Ông Thơm và vợ
Bà Thịnh
Ông Lê Văn Thơm năm nay đã bước vào tuổi 60. Sau 4 năm bị tai biến nằm liệt giường, sức khỏe ông ngày càng hao mòn. Mặc dù người vợ luôn kề cận chăm sóc, cố gắng cho ông vận động nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Đã vậy, mới đây mắt trái ông còn bị cườm nước, vợ ông cố gắng gom góp tiền để ông đi phẫu thuật. Sau phẫu thuật, do không có tiền đi tái khám và uống thêm thuốc nên đến nay mắt ông bị sưng đỏ.
Bà Huỳnh Thị Trắng Em (vợ ông Thơm, 49 tuổi) chia sẻ: “Từ ngày chồng tôi đổ bệnh đến nay, một mình tôi phải gồng gánh tất cả chi phí trong nhà, từ ăn uống đến học hành của đứa con, tiền chữa trị hàng tháng cho chồng. Mới đây, do mắt chồng đau nhức, tôi bấm bụng đưa ông đi khám và mổ mắt tốn hơn 3 triệu đồng. Sau đó, đến ngày đi tái khám mà tôi vẫn không lo nổi tiền xe và chi phí tái khám”.
Rồi bà Trắng Em chỉ vào dàn máy may trước nhà nói: “Trước đây, lúc ông ấy còn khỏe mạnh, theo người ta phụ việc hốt thuốc bên đông y còn có được vài đồng, giờ thì mọi thứ đều trông chờ vào nghề may của tôi. Nhà may ở quê giờ rất vắng khách, mười ngày nửa tháng mới có khách đến may. Khó khăn quá, mấy tháng trước tôi đã đi Sài Gòn làm công việc rửa chén mướn, nhưng chẳng được bao lâu thì chồng tôi lại đổ bệnh, một mình đứa con không chăm sóc xuể, tôi đành trở về nhà”. Ước mong của bà Trắng Em là có đủ tiền để giúp chồng chữa trị phần mắt bị sưng đỏ, ổn định sức khỏe để bà yên tâm kiếm tiền nuôi con ăn học.
Căn nhà nhỏ nằm trong đường Tú Xương (khóm Bình Thới 2, phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) bao năm là nơi nương náu của 2 mảnh đời bất hạnh. Đó là cụ bà Nguyễn Thị Thịnh đã bước sang tuổi 90 và đứa con trai bị bệnh tâm thần từ nhỏ (46 tuổi). Ngày trước, bà còn có sức khỏe để làm đủ nghề nuôi các con trưởng thành. Đến khi lập gia đình do hoàn cảnh khó khăn nên các con không giúp được gì cho mẹ.
Nay tuổi cao sức yếu, bà Thịnh sống nhờ tiền trợ cấp người cao tuổi. Bà nhín nhút, chi tiêu tằn tiện, để lo từng bữa cơm cho 2 mẹ con. Hàng xóm ai thương tình khi thì cho cái này cái kia, lúc sẵn lòng cho bà quá giang ra chợ mua ít đồ về chuẩn bị bữa cơm. Nhìn dáng người hom hem, nhích từng bước chân đi chợ của bà Thịnh, ai thấy đều rất xót xa.
Đó là những ngày bình yên khi người con trai không lên cơn quậy phá. Còn những hôm bứt rứt trong người con trai bà lại la hét, đập phá. Bà không khuyên được đành chạy sang hàng xóm nhờ mấy chú thanh niên có sức khỏe mới làm lại con trai bà.
Bà Thịnh rưng rức nước mắt nói: “Những lúc con quậy phá, tôi khổ tâm lắm nhưng qua rồi lại thấy thương con vô cùng. Con trai ngày càng tệ hơn, sinh hoạt cá nhân không tự chủ được, tôi sức già yếu tay chân run rẩy không lau dọn hết được cho con. Hiện tại, ai thương tình cho chút ít thì còn có tiền mua thuốc cho con uống đỡ căng thẳng đầu óc, hết thuốc tôi đành phải chịu trận”.
Rất mong những tấm lòng nhân ái gần xa cùng chung tay giúp đỡ 2 gia đình để cuộc sống của các ông, bà phần nào được vơi bớt những khó khăn, vất vả.
Mọi chia sẻ, giúp đỡ, bạn đọc có thể gửi về địa chỉ: Ban Công tác Xã hội - Từ thiện Báo An Giang (số 399B Hà Hoàng Hổ, phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên, An Giang), điện thoại: 0986.058.053. Tên tài khoản: Báo An Giang, số tài khoản: 6700201006825 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn- Chi nhánh An Giang. |
Bài, ảnh: NGỌC GIANG