Cảnh khó khăn của 2 gia đình vùng biên

31/05/2022 - 06:10

 - Về thị trấn Chi Lăng (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang), chúng tôi bắt gặp những mảnh đời vô cùng bất hạnh. Họ phải đối diện với tai nạn, đau bệnh lần lượt kéo đến.

Chúng tôi đến thăm gia đình bà Đặng Thị Điệp (ngụ tổ 1, khóm 2) thông qua hướng dẫn của Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Chi Lăng. Trong căn nhà nhỏ gần chợ, bà Điệp cố gắng làm nốt phần bột được người ta thuê làm bánh canh.

Chia sẻ với chúng tôi, bà Điệp cho hay, đã gắn bó với nghề bán bánh canh dạo từ trẻ. Đó là lúc bà lập gia đình rồi gặp cảnh bất hạnh, phải một mình nuôi 2 người con trai. Những tưởng nhọc nhằn từ gánh bánh canh, lời rao hàng sẽ đổi lại được tương lai tươi sáng cho các con và những năm tháng bình yên của tuổi già.

Vậy mà, khi mới lên 10 tuổi, cậu con trai út Nguyễn Phú Tâm không may mắc chứng bệnh động kinh, không thể học hành, não dần bị tổn thương. Sau 20 năm chạy chữa, bệnh tình không thuyên giảm, ngày càng nặng hơn. Tâm thường nhớ nhớ quên quên, làm bà phải đưa đi bệnh viện và mua thuốc cho Tâm uống hàng ngày.

“Giờ tôi đã 61 tuổi, không còn sức gánh hàng đi bán mỗi ngày. Mặt khác, phải kề cận chăm sóc con, phòng khi con lên cơn động kinh. Do vậy, nguồn thu nhập của gia đình bị hạn chế. Thi thoảng có gia đình muốn ăn bánh canh nên thuê tôi nhào bột sẵn để họ nấu. Mỗi ký bột nhào xong, tôi nhận được 15.000 đồng. Dù đồng tiền kiếm được vô cùng ít ỏi, nhưng tôi vẫn cố gắng làm, bởi nếu không làm thì lấy tiền đâu đi lấy thuốc mỗi tháng” - bà Điệp chia sẻ.

Bà Điệp và con trai

Nhờ có thẻ bảo hiểm y tế, nên tiền thuốc không tốn nhiều. Mà cái khó nhất là mỗi lần đi nhận thuốc ở Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang, bà phải tốn đến 300.000 đồng cho cả đi và về. Nhìn cậu con trai hiền hòa lúc biết chuyện lúc không, nhìn vào 2 đứa cháu nội đang tuổi ăn tuổi học (1 cháu lớp 7 và 1 cháu lớp 9) bà Điệp đỏ hoe đôi mắt, nước mắt lăn dài trên đôi má già nua, đầy những nếp nhăn do nhọc nhằn mưu sinh.

Trưởng ban Nhân dân khóm 2 Đặng Thị Thúy Hồng trăn trở: “Gia đình cô Điệp vô cùng khó khăn. Ngày trước, cô chỉ nuôi con trai bệnh, giờ phải chăm lo thêm cơm nước, chuyện học hành cho 2 đứa cháu. Nguyên do vợ chồng người con trai lớn của cô chia tay nhau, cả 2 đều lập gia đình riêng và đi làm xa, gửi 2 cháu cho bà chăm sóc. Trước tình cảnh khó khăn của cô, địa phương thường xuyên đến thăm tặng gạo, nhu yếu phẩm giúp cô nhẹ bớt nỗi lo. Thế nhưng, cô vẫn còn phải lo chi phí thuốc men cho con trai út, rất mong có thêm sự chia sẻ từ tấm lòng nhân ái gần xa”.

Bà Neàng Phonl

Rẽ sang con đường ngoằn ngoèo gần chợ Chi Lăng (thuộc khóm 3), chúng tôi ghé thăm bà Neàng Phonl (70 tuổi), một phụ nữ cả đời tần tảo vì con cháu, nhưng bước vào tuổi xưa nay hiếm phải sống trong cảnh thiếu thốn, đau bệnh. Chồng mất lúc trẻ, một mình bà Neàng Phonl gánh bánh canh đi bán dạo, gánh cả trách nhiệm làm cha, làm mẹ để nuôi 6 anh em. Một người con không may qua đời, 5 người còn lại lớn lên lập gia đình nhưng đời sống đầy gian truân. Gặp khó khăn nơi xứ người, những đứa cháu lần lượt được con gửi về quê nhà nhờ bà chăm sóc, trong đó có cháu trai Mai Sô Ra không may bị tâm thần, bà đã bảo bọc nuôi dưỡng 22 năm qua.

Dù rất chăm chỉ lao động và dành tình thương bao la với con cháu, thế nhưng bà Neàng Phonl không thể cưỡng lại tuổi già, với nhiều chứng bệnh hành hạ. Đau đớn nhất với bà hiện nay là chứng loãng xương, gai cột sống, nứt đốt xương do ngày trẻ làm việc quá sức.

“Thấy mẹ đau bệnh mà có một mình, đứa cháu tâm thần không biết gì, nên tôi đành để chồng chăm sóc 4 đứa con ở TX. Tân Châu trở về đây chăm sóc mẹ. Vợ chồng làm thuê, có dư dả gì đâu. Trở về đây chỉ có thể kề cận chăm sóc mẹ lặt vặt, chứ tiền ăn uống và thuốc men thêm cho mẹ thì tôi không thể xoay được” - chị Neàng Chanh Đa (con gái bà) bày tỏ.

Phó Trưởng ban Nhân dân khóm 3 Chau Ly cho biết: “Gia đình bà Neàng Phonl thuộc hộ cận nghèo. 10 năm trước, địa phương hỗ trợ giúp bà xây dựng căn nhà che nắng che mưa, nay nhà bị xuống cấp, hư hỏng. Chúng tôi dù muốn, nhưng vẫn chưa có nguồn hỗ trợ cất mới hay sửa sang căn nhà. Trước tình cảnh khó khăn, địa phương hỗ trợ gạo mỗi khi có nhà hảo tâm gửi tặng. Bà Neàng Phonl đang đau bệnh nặng, chúng tôi rất mong tấm lòng nhân ái gần xa chung tay giúp đỡ, để gia đình có điều kiện chăm sóc bà tốt hơn”.

Mọi chia sẻ, giúp đỡ, bạn đọc có thể gửi về địa chỉ: Ban Công tác Xã hội - Từ thiện Báo An Giang (số 399B Hà Hoàng Hổ, phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên, An Giang), điện thoại: 0986.058.053. Tên tài khoản: Báo An Giang, số tài khoản: 6700201006825 tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh An Giang. Khi chuyển khoản, bạn đọc cần ghi rõ họ tên người được hỗ trợ.

NGỌC GIANG