Tờ The New York Times (Mỹ) trích dẫn tài liệu nội bộ của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ mô tả biến thể Delta dễ lây lan và có thể gây bệnh nặng. Giám đốc CDC Rochelle Walensky nói với tờ The New York Times rằng nghiên cứu mới cho thấy những người được tiêm chủng bị nhiễm biến thể Delta vẫn mang một lượng lớn virus trong mũi và họng.
Theo báo cáo, biến thể Delta có khả năng lây lan cao hơn các loại virus gây dịch SARS, MERS, Ebola, cúm mùa và dễ lây như bệnh thủy đậu. Với các chủng ban đầu, mỗi người bệnh chỉ lây nhiễm virus cho khoảng 2 người, tương tự bệnh cảm cúm thông thường nhưng một người nhiễm biến thể Delta có thể lây bệnh cho 8-9 người.
Tài liệu cũng chỉ ra kể cả những người đã tiêm chủng đầy đủ vẫn có thể làm lây lan biến thể Delta với mức độ tương đương những người chưa tiêm chủng.
Người dân đeo khẩu trang qua lại tại khu vực tàu điện ngầm ở TP New York - Mỹ hôm 26-7 Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, sự khác biệt là những người đã tiêm chủng sẽ an toàn hơn so với người chưa tiêm chủng khi nhiễm biến thể Delta. Tài liệu của CDC chỉ ra rằng vắc-xin có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc tử vong gấp 10 lần và giảm nguy cơ nhiễm bệnh gấp 3 lần.
Nhóm tác giả nghiên cứu khuyến cáo CDC cần nhìn nhận rằng "cuộc chiến đã thay đổi", đồng thời tuyên truyền cho người dân rằng tiêm chủng là biện pháp phòng ngừa tốt nhất chống lại biến thể Delta.
Tài liệu trên cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc đeo khẩu trang mà CDC đưa ra đầu tuần này. Theo đó, người tiêm chủng đầy đủ vẫn nên đeo khẩu trang ở nơi công cộng, trong không gian kín tại những vùng có nguy cơ lây nhiễm cao. Thông tin của CDC được đưa ra giữa lúc số ca mắc và nhập viện do Covid-19 tăng mạnh trở lại ở Mỹ, đặc biệt là ở các bang có tỉ lệ tiêm chủng thấp.
Trong khi đó, Trung Quốc, một trong những quốc gia có tốc độ tiêm phòng nhanh nhất thế giới, hôm 30-7 cho biết đã ghi nhận thêm 64 ca mắc mới vào một ngày trước đó. Trong số ca mắc mới có 21 ca trong cộng đồng và phần lớn được ghi nhận ở tỉnh Giang Tô.
Theo hãng tin Reuters, TP Nam Kinh ở Giang Tô đang đối mặt với sự xuất hiện của biến thể Delta từ đầu tháng này, buộc giới chức trách xét nghiệm hàng loạt trong thành phố. Trung Quốc cũng ghi nhận 25 ca mắc không có triệu chứng, so với 14 ca một ngày trước đó. Tính đến hôm 29-7, Trung Quốc có tổng cộng 92.875 ca mắc và số ca tử vong là 4.636.
Nghiêm trọng hơn, đợt bùng phát dịch Covid-19 ở Malaysia đã trở thành một trong những đợt bùng dịch tồi tệ nhất trên toàn cầu. Ước tính, trung bình 7 ngày, tính đến hôm 28-7, Malaysia ghi nhận 483,72 ca mắc/triệu người, mức cao thứ 8 trên toàn cầu và đứng đầu ở châu Á. Còn tại Thái Lan, nước này hôm 30-7 ghi nhận 17.345 ca mắc mới và 117 trường hợp tử vong.
Kể từ tháng 4, Thái Lan đã chứng kiến tình trạng gia tăng các ca mắc biến thể Delta, đẩy hệ thống y tế ở thủ đô Bangkok đến bờ vực rất nguy hiểm. Đối mặt với đợt bùng phát dịch lớn nhất từ trước đến nay, Thái Lan đã nhận được 1,5 triệu liều vắc-xin Pfizer từ chính phủ Mỹ.
Phó phát ngôn viên chính phủ Thái Lan Traisulee Traisaranakul cho biết lô vắc-xin đầu tiên do Mỹ viện trợ sẽ được sử dụng cho các nhóm có nguy cơ cao hoặc làm mũi tiêm tăng cường thứ 3 cho các nhân viên y tế tuyến đầu.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp ở Myanmar, Đại sứ Anh tại Liên Hiệp Quốc Barbara Woodward cảnh báo 1/2 trong tổng số 54 triệu dân Myanmar có thể sẽ mắc Covid-19 trong 2 tuần tới. Anh kêu gọi Hội đồng Bảo an tìm cách thực thi Nghị quyết 2565 tại Myanmar, yêu cầu ngừng bắn ở những vùng xung đột nhằm bảo đảm hoạt động cung cấp vắc-xin.
Theo XUÂN MAI (Người lao động)