Cảnh giác trước thông tin giả, xuyên tạc
Việt Nam là một trong những nước có tốc độ phát triển nhanh về công nghệ thông tin, số người sử dụng internet, mạng xã hội đông. Theo báo cáo Digital 2022 của tổ chức "We are social", vào tháng 2/2022, có 98,56 triệu người dùng mạng xã hội ở Việt Nam. Mạng xã hội, như: Zalo, facebook... đang trở thành kênh cập nhật, cung cấp, chia sẻ nhiều thông tin nhanh chóng và được sử dụng phổ biến. Thông qua mạng xã hội, người sử dụng nắm bắt được nhiều thông tin trong đời sống xã hội, nâng cao vốn hiểu biết trên các lĩnh vực. Thế nhưng, có không ít trường hợp đăng tải, chia sẻ lên mạng xã hội những thông tin sai sự thật, thậm chí là xuyên tạc, vu khống… Thông tin giả, sai sự thật, xuyên tạc trên mạng xã hội thường gắn với những vấn đề được dư luận quan tâm. Nội dung các tin giả, tin xấu độc có khi là bịa đặt, xuyên tạc về một vấn đề nào đó hoặc có ý nói xấu cán bộ, lãnh đạo; lừa gạt, kích động vùng miền, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; xuyên tạc các chủ trương, chính sách…
Lướt nhanh trên các trang mạng xã hội, chúng ta dễ dàng bắt gặp những thông tin “chấn động” nhưng thật sự là những thông tin không chính thống, chưa kiểm chứng, thậm chí đó còn là thông tin một chiều, xuyên tạc, vu khống… Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước thường xuyên đưa các thông tin phiến diện, bóp méo sự thật về công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng ta… Nhất là trong thời gian bùng phát đại dịch COVID-19, chúng tung tin giả, sai sự thật về tình hình dịch bệnh với nhiều thủ đoạn tinh vi gây mất ổn định xã hội, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch COVID-19. Phải kể đến là những sản phẩm “bịa đặt” của trang phản động “Việt Tân” như: “Ranh giới cho thấy nhà nước bạc bẽo thế nào với các y bác sĩ, nhân viên y tế”, “Chính phủ Việt Nam sử dụng vaccine không đúng mục đích”…
Gần đây, từ việc khởi tố bị can N.P.H., các phần tử cơ hội đã lợi dụng để xuyên tạc, kích động chống phá Đảng, nhà nước. Một số tổ chức, hội nhóm phản động như Việt Tân, các hãng truyền thông hải ngoại thiếu thiện chí với Việt Nam, như: RFA, RFI, VOA… đã đăng tải nhiều bài viết, hình ảnh, video có nội dung xuyên tạc, phiến diện, cho rằng “quyền tự do dân chủ bị bóp nghẹt”... Thậm chí, trên một số trang mạng xã hội, như: “Tivi tuần san”, “Tiếng dân”, “KTV”… thông qua các hình thức đăng tải video clip, bình luận theo chuyên đề, kể chuyện lịch sử để xuyên tạc các sự kiện lịch sử dân tộc. Qua đó, trực tiếp chống phá, tung ra những luận điệu trắng trợn, mục đích nhằm để thế hệ trẻ hiểu sai về truyền thống của dân tộc.
Ngày 11/7, trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an cho biết, những ngày gần đây, một số tài khoản mạng xã hội lan truyền thông tin cá nhân người đứng đầu một doanh nghiệp (có ảnh hưởng nhất định đối với thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp) bị áp dụng một số biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật. Việc tung tin thất thiệt đã tác động xấu tới dư luận, tâm lý nhà đầu tư, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tài chính, chứng khoán và gây thiệt hại về uy tín, kinh tế của cá nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư. Ông Tô Ân Xô cho biết, hiện nay, các cơ quan nghiệp vụ của Bộ Công an đang xác minh, làm rõ người có hành vi tung tin đồn thất thiệt để xử lý theo quy định. Bộ Công an cũng đề nghị mọi người không tin, nghe theo, không lan truyền các thông tin thất thiệt mà hãy tiếp nhận thông tin chính thống từ cơ quan chức năng…
Điều 8, Luật An ninh mạng quy định, nghiêm cấm hành vi sử dụng không gian mạng để: “... Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc… Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác…”. Theo đó, người vi phạm tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Thời gian qua, ngành thông tin và truyền thông cùng các địa phương tăng cường triển khai các biện pháp nghiệp vụ, nắm tình hình, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đăng tải thông tin sai sự thật. Thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo người dân, khi đọc, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội nên chọn những thông tin chính thống từ các kênh báo chí chính thống, các website đáng tin cậy. Theo đó, mỗi người dân cần có trách nhiệm với cộng đồng khi chia sẻ hoặc bình luận trên mạng xã hội để tránh tiếp tay cho thông tin giả, sai sự thật, xấu, độc bị phát tán.
L.N