Cảnh giác với lừa đảo trên mạng

28/12/2023 - 04:49

Hoạt động của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng ngày càng gia tăng, phức tạp, với nhiều phương thức mới, tinh vi hơn. Các đối tượng đã chuyển mục tiêu vào nhóm người cao tuổi, người có thu nhập thấp; kỹ năng, khả năng nhận diện lừa đảo hạn chế.

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), các đối tượng xấu lợi dụng bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin để thực hiện nhiều vụ lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài sản giá trị cao. Trong đó có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam.

Đó là, lừa đảo “combo du lịch giá rẻ”; cuộc gọi video Deepfake, Deep voice; “khóa SIM vì chưa chuẩn hóa thuê bao”; giả mạo biên lai chuyển tiền thành công; giả danh giáo viên, nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu; giả danh công ty tài chính, ngân hàng; cài cắm ứng dụng, link quảng cáo cờ bạc, cá độ, “tín dụng đen”; giả mạo trang thông tin điện tử, cơ quan, doanh nghiệp (bảo hiểm xã hội, ngân hàng…); lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp, tuyển cộng tác viên online; đánh cắp tài khoản mạng xã hội, nhắn tin lừa đảo; giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án; rao bán hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, các đối tượng xấu còn đánh cắp thông tin căn cước công dân đi vay nợ tín dụng; “chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng”; dịch vụ “lấy lại tiền khi đã bị lừa”, lấy lại tài khoản Facebook; lừa đảo tình cảm, dẫn dụ đầu tư tài chính, gửi bưu kiện, trúng thưởng… Các đối tượng thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau, ngày càng tinh vi. Mỗi nhóm đối tượng ở độ tuổi khác nhau, kẻ xấu thực hiện hình thức dẫn dụ khác nhau. Mục tiêu chung là lấy lòng tin, đánh cắp thông tin người dùng, sau đó chiếm đoạt tài sản.

Điển hình như, lừa đảo “khóa SIM vì chưa chuẩn hóa thuê bao”. Các đối tượng mạo danh là cán bộ, nhân viên của cơ quan quản lý nhà nước hoặc nhà mạng, gọi điện thông báo “số điện thoại của người sử dụng sẽ bị khóa 2 chiều trong 2 tiếng” với các lý do, như: “Chưa nộp phạt”, “thuê bao sai thông tin”. Sau khi yêu cầu cung cấp thông tin, chúng sẽ tiếp tục hướng dẫn người dùng thực hiện cú pháp sang tên đổi chủ thông tin số điện thoại, chuyển hướng cuộc gọi... Khi đã chiếm được quyền nhận cuộc gọi, đối tượng đăng nhập ứng dụng ví điện tử, tài khoản mạng xã hội… của nạn nhân, khai báo "quên mật khẩu đăng nhập", chọn tính năng nhận cuộc gọi thông báo mã OTP. Từ đó, chúng dễ dàng chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, chiếm đoạt tiền trong ví, tài khoản ngân hàng liên kết với ví điện tử.

Hay, các đối tượng lừa đảo tự xưng là giáo viên, nhân viên y tế, gọi điện cho phụ huynh, học sinh, thông báo rằng con em, người thân họ đang cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Những “thầy, cô giáo tự xưng” này thay phiên nhau gọi điện thúc giục cha mẹ chuyển tiền cứu con, nếu không hoặc chậm nộp tiền thì “bệnh nhân” sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Bên cạnh đó, cuối năm là thời điểm diễn ra hàng loạt chương trình giảm giá, khuyến mại nhằm kích cầu mua sắm. Đối tượng lừa đảo dựng lên kịch bản, như: Rao bán hàng kém chất lượng giá rẻ, gửi tặng quà, tổ chức chương trình trúng thưởng dành cho khách hàng… để lừa đảo.

Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này, người dân cần nâng cao nhận thức, tự cảnh giác, phòng ngừa, phát hiện tố giác tội phạm. Chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong việc đăng ký, sử dụng thuê bao di động trả trước, dịch vụ Internet, tăng cường tính năng bảo mật tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng. Đề cao cảnh giác khi nhận cuộc gọi đến bằng điện thoại cố định, người gọi tự xưng là cán bộ cơ quan nhà nước, đặc biệt là lực lượng công an yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại. Người dân cần biết, cơ quan tiến hành tố tụng khi làm việc với bị can, bị hại, người làm chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án... phải gửi giấy triệu tập. Tuyệt đối không triệu tập miệng, triệu tập qua điện thoại hoặc chuyển lời qua người khác.

Mọi người dân không cung cấp thông tin cá nhân, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng cho đối tượng không quen biết. Thận trọng rà soát, kiểm tra kỹ thông tin trước khi giao dịch chuyển tiền. Không cung cấp, chia sẻ thông tin có liên quan đến tài khoản ngân hàng, mật khẩu tài khoản (mã OTP) cho bất kỳ ai. Khi mua hàng qua mạng, cần sàng lọc, kiểm tra kỹ thông tin quảng cáo, rao bán về hàng hóa, danh tính người bán hàng, lựa chọn địa chỉ uy tín, hình thức thanh toán minh bạch. Người dân không nên chuyển tiền đặt cọc mua hàng khi không rõ thông tin, danh tính, địa chỉ người bán. Để tránh rủi ro, người mua cần trực tiếp đến cửa hàng hoặc địa chỉ người bán, kiểm tra hàng hóa trước khi mua. Thận trọng khi chia sẻ thông tin cá nhân, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của bản thân và doanh nghiệp trên mạng xã hội; không kết bạn với người lạ, đặc biệt là người nước ngoài khi họ đưa ra lời hứa về vật chất.

TRỌNG TÍN