Trên các diễn đàn mạng xã hội “nóng” lên câu chuyện về một người phụ nữ ở Hà Nội bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt 2,8 tỷ đồng khi đăng ký tham gia khóa tu mùa hè và mua các vật phẩm phong thủy.
Cụ thể, với mong muốn cho con trẻ có những ngày hè bổ ích, chị H, ở thành phố Hà Nội có kết nối với tài khoản Facebook “Tu Sinh Mùa Hè” để đăng ký cho con tham gia các khóa tu mùa hè cho con. Thời điểm này, một người tự xưng là “Trưởng ban Tu sinh” gọi điện thoại cho chị H và để tạo niềm tin, sau màn giới thiệu người này đã chủ động cung cấp hình ảnh căn cước công dân của “Trưởng ban”.
Sau đó, đối tượng đưa chị H vào nhóm trên mạng xã hội Telegram và yêu cầu mua vật phẩm phong thủy nhằm ủng hộ đơn vị bán vật phẩm phong thủy, vì họ là nhà tài trợ chính cho khóa tu. Sau khi mua vật phẩm này, thì đơn vị sẽ hoàn tiền cho người mua và sau nhiều lần mua; khi hoàn tiền thì chị H được yêu cầu chuyển số tiền lớn hơn với lý do sai thao tác, không chụp ảnh vật phẩm. Chỉ trong hai ngày, với chiêu trò lừa đảo này chị H đã bị các đối tượng chiếm đoạt 2,8 tỷ đồng.
Qua tìm hiểu, không chỉ chị H mà rất nhiều cha mẹ học sinh đều có thể là nạn nhân của trò lừa đảo này. Bởi khoảng hai tháng nữa là kết thúc năm học, nên thời điểm hiện tại, nhiều bậc cha mẹ học sinh đã chủ động tìm các khóa trải nghiệm dưới các hình thức như: Trại hè chiến sĩ, khóa học tu hành, học các môn năng khiếu võ thuật, mỹ thuật... Lợi dụng tâm lý mong muốn cho con trẻ được trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng sống trong dịp hè, nhiều đối tượng sẽ lợi dụng để chiếm đoạt tài sản. Do vậy, người dân cần cẩn trọng khi tìm hiểu các thông tin về các khóa học trên các trang mạng xã hội để tránh bị lừa đảo.
Ngoài hình thức lừa đảo thông qua việc đăng ký tham gia “khóa tu mùa hè”, nhiều đối tượng còn giả mạo logo, hình ảnh thương hiệu, Facebook, Zalo, công văn, con dấu, tài khoản ngân hàng của một số sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp có uy tín thương hiệu để lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng.
Các chiêu trò lừa đảo theo phương thức mới này thường được các đối tượng sử dụng dưới hình thức như: Gọi điện thoại thông báo trúng thưởng, tri ân tặng quà khách hàng để khai thác thông tin cá nhân. Giả mạo nhân viên chăm sóc khách hàng, bảo hành của các siêu thị điện máy để bán dịch vụ bảo hành mở rộng giả hoặc sửa chữa sản phẩm, thay thế linh phụ kiện chất lượng thấp với giá cao. Giả danh làm nhân viên tuyển dụng của các sàn TMĐT, siêu thị điện máy tuyển nhân viên làm việc online tại nhà, yêu cầu người dùng nạp tiền vào hệ thống để hưởng hoa hồng lừa đảo ứng viên. Giả mạo các sàn thương mại điện tử, siêu thị điện máy đưa ra chương trình bình chọn để nhận tiền thưởng, đồng thời dẫn dụ khách hàng chuyển khoản nhằm chiếm đoạt tiền...
Để tạo lòng tin với khách hàng, các đối tượng còn giả mạo chữ ký lãnh đạo, con dấu của các siêu thị điện máy giả, từ đó tự tạo bản cam kết giả mạo với mục đích lừa đảo các nạn nhân.
Trước các phương thức, thủ đoạn lừa đảo mới trên không gian mạng nêu trên, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân cảnh giác với các cuộc gọi, lời mời tham gia làm cộng tác viên các trang thương mại điện tử trong nước và nước ngoài. Chú ý cẩn trọng trước các đường link giả mạo (đối chiếu với website thương mại điện tử chính thức hoặc website đã được đăng ký với Bộ
Công thương). Khách hàng cũng không nên bấm vào đường link lạ từ những tin nhắn không rõ nguồn gốc để tránh trường hợp bị mất thông tin, mất tiền trong tài khoản ngân hàng. Không trả bất cứ loại phí nào nếu không mua hàng trên các hệ thống bán hàng chính thức của các trang thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, khi nhận được các cuộc gọi, tin nhắn với những lợi ích hấp dẫn được hưởng, người dân có thể gọi điện trực tiếp lên tổng đài chăm sóc khách hàng để xác thực, tuyệt đối không nên tin và làm theo lời dụ dỗ. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mã OTP, tải các ứng dụng lạ và làm theo yêu cầu của các đối tượng.
Thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin tội phạm để phòng ngừa, tuyên truyền cho người thân… Đối với các chiêu trò gọi điện thoại quảng cáo về các chương trình trại hè, khóa tu mùa hè,… người dân cần bình tĩnh, không lo sợ, nhanh chóng liên hệ với bạn bè, giáo viên chủ nhiệm của con em, người thân để được tư vấn. Người dân cần liên hệ cơ quan công an nơi gần nhất để được giải quyết kịp thời các vụ việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản theo quy định.
Hiện nay, đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có sử dụng mạng xã hội nếu số tiền, tài sản bị lừa đảo chiếm đoạt chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì các cơ quan có thẩm quyền có thể căn cứ vào các quy định pháp luật liên quan để xử phạt hành chính. Nếu hành vi vi phạm đủ điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể căn cứ vào Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) để xử lý. Mức phạt tù cao nhất theo Điều 174 là chung thân; các Điều 175, 290 thì mức phạt tù cao nhất là 20 năm.
Hiện nay xuất hiện nhiều thủ đoạn lừa đảo của tội phạm sử dụng công nghệ cao như: Giả danh cơ quan pháp luật, giả danh nhân viên ngân hàng, “bẫy tình” trên mạng xã hội, giả danh cán bộ viễn thông, gọi điện thoại khủng bố, lấy thông tin căn cước công dân, lừa đảo trúng thưởng, giả danh lãnh đạo, làm nhiệm vụ qua ứng dụng lạ, mua hàng trực tuyến, tìm người làm việc nhà, lập sàn giao dịch ảo, chuyển tiền nhầm để ép vay, chuyển số đề để đánh, mạo danh công ty tài chính, chuyển tiền làm từ thiện, mạo danh bảo hiểm xã hội, tuyển cộng tác viên, lừa nâng cấp sim 4g và hack tài khoản Facebook, Zalo để mượn tiền... |