Báo cáo của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) tại Hội thảo công bố tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng cho biết, năm 2022, công an cả nước phát hiện, xử lý 178 vụ với 215 đối tượng liên quan đến thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; năm 2023, phát hiện, xử lý 439 vụ với 516 đối tượng liên quan đến thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. 6 tháng đầu năm 2024, liên quan đến thuốc lá điện tử có chứa chất ma túy, công an cả nước phát hiện, bắt giữ, khởi tố 35 vụ với 83 bị can; xử lý 24 vụ, 31 đối tượng liên quan đến mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng thuốc lá điện tử có chứa chất ma túy.
Trước đây, thuốc lá điện tử có chứa ma túy chủ yếu được sản xuất ở nước ngoài và nhập lậu vào Việt Nam tiêu thụ, số lượng không lớn, phần lớn qua đường xách tay. Nhưng thời gian gần đây, đã xuất hiện tình trạng các đối tượng nhập lậu các bộ phận sản phẩm, nhập lậu chất ma túy sau đó tổ chức pha chế, sản xuất thuốc lá điện tử có chứa chất ma túy và rao bán tại thị trường Việt Nam.
Mặc dù số vụ, số đối tượng, vật chứng bị các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ tăng mạnh về số lượng, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, nhưng hiện nay chưa có cơ chế quản lý đối với thuốc lá mới. Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá không có điều, khoản nào quy định về thuốc lá mới. Các sản phẩm thuốc lá mới không đáp ứng quy định về khái niệm thuốc lá và nguyên liệu của thuốc lá theo quy định của pháp luật hiện hành, không thuộc điều chỉnh của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Các sản phẩm này nhập lậu (hoặc nhập lậu các bộ phận sản phẩm và tổ chức pha chế, lắp ráp trong nước) chủ yếu bị xử lý hành chính về hành vi “kinh doanh hàng hóa nhập lậu” và “buôn bán hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ” hoặc không có hóa đơn, chứng từ. Một số trường hợp bị xử lý về hành vi “buôn lậu” hoặc “sản xuất, mua bán hàng giả” theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Mặt khác, các đối tượng thường xuyên tạo ra các sản phẩm thuốc lá điện tử có chứa chất ma túy với nhiều mẫu mã, tên gọi, hương vị, chất ma túy khác nhau, đi liền với các quảng cáo (chủ yếu lợi dụng không gian mạng) gây hiểu lầm (có tác dụng thần kỳ, tạo khoái cảm, tăng lực, không có chất cấm, không có tác hại...) nhằm thu hút giới trẻ cũng như đối phó với sự phát hiện, ngăn cấm, lên án của gia đình, xã hội, sự đấu tranh của lực lượng chức năng. Nếu chỉ nhìn bề ngoài rất khó phân biệt được đâu là ma túy “núp bóng”, đâu là sản phẩm tiêu dùng bình thường.
Ngoài ra, chúng còn thường xuyên thay đổi, sử dụng các chất ma túy mới, chưa được quy định trong danh mục chất ma túy của Chính phủ quy định để tạo các sản phẩm thuốc lá có thành phần chất ma túy mới nhằm tránh bị xử lý. Các hoạt chất gây nghiện, ma túy “núp bóng” cho vào thuốc lá điện tử chủ yếu là dòng cần sa tổng hợp.
Trước diễn biến phức tạp của tình trạng mua bán, sử dụng ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử, Bộ Công an đã có báo cáo Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm về tình hình ma túy “núp bóng” và đề xuất chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan và địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, tiến hành các biện pháp quản lý, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về thuốc lá điện tử, hàng hóa, thực phẩm, đồ uống có chất cấm, không có nguồn gốc xuất xứ...
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cũng đã xây dựng thành chuyên đề, ban hành nhiều công văn, điện thông báo các sản phẩm mới, phương thức, thủ đoạn hoạt động và chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tập trung công tác tuyên truyền, chủ động phòng ngừa, đấu tranh quyết liệt với ma túy “núp bóng” và bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực.
Thực hiện Công điện số 47/CĐ-TTg, ngày 13/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an có công văn chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tập trung các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh quyết liệt với các hành vi vi phạm liên quan đến thuốc lá thế hệ mới, nhất là việc pha trộn ma túy vào thuốc lá điện tử; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy, nhất là các thông tin tác động đến giới trẻ như ma túy “núp bóng” thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử, “bóng cười”.
Các đơn vị thuộc Bộ và công an các đơn vị, địa phương đã phối hợp với các bộ, ban, ngành và địa phương tổ chức hàng trăm cuộc tuyên truyền tại các địa bàn trọng điểm phức tạp về ma túy, biên giới, trong các trường học, khu công nghiệp..., nội dung tuyên truyền đều lồng ghép các thông tin về các loại đồ uống, thực phẩm, thuốc lá điện tử có chứa chất ma túy...
Qua kết quả đấu tranh với tội phạm về ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử và tham gia nhiều cuộc họp, hội thảo liên quan, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cho rằng cần sớm hoàn thiện chính sách pháp luật về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, trong đó đề xuất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo là hợp lý. Vì theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, các sản phẩm này về cơ bản là độc hại; đối tượng tác động chủ yếu là giới trẻ, số người sử dụng ngày càng tăng...; đặc biệt là việc các đối tượng lợi dụng tẩm ướp ma túy vào thuốc lá điện tử để mua bán diễn biến ngày càng phức tạp... Khi đưa vào mặt hàng cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thì mới có căn cứ xử lý đối với các hành vi có liên quan một cách thích đáng, có tính răn đe.
Lực lượng công an ở Hà Nam, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh... đã phát hiện, xử lý một số vụ có số lượng lên đến hàng trăm nghìn sản phẩm. Ngoài ra, lực lượng công an toàn quốc cũng đã khám phá ra nhiều vụ các đối tượng sản xuất, mua bán cốt CBD (có chứa cần sa tổng hợp) để bơm, tiêm vào thuốc lá điện tử. |