Nhiệt độ ngoài trời lên đến 54 độ C tại Furnace Creek, bang California, Mỹ ngày 17-6-2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong công trình nghiên cứu, tổ chức Liên minh Thời tiết thế giới (WWA) cho rằng hiện tượng nóng lên toàn cầu do khí thải nhà kính sinh ra trong các hoạt động của con người đã làm tăng ít nhất 150 lần khả năng xảy ra nắng nóng ở Mỹ và Canada. Các nhà khoa học cảnh báo nếu lượng khí phát thải trong bầu khí quyển vẫn tiếp tục gia tăng, đến năm 2040, cứ mỗi 5-10 năm lại có nguy cơ xảy ra một đợt nắng nóng kinh hoàng.
Khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương bao trùm nhiều bang của Mỹ và Canada đã chứng kiến nhiệt độ cao kỷ lục, trong đó thị trấn Lytton thuộc tỉnh British Columbia của Canada ghi nhận nhiệt độ lên tới 49,5 độ C - mức cao chưa từng có trong lịch sử nước này.
Phát biểu họp báo công bố kết quả nghiên cứu, chuyên gia khí hậu học tại Đại học Oxford (Anh) Friederike Otto khẳng định: "Chắc chắn là biến đổi khí hậu đã gây tác động mạnh mẽ". Ông cảnh báo, cho đến nay, nắng nóng là hiện tượng thời tiết cực đoan gây tử vong cao nhất.
Trong báo cáo công bố trước đó cùng ngày, Cơ quan giám sát khí hậu của Liên minh châu Âu Copernicus cho biết Bắc Mỹ vừa trải qua tháng 6 nóng nhất trong lịch sử do các đợt nắng nóng nguy hiểm đến sức khỏe con người xảy ra ở nhiều khu vực. Theo Copernicus, nhiệt độ trung bình tại Bắc Mỹ trong tháng 6/2021 cao hơn 1,2 độ C so với mức trung bình ghi nhận cùng kỳ giai đoạn 1991-2020. Đợt nóng này đã khiến trên 700 người tại khu vực Tây Canada tử vong và gây ra hàng chục vụ cháy rừng trên diện rộng. Copernicus nhận định tháng 6 nóng kỷ lục ở Bắc Mỹ phản ánh các tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu do biến đổi khí hậu.
Trước đó, theo nghiên cứu của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) công bố hồi tháng 5 vừa qua, có 40% khả năng nhiệt độ Trái Đất tạm thời tăng ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp trong vòng 5 năm tới, và tỷ lệ này có nguy cơ tăng hơn nữa. WMO nhấn mạnh kết quả này không có nghĩa mức tăng nhiệt độ Trái Đất sẽ vượt ngưỡng 1,5 độ C mà Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đã đề ra. Tuy nhiên, theo Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas, nghiên cứu cho thấy nhiệt độ Trái Đất đang “tiến gần và có thể không tránh khỏi ngưỡng tăng này”. Ông cho rằng kết quả nghiên cứu là một lời cảnh tỉnh nữa để kêu gọi thế giới giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.
Theo PHAN AN (TTXVN)