - Mấy tháng trước, khi tôi đến thăm, bà Trần Thị Nhứt (ngụ ấp Vĩnh Hòa, xã Lạc Quới, Tri Tôn) vừa trải qua đợt bệnh nặng, sắc mặt rất kém. Lần gặp lại này, nét mặt bà tươi tỉnh nhiều, dáng đi nhanh nhẹn, tiếng nói, tiếng cười khỏe hơn. Bởi, bao nặng gánh tuổi già của bà đã được san sẻ, bà được sống một cuộc sống mới, khi gần sang tuổi 80.

Nụ cười của bà Nhứt và Chương trong căn nhà mới

Tổng kết lại cả cuộc đời mình, bà Nhứt gói gọn trong một chữ: “Khổ”. Chiến tranh, loạn lạc, đói nghèo… khiến bao gia sản bà tạo dựng được đều mất hết. Chồng qua đời, để lại 3 đứa con thơ, bà bươn chải nuôi chúng lớn. Đi bước nữa, người chồng sau cũng qua đời, bà nặng nợ thêm 1 đứa con. Cô con gái út vắn số, qua đời khi còn rất trẻ. Thương cháu ngoại côi cút, nằm đỏ hỏn trên tay, bà mang về nuôi dưỡng. Lúc đó, bà đã hơn 70 tuổi, sức yếu, lực kiệt. Nguyễn Văn Duy Chương sống cùng bà bữa đói, bữa no. Mà bữa no chỉ là cơm chan nước lạnh, nước tương. “Cả đời tôi sống tạm bợ, ở đậu chỗ này một thời gian, chỗ kia mấy tháng. Chỗ ở đậu là mái hiên nhà, là chòi lá xập xệ, chứ có được lành lặn đâu. Những lúc bệnh già tái phát, nhìn cháu nằm ngủ co ro bên cạnh, nước mắt tôi cứ rớt hoài. Sau này tôi qua đời, không biết cháu sẽ sống thế nào?” - bà nhớ lại.

Nhiều người thấy cảnh khổ, muốn nhận Duy Chương về nuôi, nhưng bà không nỡ xa cháu. Các con bà đều phải lo toan cho gia đình riêng, chỉ giúp đỡ phần nào. Khi Duy Chương đến tuổi đi học lớp 1, bà càng lo nghĩ nhiều hơn. Tiền đâu lo cho Chương đi học? Ai đưa rước Chương đến trường? Bà còn được bao tháng ngày để nhìn cháu trưởng thành? Tưởng chừng bế tắc, thì bà được Đồn Biên phòng Lạc Quới (Bộ đội Biên phòng An Giang) ngỏ ý muốn nhận Chương làm con nuôi của đồn. Chương sẽ được bố trí nơi ăn ngủ, được đưa rước đi học, được chăm sóc đủ đầy và được hưởng nhiều chế độ riêng theo mô hình “Con nuôi Đồn Biên phòng”. Đồn cách nơi bà ở chỉ một đoạn đường ngắn, khi nào nhớ cháu, bà có thể ghé thăm. Bà đồng ý ngay, bao vướng mắc trong lòng đều được tháo gỡ.

Chương được nhận nuôi 1 năm, cũng là 1 năm cuộc sống của 2 bà cháu khác hoàn toàn với trước. Từ một cậu bé nhỏ gầy, bữa cơm không biết thịt cá (vì trước đây có thịt cá đâu mà ăn!), nay Chương đã tròn trịa, trắng trẻo hơn. Cậu bé được cán bộ, chiến sĩ (CBCS) đưa rước đi học mỗi ngày, được kèm cặp việc học. Mỗi tháng, cậu bé được nhận tiền chu cấp, có bảo hiểm y tế, quần áo, sách vở… không thiếu thốn gì so với bạn bè. Để lo tương lai cho Chương, mỗi CBCS mở sổ tiết kiệm, mỗi tháng đóng góp hơn 1 triệu đồng, khi cậu bé đủ 18 tuổi sẽ trao lại. Hiện, cậu bé đã có tài khoản gần 20 triệu đồng! Bà Nhứt được nhận 10kg gạo/tháng, chưa kể thức ăn hàng ngày và quà vào các dịp đặc biệt. Khi bà đau yếu, đơn vị cử cán bộ quân y đến khám, chữa bệnh miễn phí. Mỗi khi gặp nhau, Chương tíu tít kể chuyện sống ở đồn vui thế nào, được ăn gì… Bà nghe mà hạnh phúc vô cùng, hiểu được rằng quyết định của mình đúng đắn.

Nhưng bà còn lo lắng chỗ ở. Không thể cứ sống nhờ ở đậu trên đất người khác, trong căn chòi nhỏ, mà mỗi lần mưa gió chẳng biết né bên nào. Thấy vậy, Đồn Biên phòng Lạc Quới tìm nguồn hỗ trợ để cất nhà cho bà. “Một tháng trước, căn nhà đã được khởi công trên phần đất của UBND xã Lạc Quới quản lý, diện tích khoảng 40m2. Kết cấu nhà vách tường, mái tole, nền lót gạch men, kinh phí xây dựng gần 70 triệu đồng. Trong đó, UBMTTQVN huyện Chợ Mới hỗ trợ 50 triệu đồng; Huyện đoàn Tri Tôn vận động tài trợ 10 triệu đồng, phần còn lại do Đồn Biên phòng và UBMTTQ xã Lạc Quới hỗ trợ, cùng với ngày công lao động của CBCS Đồn Biên phòng. Khi căn nhà hoàn thành, đồn sẽ trang bị cho bà bếp gas, quạt máy, lắp toàn bộ hệ thống đèn chiếu sáng. Chúng tôi không chỉ chăm sóc cho Chương, mà còn hỗ trợ cho bà Nhứt để giảm bớt khó khăn cho bà, giúp cháu yên tâm học tập, sinh hoạt tại đồn” - thượng tá Lê Xuân Thị, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Lạc Quới chia sẻ.

Ở tuổi 78, bà Nhứt có căn nhà của riêng mình. Bà đếm từng ngày, mong nhà sớm hoàn thành để dọn vào ở. Từ hôm nhà được cất đến nay, bà mới ghé 3 lần, mà lần nào cũng đong đầy cảm xúc. Bà vui sướng lần tay lên vách tường, mở từng cánh cửa sổ, với tay dọn dẹp vật liệu ngổn ngang trên nền nhà. Niềm vui làm bà như trẻ ra hẳn 10 tuổi!

“Nghĩ đến những khó khăn đã được giải quyết, tôi cảm thấy mình khỏe hơn nhiều. Cám ơn sự quan tâm của Đồn Biên phòng, của địa phương. Giờ có nhà ở ổn định, tôi ráng sống vui, sống tốt để nhìn cháu lớn lên” - bà Nhứt cười móm mém, gương mặt rạng rỡ trong căn nhà mới.

GIA KHÁNH