'Canh bạc' đầy mạo hiểm của Tổng thống Pháp Macron
13/06/2024 - 09:15
Việc Tổng thống Emmanuel Macron bất ngờ giải tán Quốc hội Pháp và thông báo tổng tuyển cử sớm - ngay sau khi đảng của ông hứng thất bại nặng nề ở bầu cử nghị viện châu Âu, được coi là 'canh bạc' mạo hiểm.
AA
Theo kết quả sơ bộ của cuộc bầu cử nghị viện châu Âu diễn ra ở Pháp hôm 9/6, đảng trung hữu Phục hưng của Tổng thống Macron giành được khoảng 15% phiếu bầu, chưa bằng một nửa tổng số phiếu của đảng cực hữu Tập hợp quốc gia (RN) của chính khách kỳ cựu Marine Le Pen (31,5% phiếu bầu) và chỉ nhỉnh hơn một chút so với đảng Xã hội về thứ 3 (14% phiếu).
Kết quả trên đồng nghĩa, Pháp - một trong những nước sáng lập Liên minh châu Âu (EU), sẽ cử tới Brussels đội ngũ các nhà lập pháp cực hữu, theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu đông đảo nhất trong số 27 quốc gia thành viên.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: New York Times
Ngay trong tối 10/6, ông Macron đã có bài phát biểu trên truyền hình quốc gia, thông báo quyết định giải tán Quốc hội Pháp và tổ chức tổng tuyển cử sớm, với vòng đầu tiên diễn ra vào ngày 30/6 và vòng thứ hai vào ngày 7/7, chỉ vài tuần trước Thế vận hội Olympic mùa hè Paris 2024.
Lãnh đạo Điện Elysee giải thích, bản thân không thể hành động như “chưa có chuyện gì xảy ra”, đồng thời bày tỏ tin tưởng “người dân Pháp sẽ đưa ra lựa chọn tốt nhất cho chính họ và cho các thế hệ tương lai”. Ông Macron lưu ý, dù các đảng cực hữu ở Pháp đã giành được tổng cộng gần 40% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử nghị viện châu Âu, nhưng ông sẽ không đầu hàng trước đà tiến của họ.
Tuy nhiên, giới phân tích và ngay cả các chính khách trong đảng của tổng thống Pháp đều đánh giá quyết định trên của ông gây chấn động và đầy rủi ro, trong bối cảnh bất lợi hiện tại. Theo báo Guardian, sau 2 năm đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống thứ hai, ông Macron đang phải đối mặt với tỉ lệ bất tín nhiệm lên tới 65%.
Kể từ khi đảng Phục hưng để mất đa số ghế tuyệt đối trong Quốc hội Pháp (chỉ giành được 169/577 ghế) vào năm 2022, ông Macron đã lâm vào tình cảnh khó khăn. Chính phủ của ông ngày càng phải dựa vào những thỏa thuận đặc biệt, đôi khi có cả sự thỏa hiệp với các đảng đối lập trong quốc hội hoặc “phớt lờ” các công cụ hiến pháp để thông qua những đạo luật không được lòng dân.
Trong khi đó, với 88 ghế tại quốc hội, RN trở thành đảng đối lập lớn nhất tại cơ quan lập pháp và có thể bỏ phiếu chống lại hầu hết các đề xuất của tổng thống cũng như liên minh trung hữu cầm quyền, do đảng Phục hưng đứng đầu. Các chính khách RN cũng có cơ hội đánh bóng hình ảnh của họ như “các nhà lập pháp có trách nhiệm, sẵn sàng đảm đương trọng trách”.
RN có truyền thống thể hiện tốt trong các cuộc bầu cử nghị viện châu Âu, đứng đầu về số phiếu giành được ở Pháp vào năm 2014 và năm 2019. Song, việc đảng này tăng cách biệt về tỉ lệ phiếu ủng hộ so với đảng Phục hưng, từ mức 1% cách đây 5 năm lên hơn 15% trong năm nay đã cho thấy phe cánh hữu của bà Le Pen đang nhận được mức tín nhiệm cao kỷ lục, trong khi phe trung hữu của ông Macron lâm vào thế yếu chưa từng thấy.
Kết quả cũng là lời cảnh báo về sự sụt giảm tín nhiệm của người dân dành cho Tổng thống Macron, người bắt đầu lên nắm quyền vào năm 2017 cùng lời hứa sẽ đảm bảo các cử tri Pháp “không còn lí do gì để bỏ phiếu cho các đảng cực đoan nữa”. Đây cũng là một đòn giáng mạnh vào Gabriel Attal, vị thủ tướng trẻ tuổi nhất lịch sử đất nước, được ông Macron bổ nhiệm chưa đầy 6 tháng trước nhằm thổi sức sống mới vào nhiệm kỳ tổng thống thứ 2 của mình.
Theo một số nhà phân tích, quyết định tổ chức bầu cử quốc hội ngay cuối tháng này của ông Macron có thể nhằm buộc đảng cực hữu bước vào một cuộc đối đầu thực sự ở trong nước và làm chậm lại, thậm chí đảo ngược đà trỗi dậy của họ. Lãnh đạo Điện Elysee cũng có thể tin rằng, cuộc bầu cử 2 vòng trong phạm vi quốc gia sẽ khiến đảng đối lập khó lặp lại kỳ tích như cuộc bầu cử nghị viện châu Âu một vòng, ở phạm vi rộng lớn hơn.
Dẫu vậy, theo một cuộc khảo sát công bố ngày 9/6 của Ipsos, 68% người ủng hộ RN cho biết họ đã bỏ phiếu “trước hết và quan trọng nhất để thể hiện sự phản đối tổng thống và chính phủ của ông”. 39% cử tri trên toàn nước Pháp cũng có quan điểm tương tự. Gần 2/3 số người được hỏi tiết lộ họ ưu tiên các vấn đề quốc gia, nhập cư và cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt khi bỏ phiếu. Đây dự kiến cũng là các vấn đề quan tâm hàng đầu của cử tri Pháp khi đi bầu quốc hội sau 3 tuần nữa.
Nhiều chính trị gia trong đảng cầm quyền như nghị sĩ Emmanuel Pellerin lo ngại, việc tổ chức một cuộc bầu cử quá nhanh chóng trong bối cảnh bất lợi trên có nguy cơ trao cho phe cực hữu quyền lực chính trị to lớn hơn sau nhiều năm đứng bên lề và gây trở ngại nghiêm trọng cho 3 năm còn lại trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Macron.
Nếu RN giành được đa số ghế tại Quốc hội Pháp, vị trí thủ tướng nhiều khả năng sẽ rơi vào tay Jordan Bardella, chính trị gia 28 tuổi đang giữ chức chủ tịch đảng cực hữu chống nhập cư này. Khi đó, ông Macron vẫn là tổng thống và chỉ đạo các chính sách quốc phòng và đối ngoại của Pháp, nhưng ông sẽ mất quyền thiết lập chương trình nghị sự hay kiểm soát hầu hết các chính sách đối nội của đất nước.
Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire, một đồng minh của Tổng thống Macron nhấn mạnh trên đài phát thanh RTL: “Đây sẽ là cuộc bầu cử quốc hội có tác động lớn nhất đối với đất nước và người dân Pháp trong lịch sử của nền Cộng hòa thứ 5. Chúng tôi phải chiến đấu vì đất nước và người dân Pháp. Chúng tôi có 3 tuần để vận động và thuyết phục các cử tri”.
Ông Le Maire và các cố vấn khác của ông Macron đã bày tỏ hy vọng chiến thắng, nhưng họ cũng thừa nhận khó dự đoán kết cục cho “canh bạc” mạo hiểm này của tổng thống.
Theo Vietnamnet
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: