Cẩn trọng khi đầu tư vào sàn giao dịch ảo

07/09/2021 - 00:05

 - Giao dịch ở bất cứ nơi nào, không hạn chế về thời gian và không gian, chỉ cần có kết nối Internet, vốn thấp nhưng lợi nhuận cao… là những lời mời gọi đầu tư hấp dẫn của các sàn giao dịch tiền điện tử, ngoại hối ảo, nhưng khiến không ít người “tiền mất tật mang”. Do đó, cần cẩn trọng khi tham gia đầu tư vào các sàn giao dịch ảo này.

Sàn giao dịch ảo Busstrade sau khi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các nhà đầu tư đã bị chủ sàn đánh sập

Lợi dụng cách thức hoạt động của thị trường giao dịch tiền điện tử, ngoại hối trên không gian mạng Internet, nhiều đối tượng thiết lập sàn giao dịch ảo tinh vi (giống như các sàn giao dịch quốc tế) để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản nhà đầu tư nhẹ dạ, cả tin, mong muốn làm giàu nhanh. Đặc biệt, trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát hiện nay, các kênh đầu tư vốn có không mang lại nhiều lợi nhuận, kênh gửi tiết kiệm ngày càng thấp, tâm lý người đầu tư muốn tìm kênh đầu tư khác sinh lợi.

Vì thế, những đối tượng lừa đảo lợi dụng điều này, chiêu dụ lợi nhuận lên đến hàng trăm, hàng ngàn phần trăm, cam kết “không làm gì mà tiền vẫn đổ về tài khoản”. Các sàn giao dịch ảo thường cho nhân viên môi giới mời chào lôi kéo, thu hút người chơi qua qua mạng xã hội, như: Zalo, Facebook… tư vấn tham gia kèm theo tiền thưởng cao, rút tiền về tài khoản nhanh chóng, đòn bẩy và lợi nhuận cao... 

Ban đầu, các sàn giao dịch thường cho nhà đầu tư thắng, thu lợi nhuận để tạo sự tin tưởng và kích thích nạp thêm nhiều tiền vào tài khoản. Sau đó “chuyên gia” sẽ tư vấn đánh các lệnh lớn, khiến nhà đầu tư mất hết tiền trong tài khoản. Khi đã thua hết tiền, “chuyên gia” giới thiệu nhà đầu tư sang một sàn giao dịch mới, cam kết “nạp tiền vào sẽ chơi thắng lại được số tiền đã thua”. Thực chất, đầu tư trên sàn giao dịch ảo chính là chơi với chủ sàn, toàn bộ tiền thua là chủ sàn được hưởng.

Trường hợp nhà đầu tư thắng nhiều, chủ sàn sẽ can thiệp vào tài khoản của nhà đầu tư, như: chặn quyền truy cập tài khoản, tự đặt lệnh khống, dẫn đến hết tài khoản và không thể rút được tiền. Cuối cùng, khi đã chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư, chúng tự đánh sập sàn giao dịch để cắt liên lạc, tránh bị đòi tiền và sự truy vết của cơ quan chức năng. Cứ như vậy, chủ sàn tạo ra các sàn giao dịch ảo khác, tiếp tục cò mồi, chiêu dụ nhà đầu tư mới sụp bẫy.  

Điển hình là trường hợp của anh Lê Hoàng N. (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang). Thông qua người bạn, anh được mời đầu tư vào sàn giao dịch ảo B. Theo sự giới thiệu của “chuyên viên tư vấn”, sàn giao dịch B. là nền tảng giao dịch tiền điện tử theo quyền mua hoặc bán từ phán đoán giá cả của tiền tệ, coin, cổ phiếu của thị trường tăng hay giảm. Sàn giao dịch này được bảo hiểm vốn 100% và lợi nhuận ít nhất là 30%/tháng, người đầu tư không phải làm gì, mỗi sáng chỉ vào tài khoản kiểm tra lãi.

Đặc biệt, người đầu tư được rút tiền cả gốc và lãi bất cứ lúc nào. Tất cả người tham gia vào sàn giao dịch này đều được tạo tài khoản “Copytrade” trên nền tảng web tên miền là B….com. Nhà đầu tư được tự lựa chọn và theo học hỏi các “chuyên gia” trong ngành là “Elite Team”, “không bao giờ thua lỗ trên sàn giao dịch” với mức đầu tư từ 100-5.000USD, tương ứng với coppytrade100 đến coppytrade5000.

Thông qua các nhóm Zalo, Facebook của “chuyên gia”, nhà đầu tư sẽ được hướng dẫn, chỉ điểm để có lợi nhuận cao trên “con đường chinh phục ước mơ bằng sàn giao dịch B”. Đặc biệt, các “chuyên gia” cam kết lãi và bảo hiểm vốn đều đặn, lợi nhuận từ 1-2%/ngày. Nhưng người đầu tư phải đóng bảo hiểm 2% trên số tiền đầu tư. Tất cả số tiền bảo hiểm này được chuyển vào tài khoản của “chuyên gia”.

Sau vài lần được nhận lợi nhuận ít ỏi, anh N. rất kỳ vọng với hướng làm giàu mới của mình. Tuy nhiên, sau một thời gian, nhà đầu tư muốn rút lợi nhuận ra tiền Việt Nam thì… không được. Thay vào đó, họ được yêu cầu chuyển đổi tiền trong tài khoản của mình sang một loại tiền số tên bToken, giá 10USD tương ứng 1 BToken, mức thu phí 10%. Nhưng giá 1 BToken chỉ bằng 0,01USD khi rút tiền từ tài khoản sàn giao dịch về tài khoản ngân hàng. Nghĩa là, 1.000USD bị rớt xuống còn 1USD (tương đương với 100 BToken), tức là từ 23 triệu đồng rớt xuống còn 23.000 đồng. Giá quá thấp, nhà đầu tư được “chuyên gia” khuyên “hãy yên tâm chờ đợi, khi giá tiền số BToken tăng thì rút vốn và lợi nhuận đầu tư”.

Sau thời gian chờ đợi, đùng một cái, các nhà đầu tư và anh N. nhận được tin “sàn giao dịch B. không truy cập được”, không thể liên lạc với đội ngũ điều hành sàn giao dịch này. Nhóm mạng xã hội Zalo, Facebook của các “chuyên gia hàng đầu” bị khóa. Vậy là, vốn đầu tư 1.000USD cùng hy vọng làm giàu của anh N. cũng “sập” theo sàn giao dịch ảo B. Tiền mất oan uổng là bài học nhớ đời mà anh N. phải trả cho “khóa học” từ sàn giao dịch ảo.

Dù cơ quan chức năng đã đánh sập nhiều sàn giao dịch ảo, nhưng hiện nay vẫn còn rất nhiều sàn giao dịch ảo đang hoạt động. Người dân cần hết sức thận trọng trước lời mời chào đầu tư vào các sàn giao dịch ảo với lãi suất, lợi nhuận cao. Khi muốn đầu tư, có thể tham khảo, nhờ tư vấn thêm từ cơ quan chức năng, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng uy tín, tránh trường hợp bị kẻ xấu lừa đảo tài sản.

TRỌNG TÍN