An Giang mời gọi đầu tư

19/11/2024 - 07:36

 - Với quan điểm xem doanh nghiệp (DN) là hạt nhân, là trọng tâm trong phát triển kinh tế, những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh quyết tâm thực hiện vai trò kiến tạo, hỗ trợ DN phát triển, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên đưa vào sử dụng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của An Giang

Những tiềm năng, lợi thế

An Giang có vị trí chiến lược quan trọng, thuộc vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL. Tỉnh có diện tích tự nhiên trên 3.500km2, đứng thứ 4/13 vùng ĐBSCL. Dân số trên 1,9 triệu người, với 4 dân tộc chủ yếu (Kinh, Hoa, Khmer và Chăm). Tỉnh có hệ thống giao thông khá thuận lợi (cả đường bộ, đường thủy); hệ thống sông ngòi, kênh rạch đan xen; gần cảng và sân bay Cần Thơ... Đặc biệt, tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (khởi công năm 2023, dự kiến đưa vào sử dụng vào năm 2026) sẽ hình thành trục ngang trung tâm vùng ĐBSCL, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế An Giang với cảng biển nước sâu Trần Đề, tạo động lực để tỉnh phát triển.

Bên cạnh đó, An Giang có khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi phát triển nông nghiệp; nguồn nước mặt và nước ngầm phong phú, có 2 sông lớn (sông Tiền và sông Hậu). Tỉnh có hơn 80% diện tích đất nông nghiệp (trong đó đất phù sa chiếm hơn 44%), nguồn nước ngọt quanh năm, khí hậu ôn hòa; 65% dân số lao động nông thôn. Đây được xem là thế mạnh địa phương, hướng đến thu hút, mời gọi đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp đa giá trị, nông nghiệp tuần hoàn, chế biến sâu nông thủy sản, hệ thống logistics. Đặc biệt là kết hợp với du lịch nông nghiệp trải nghiệm, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe.

An Giang có tiềm năng về kinh tế biên mậu, với tuyến biên giới giáp Vương quốc Campuchia dài gần 100km, 2 cửa khẩu quốc tế, 2 cửa khẩu quốc gia, 2 cửa khẩu phụ... tạo nên dòng chảy liền mạch, là cửa ngõ giao thương biên giới thuận tiện giữa các tỉnh ĐBSCL, TP. Hồ Chí Minh với Vương quốc Campuchia và các nước ASEAN. An Giang có nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh, cơ hội nổi trội và hội tụ đủ điều kiện riêng có để trở thành tỉnh phát triển của vùng ĐBSCL và cả nước.

Những năm qua, bên cạnh việc chuẩn bị kỹ về điều kiện hạ tầng, tỉnh còn vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách của Trung ương theo hướng có lợi cho DN, phù hợp điều kiện của tỉnh và quy định của pháp luật. Nhất là chính sách ưu đãi về thuế, tiền thuê đất, hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ sau đầu tư trong lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, nông thôn. Tỉnh xem công tác cải cách hành chính (đặc biệt là thủ tục hành chính) là yếu tố cốt lõi với phương châm “trách nhiệm, thân thiện, nhanh gọn, một cửa”, chuyển đổi tư duy từ “cấp phép, cho phép” sang “hỗ trợ, chăm sóc, phục vụ nhà đầu tư”.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng chủ trì cuộc họp rà soát công tác chuẩn bị Hội nghị giới thiệu tiềm năng đầu tư và quảng bá sản phẩm đặc trưng tỉnh An Giang

 “Trải thảm đỏ” mời gọi đầu tư

Theo Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng, dự kiến ngày 26/11/2024, tại TP. Hồ Chí Minh diễn ra Hội nghị giới thiệu tiềm năng đầu tư và quảng bá sản phẩm đặc trưng tỉnh An Giang, chủ đề “An Giang: Không gian mới - Giá trị mới”.

“Hội nghị nhằm tạo kênh gặp gỡ, giao lưu trực tiếp giữa các nhà đầu tư, tổ chức quốc tế; hỗ trợ, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác, giao lưu kết nối giao thương DN trong và ngoài nước; cung cấp cho nhà đầu tư thông tin, danh mục dự án trọng điểm, có tính động lực cao để đón làn sóng mới đầu tư vào tỉnh. Tại hội nghị, tỉnh sẽ ký biên bản ghi nhớ, hợp tác đầu tư với các nhà đầu tư chiến lược, thực hiện một số dự án trọng điểm ưu tiên đầu tư theo định hướng Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” – đồng chí Hồ Văn Mừng thông tin.

Trên cơ sở quy hoạch này, tỉnh An Giang tập trung thu hút đầu tư vào 6 lĩnh vực chính, gồm: Hạ tầng giao thông; cơ sở hạ tầng khu đô thị, khu nhà ở; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp, hạ tầng khu, cụm công nghiệp; thương mại, dịch vụ, du lịch; văn hóa - xã hội và môi trường. Các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, phù hợp với định hướng tái cơ cấu nền kinh tế, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội và giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

An Giang đang đẩy nhanh tiến độ thi công cao tốc nhằm phát triển, kết nối giao thông liên vùng

Trong đó, về nông nghiệp, tỉnh sẽ tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất quy mô lớn, xây dựng thương hiệu nông sản, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh hàng hóa nông sản... Về du lịch, tỉnh tiếp tục phát triển đồng bộ loại hình du lịch tâm linh - sinh thái - nghỉ dưỡng; rà soát, lập quy hoạch kêu gọi đầu tư phát triển khu, điểm có khả năng phát triển du lịch; khai thác đặc trưng riêng từng địa phương, hình thành “mỗi địa phương là một điểm đến”.

“Tỉnh An Giang đã chọn lọc hơn 60 dự án trọng điểm, ưu tiên đầu tư trên tất cả 6 lĩnh vực, mời gọi nhà đầu tư chiến lược, có tầm nhìn, có năng lực tài chính và công nghệ, để đồng hành, khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế của tỉnh trong thời gian tới. An Giang cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư khi đến đăng ký, triển khai thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh” - đồng chí Hồ Văn Mừng nhấn mạnh.

THU THẢO