Cảnh giác với “tin giả”

20/09/2024 - 07:20

 - Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại nhiều cơ hội, song cũng đặt ra nhiều rủi ro, thách thức đối với đời sống. Một trong những nguy cơ tiềm ẩn nhiều tiêu cực chính là “tin giả” (fake news). Với xu thế phát triển nhanh của các nền tảng mạng xã hội (MXH), kéo theo việc các thế lực tăng cường lợi dụng, tung “tin giả” ngày càng phổ biến.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của MXH, “fake news” ngày càng nhiều, được tung lên mạng với nhiều mục đích và động cơ khác nhau. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh kết nối Internet, mỗi người đều có thể trở thành một “nhà báo công dân”, đưa tin mọi lúc, mọi nơi, dù thông tin đó có thật hay không, đã được kiểm chứng hay chưa. Chính vì thế, “tin giả” ngày càng trở nên nguy hiểm.

Theo nghiên cứu của Data reportal và We are social, Việt Nam có hơn 78,44 triệu người sử dụng Internet, có hơn 72 triệu người sử dụng MXH, tương đương với 73,3% tổng dân số. Tổng cộng có 168,5 triệu kết nối di động tại Việt Nam, chiếm khoảng 169,8% dân số. Trên MXH với vô vàn thông tin, mọi người có thể chia sẻ hình ảnh, âm thanh và giao lưu, tương tác với nhau. Theo khảo sát của chương trình Nghiên cứu Internet và xã hội (VPIS), các trường hợp phát ngôn gây thù ghét dẫn đến có những lối ứng xử kém văn hóa của người sử dụng MXH tại Việt Nam, thể hiện tập trung ở những hành vi: Nói xấu, phỉ báng (61,7%); vu khống, bịa đặt thông tin (46,6%); kỳ thị dân tộc (37,01%); kỳ thị giới tính (29,03%); kỳ thị khuyết tật (21,76%); kỳ thị tôn giáo (15,09%)…

“Tin giả” xuất hiện trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là những vấn đề "nóng", "nhạy cảm" liên quan đến công tác nhân sự, bầu cử, bỏ phiếu tín nhiệm, xử lý kỷ luật cán bộ... “Tin giả” cũng thường xuất hiện trước những sự kiện chính trị trọng đại của Đảng, đất nước với tần suất ngày càng nhiều và mức độ nguy hiểm khó lường. Nguy hiểm hơn, “tin giả” còn gây chia rẻ, mất đoàn kết nội bộ; nghi ngờ, mất niềm tin vào cán bộ, hệ thống lãnh đạo các cấp… Ví dụ như các vấn đề về công tác nhân sự, tác động đến tâm lý cử tri, gây ảnh hưởng tới kết quả bầu cử, bỏ phiếu tín nhiệm cán bộ cấp cao. Trước mỗi kỳ bỏ phiếu, bầu cử, “tin giả” xuất hiện càng nhiều, gây nhiễu loạn thông tin, khiến người dân hoang mang…

Một vụ việc liên quan “tin giả” khiến dư luận vô cùng hoang mang và ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế chính trị, đó là một tài khoản tung tin “kỷ luật 3 lãnh đạo cấp cao”. Ngay sau đó, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hà Nội xác định ông N.D.H đăng nội dung sai sự thật về việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu xem xét kỷ luật 3 lãnh đạo cấp cao. Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hà Nội đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông N.D.H (47 tuổi, TP. Hà Nội) theo quy định...

Tại Hải Dương, 21 trường hợp đăng thông tin sai sự thật về tình hình mưa lũ trên MXH đã bị xử lý. Trong ngày 10 và 11/9, công an các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, TP. Hải Phòng đã giải quyết hàng loạt vụ lan truyền “tin giả” liên quan đến "vỡ đê"…

Những ngày gần đây, nhiều tài khoản người dùng trên các nền tảng MXH, như: Facebook, TikTok… xuất hiện loạt tin đồn miền Nam chuẩn bị có đợt mưa bão nguy hiểm không kém cơn bão Yagi đã gây nhiều thiệt hại cho miền Bắc. Tuy nhiên, hầu hết những tài khoản trên đều lấy thông tin không rõ nguồn gốc hoặc hình ảnh những hiện tượng tự nhiên từng xuất hiện tại Nam Bộ đã có từ những năm trước và chỉnh sửa làm sai lệch sự thật. Nhiều tài khoản sử dụng ngôn từ, như: "Tất cả chìm trong biển nước", "tự mình cứu lấy mình chứ đừng chờ ai đến cứu"… Nhiều bài đăng thu hút hàng triệu lượt xem và chia sẻ, khiến dư luận hoang mang… Qua đó cho thấy, việc phát hiện, ngăn chặn và phòng, chống “tin giả” là việc làm cấp bách hiện nay. Để phòng, chống “tin giả” trên không gian mạng, cần sự vào cuộc của tất cả các cấp, ngành, lực lượng và người dân với những giải pháp đồng bộ.

Đặc biệt, mỗi người dân khi sử dụng MXH cần phải nêu cao trách nhiệm, tinh thần cảnh giác; biết sàng lọc, nhận diện “tin giả”, tin sai sự thật, cũng như các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Khi tiếp nhận thông tin, cần có cái nhìn toàn diện, tỉnh táo sàng lọc, kiểm chứng cơ sở của thông tin và xác định nội dung thông tin; không để bị chi phối bởi những từ ngữ “hot”, những sự kiện “nóng” đang diễn ra để tránh bị lợi dụng.

Người dùng MXH nên tìm những nguồn tin chính thống, đồng thời tự sàng lọc và kiểm chứng trước khi bấm chia sẻ bất cứ nội dung gì trên MXH. Đặc biệt, người dùng MXH cần tuân thủ các quy định của pháp luật: Hoàn toàn chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do mình lưu trữ, cung cấp, phát tán trên môi trường mạng; không cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân; không được phát tán thư rác, phần mềm độc hại, thông tin giả mạo, lừa đảo…

Vấn nạn “tin giả” diễn ra tràn lan, gây thiệt hại lớn trên nhiều lĩnh vực. Nhất là các thế lực thù địch sử dụng “tin giả” để thực hiện âm mưu, thủ đoạn chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và dân tộc ta. Do đó, bên cạnh trách nhiệm hợp lực của các nền tảng xuyên biên giới, sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan quản lý Nhà nước, thì việc tạo bộ lọc “tin giả” cho người dùng MXH vẫn được xem là một trong những yếu tố then chốt và tiên quyết.

H.N