Cảnh giác với lừa đảo chuyển tiền khi đăng ký 'đi chợ hộ' trong mùa dịch

01/09/2021 - 19:46

Theo cảnh báo của Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, để tránh mất tiền "đi chợ hộ", người dân cần liên hệ tổ trưởng tổ dân phố, hội phụ nữ, đoàn thể ở các phường để đăng ký.


Các đơn vị, đoàn thể tại địa bàn sẽ phụ trách việc "đi chợ hộ" cho người dân khi có nhu cầu. 

Theo Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, lợi dụng việc TP Hồ Chí Minh đang triển khai việc "đi chợ hộ", các đối tượng lừa đảo đã vào nhóm "đi chợ hộ" của các đoàn thể trên các trang mạng xã hội tại địa phương để lừa đảo tiền của người dân. Sau khi người dân đăng kí mua hàng và chuyển khoản thành công, các đối tượng đã tắt máy, người dân liên lạc với các số điện thoại được cung cấp thì thuê bao không liên lạc được.

Đặc biệt tại Quận 10, trong những ngày đầu triển khai việc "đi chợ hộ" đã có khá nhiều người nhận được tin nhắn gửi các combo mua hàng và đăng ký "đi chợ hộ". Trong nội dung tin nhắn, các đối tượng này đề nghị người dân chuyển khoản trước để họ dễ dàng mua hàng.  Tuy nhiên, sau khi cơ quan chức năng xác minh thông tin, toàn bộ tin nhắn trên đều là giả mạo, không phải của tổ hậu cần ở địa phương. Mặt khác, địa phương này cũng không có hình thức mời chào và yêu cầu người dân thanh toán trước. 

Vì vậy, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân khi đăng kí "đi chợ hộ" cần liên hệ tổ trưởng tổ dân phố, Hội phụ nữ, đoàn thể phường để đăng ký và không nên chọn cách thanh toán tiền trước nhằm giảm thiểu rủi ro khi đăng kí "đi chợ hộ".

Hiện nay, để đảm bảo công tác "đi chợ hộ" cho dân được tốt hơn, Sở đã phân công nhiệm vụ cho từng cán bộ trong việc theo dõi, phụ trách các địa bàn quận, huyện. Các cá nhân phụ trách phải đảm bảo theo dõi, nắm bắt tình hình cung ứng hàng hóa tại các hệ thống bán lẻ, nhu cầu của người dân trên địa bàn. Người dân, doanh nghiệp có thể liên hệ cá nhân phụ trách địa bàn để được hỗ trợ trong việc đặt mua hàng.

Mặt khác, để giảm tải cho đội hậu cần "đi chợ hộ" tại địa bàn, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cũng đã đề nghị UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức phổ biến mô hình "đi chợ hộ" thông qua nền tảng ứng dụng trực tuyến nhằm hỗ trợ kênh cung ứng hàng hoá thiết yếu phục vụ người dân.

Trong ngày 31/8, tổng nhu cầu đăng ký đi chợ hộ là 101.645 hộ, giảm 42% so với ngày hôm trước. Trong đó, 101.443 hộ đã được cung ứng hàng hoá, đạt tỉ lệ 99,8%. Lũy kế từ ngày 23/8 đến nay, đã có 892.960 hộ đăng ký "đi chợ hộ", chiếm 46% tổng số dân đang sinh sống trên địa bàn; 775.902 hộ đã được cung ứng hàng hoá, đạt 87%. Dự kiến tổng nhu cầu đặt hàng "đi chợ hộ" trong 2 tuần TP Hồ Chí Minh áp dụng "ai ở đâu ở yên đó" (từ ngày 23/8 đến 6/9) là 1.943.679 hộ, chiếm 78% tổng số hộ dân trên địa bàn.

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, sau 10 ngày triển khai mô hình "đi chợ hộ" thông qua các lực lượng tại chỗ, Tổ COVID-19...  đã xuất hiện tình trạng quá tải, gây ùn ứ đơn hàng và khó khăn trong khâu vận chuyển, cung ứng cho người dân. Để khắc phục tình trạng này, UBND TP Hồ Chí Minh đã thống nhất cho phép lực lượng giao hàng công nghệ (shipper) hoạt động trở lại 8 "vùng đỏ" từ ngày 30/8. Đến ngày 31/8, Sở đã gửi văn bản đến UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đề nghị  hỗ trợ triển khai mô hình "đi chợ hộ" thông qua nền tảng ứng dụng trực tuyến.

Theo đó, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh có trách nhiệm cung cấp thông tin đầu mối các giải pháp ứng dụng "đi chợ hộ" của các doanh nghiệp giao hàng công nghệ, sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki, Be, Sendo, Grab đến UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức, người dân có thể đăng kí "đi chợ hộ"

Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cũng đã đề nghị chính quyền địa phương phổ biến các mô hình "đi chợ hộ" thông qua nền tảng ứng dụng trực tuyến đến các phường, xã, thị trấn, các hệ thống phân phối trên địa bàn để triển khai thực hiện nhằm hỗ trợ kênh cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân địa phương kịp thời, tránh tình trạng "quá tải" các đơn hàng như vừa qua. 

Hiện thành phố chỉ còn 2.302 điểm bán hàng, giảm 699 điểm bán so với trước khi thực hiện giãn cách xã hội đặc biệt từ ngày 23/8, trong đó có 76 siêu thị, 1.687 cửa hàng tiện lợi và cửa hàng thực phẩm bình ổn. Tuy nhiên, theo các quận, huyện và thành phố Thủ Đức, đa số siêu thị, cửa hàng tạm đóng cửa là do không có điều kiện mặt bằng, nhân sự để thực hiện "3 tại chỗ" nên không có nhân viên bán hàng khi người dân có nhu cầu mua hàng thực phẩm. 

Theo HOÀNG TUYẾT (Báo Tin tức)