Cảnh giác với “cơn sốt đất” trước thông tin sáp nhập tỉnh, thành phố

02/04/2025 - 07:14

Những thông tin gần đây về đề xuất sáp nhập tỉnh, thành phố đang tạo ra những phản ứng mạnh mẽ trên thị trường bất động sản, làm dấy lên kỳ vọng về một làn sóng tăng giá đất. Nhiều nhà đầu tư đã nhanh chóng săn tìm đất ở các khu vực thuộc diện sáp nhập với kỳ vọng giá trị bất động sản sẽ tăng lên nhờ vào quy hoạch mở rộng và nâng cấp hạ tầng. Tuy nhiên, không ít chuyên gia cảnh báo, cơn sốt này có thể chỉ là phản ứng tâm lý ngắn hạn và tiềm ẩn rủi ro cho những ai lao vào mà không cân nhắc kỹ lưỡng.

 

Đất nền có thật sự “dậy sóng” nhờ tin đồn sáp nhập ?

Kế hoạch sáp nhập tỉnh và bỏ cấp huyện được Bộ Chính trị yêu cầu nghiên cứu và triển khai khẩn trương, không chỉ là vấn đề hành chính, mà còn mở ra nhiều cơ hội và thách thức cho nền kinh tế, nhất là lĩnh vực bất động sản. Dù chưa có thông tin chính thức, nhưng giá đất ở nhiều khu vực thuộc diện sáp nhập đã bị đẩy lên cao gấp vài lần trong thời gian ngắn.

Theo ghi nhận của ông Nguyễn Văn Chung (một nhà đầu tư lâu năm trong lĩnh vực bất động sản), giá đất ở TP. Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) đã tăng mạnh từ 20% - 30%, một mức tăng đáng kể so giá đất trước đây. Các giao dịch đất nền được quảng bá với mức giá cao hơn so thực tế, tạo sự chú ý và thu hút đông đảo nhà đầu tư. Việc này đang tạo ra sự biến động mạnh mẽ trên thị trường đất đai. Nguyên nhân chủ yếu là tin đồn về việc tỉnh An Giang sẽ sáp nhập với tỉnh Kiên Giang, với dự kiến trụ sở chính của tỉnh mới sẽ được đặt tại Kiên Giang (?).

Ngoài ông Chung, một “cò đất” có tên Lê Minh T., hoạt động tại khu vực Kiên Giang, cũng cho biết, những thông tin về sáp nhập đã khiến giá đất tại nhiều khu vực ở Kiên Giang, đặc biệt là TP. Rạch Giá tăng mạnh. Ông T. nói: “Chỉ trong vài tháng, giá đất tại một số khu vực đã tăng từ 20 triệu đồng/m2 lên 28 triệu đồng/m2. Đặc biệt, những khu vực gần các tuyến đường giao thông mới mở hoặc gần các dự án hạ tầng đã tăng mạnh hơn.”

Một nhà đầu tư khác, chị Trần Thị Lan cho biết, chị đã đầu tư vào đất nền tại các khu vực thuộc diện sáp nhập ngay khi có thông tin. Chị Lan chia sẻ: “Tôi thấy giá đất ở những khu vực này vẫn còn dưới mức giá thực tế so với sự phát triển dự kiến. Cơ hội tăng giá là rất lớn, đặc biệt khi quy hoạch được triển khai”.

Bản chất của “sốt đất”

Trong quá khứ, chúng ta đã chứng kiến nhiều đợt sốt đất, mỗi đợt có nguyên nhân riêng. Tuy nhiên, điểm chung là khi có tin đồn, giá đất thường bị đẩy lên mức rất cao. Khi những tin đồn này lắng xuống, hoặc khi thông tin chính thức không như kỳ vọng, giá đất sẽ giảm nhanh chóng, thậm chí có thể giảm mạnh, khiến thị trường trở nên trầm lắng.

Một ví dụ rõ ràng là vào năm 2008, trước khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, giá đất tại Hà Đông chỉ dao động từ 12 - 15 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, sau khi sáp nhập, hạ tầng khu vực này đã phát triển mạnh mẽ với các tuyến đường giao thông mở rộng và các dự án ga metro, khiến giá đất tại đây tăng vọt lên hơn 100 triệu đồng/m2 chỉ trong vài năm. Điều này đã khiến nhiều người kỳ vọng vào sự phát triển tiếp theo ở những khu vực đang có thông tin sáp nhập, mặc dù đó chỉ là tin đồn.

Rủi ro nào cho nhà đầu tư ?

Nhà đầu tư cần phải nhận thức rõ ràng về các rủi ro tiềm ẩn khi tham gia thị trường bất động sản. Một trong những rủi ro lớn là đầu tư vào những khu vực không có quy hoạch rõ ràng hoặc không được phát triển đồng bộ. Điều này có thể khiến giá trị bất động sản giảm mạnh nếu tiến độ triển khai không đáp ứng kỳ vọng. Ngoài ra, việc mua đất tại những khu vực chỉ tăng giá nhờ tin đồn hoặc sự kích động từ thị trường có thể khiến nhà đầu tư gặp phải tình trạng “chôn vốn”, khi giá đất không giữ được mức tăng. Hơn nữa, nhà đầu tư còn phải đối mặt với các rủi ro pháp lý, nếu không kiểm tra kỹ lưỡng các giấy tờ và hồ sơ pháp lý của dự án.

Nhà đầu tư cần giữ sự tỉnh táo, tránh bị cuốn theo tâm lý đám đông. Việc tìm hiểu kỹ về giá đất tại khu vực định đầu tư, cùng với việc nắm bắt tiến độ quy hoạch sẽ giúp đánh giá chính xác rủi ro và tiềm năng phát triển. Khi đầu tư vào bất động sản, việc nghiên cứu kỹ lưỡng và đưa ra quyết định dựa trên cơ sở dữ liệu thực tế sẽ giúp giảm thiểu những rủi ro đáng tiếc.

NGUYỄN TRÍ