Cẩn trọng khi vay mượn tiền

13/10/2022 - 07:32

 - Sau khi Báo An Giang có bài viết “Mâu thuẫn khi vay đáo hạn ngân hàng” (ngày 26/9/2022), vụ việc đã được giải quyết. Tuy nhiên, đây là bài học kinh nghiệm trong quá trình giao dịch dân sự, nhất là việc vay mượn tiền và ứng xử với nhau khi phát sinh vướng mắc.

Bà Đào Thị Bích Hiền (ngụ phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) cho biết, bà và một phụ nữ tên Điệp quen biết nhau hơn 10 năm, lại là hàng xóm. Bà Điệp làm môi giới bất động sản, cho vay đáo hạn ngân hàng. Nhiều lần, bà Điệp nhờ bà Hiền mượn tiền dùm để bà làm đáo hạn cho khách.

Ngày 12/4/2022, bà Điệp nhờ mượn 800 triệu đồng, sau 3 ngày chỉ trả 700 triệu đồng, xin nợ lại 100 triệu đồng do kẹt tiền. Ngày 15/4, bà Điệp tiếp tục nhờ bà Hiền giới thiệu ngân hàng để hỗ trợ một người tên Vân vay tiền. Không biết bà Vân là ai, nhưng bà Hiền vẫn giúp đỡ. Chiều 12/5, bà Điệp nói hồ sơ của bà Vân đã được duyệt, nhưng đang cần 300 triệu đồng để trả nợ, lấy sổ đỏ về. Nếu bà Hiền giúp lần này, bà Điệp sẽ trả luôn 100 triệu đồng trước đó. 

“Tuy nhiên, sau khi tôi đưa 300 triệu đồng, bà Điệp không thực hiện theo lời hứa. Tôi đòi rất nhiều lần, nhưng bà vẫn không trả, mà than thở: “Hiện giờ còn 2 công ty và nhiều người nợ tiền chị, mỗi nơi hơn 1 tỷ đồng”. Tháng 7/2022, tôi nói chuẩn bị đáo hạn ngân hàng, đã nộp tiền đáo hạn rồi. Bà Điệp kêu tôi đưa hợp đồng vay để bà tìm cách lấy tiền từ một người đang thiếu nợ bà hơn 1 tỷ đồng (cũng làm đáo hạn ngân hàng).

Theo lời bà, tôi đứng ra lấy tiền dùm, rồi bà sẽ trả nợ dứt điểm cho tôi. Nghĩ mình đang “hành hiệp trượng nghĩa”, tôi đồng ý giúp. Ngày 13/7, khi gặp nhau, tôi mới biết người đó tên Lê Thị Ngọc Bích. Tôi điền thông tin cá nhân, ký tên vay 700 triệu đồng của bà Bích, nội dung “mượn 3 ngày để đáo hạn ngân hàng”, lãi suất 0,5%/ngày. Đây là sơ hở của tôi, dẫn đến các vướng mắc về sau” – bà Hiền chia sẻ.

Biên nhận do bà Bích viết tay

Sau khi nhận 700 triệu đồng, trả trước 10,5 triệu đồng lãi suất, bà Hiền lấy 400 triệu đồng trả nợ cho người bà đã vay trước đó; lấy lại khoản tiền bà Điệp nợ riêng bà cộng với phần lãi 10,5 triệu đồng (tổng cộng 450 triệu đồng). Phần còn lại, bà định đưa lại cho bà Điệp như đã hứa. Nhưng sau đó, phát hiện bà Điệp nói dối, có dấu hiệu lừa gạt chiếm đoạt tiền, bà đề nghị bà Điệp giải thích rõ. Đồng thời, bà kể lại đầu đuôi sự việc với bà Bích, để cùng thỏa thuận êm xuôi. Cả 2 cùng trở thành nạn nhân của bà Điệp, nên phương án bà Hiền đưa ra là bà lo tiền trả lại cho bà Bích, còn bà Bích xí xóa lãi suất. Ngoài ra, bà nhờ bà Bích cung cấp thông tin cá nhân của bà Điệp để trình báo công an. Bà Bích đồng ý.

Sự việc trở nên rắc rối khi hôm sau bà Bích đổi ý, không thực hiện theo thống nhất trước đó. Đồng thời, bà Bích đề nghị nhận đủ tiền gốc và lãi theo thỏa thuận ban đầu. Thậm chí, bà tố cáo bà Hiền đến nhiều nơi về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Những người bạn của bà Hiền, đồng thời là nhân chứng của vụ việc (ông Bùi Huy Cường, Lê Vũ Đông) cũng bị ảnh hưởng theo.

Giữa tháng 8/2022, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh trả lời đơn khiếu nại của bà Bích, khẳng định: “Đây là quan hệ dân sự, không có dấu hiệu tội phạm. Vì vậy, đề nghị bà Bích nếu có yêu cầu thì khởi kiện đến tòa án dân sự để giải quyết theo trình tự thủ tục tố tụng dân sự”. Không đồng thuận cách giải quyết này, bà Bích tiếp tục khiếu nại nhiều nơi.

Ngày 7/10, cơ quan chức năng tiếp tục mời đôi bên đến làm việc. Tại đây, bà Bích viết tờ tường trình, nội dung: “Sau khi được cơ quan điều tra làm việc và giải thích quy định về pháp luật, tôi thấy việc khiếu nại của mình là sai. Nay, tôi viết tờ tường trình này để rút lại đơn và cam kết không thắc mắc hay khiếu nại gì về sau.

Trong quá trình gửi đơn, tôi có liên hệ Báo An Giang để đăng bài về việc “bà Hiền, ông Đông, ông Cường cấu kết lừa đảo tôi” là không phải. Tôi sẽ liên hệ tòa soạn để đăng lại bài. Hai bên (bà Bích và bà Hiền - PV) không đòi hỏi, thắc mắc gì hết”. Cùng với đó, bà Bích đồng ý nhận 689,5 triệu đồng (đã trừ 10,5 triệu đồng) từ bà Hiền, được thể hiện trong biên nhận do chính bà Bích viết tay.

Rút kinh nghiệm từ câu chuyện này, người dân cần cẩn trọng, cân nhắc trước khi thực hiện giao dịch vay mượn tiền (đặc biệt là đứng ra vay mượn tiền theo lời nhờ vả của người khác, chứ không vì mục đích sử dụng cá nhân). Việc vay mượn phải tuân thủ theo quy định của pháp luật, thỏa thuận rõ ràng giữa các bên. Khi phát sinh vướng mắc, tốt nhất là cùng chia sẻ, tháo gỡ và tìm tiếng nói chung, giải quyết êm thắm vụ việc theo hướng có lý, có tình. Việc khiếu nại đến cơ quan chức năng, khởi kiện tại tòa án… vừa mất thời gian, mất công sức, lại ít nhiều ảnh hưởng uy tín của bản thân và người liên quan.

Khi phóng viên liên hệ, bà Lê Thị Ngọc Bích xác nhận đã nhận tiền và viết tờ tường trình, biên nhận như trên. Tuy nhiên, bà Bích cho biết sẽ tiếp tục khiếu nại vụ việc đến nhiều nơi

 

AN KHANG