Cảnh khuyển vùng biên

26/04/2020 - 15:12

 - “Cuộc chiến kép” phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và buôn lậu trên tuyến biên giới An Giang đang diễn ra trong nhiều tuần nay. Ngoài các lực lượng: biên phòng, quân sự, công an, còn có sự xuất hiện của 5 chú chó nghiệp vụ, cùng dãi nắng dầm mưa, ăn ngủ ở các chốt dã chiến...

Polat, Putơn và Gassê là 3 chú chó thuộc biên chế Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương (TX. Tân Châu) từ năm 2018. Hơn 1 tháng trước, Zota và Micpô được Cụm Cơ động chó nghiệp vụ 2 tại Tây Ninh (trực thuộc Trường Trung cấp 24 Biên phòng) tăng cường về tuyến biên giới An Giang, bổ sung cho các chốt dã chiến, thuộc Đồn Biên phòng Phú Hữu (An Phú).

Đây là chú chó Zota (2,5 tuổi), cùng huấn luyện viên (HLV) – thượng úy Chu Thành Tín. Từ 1 tuổi trở lên, các chú chó nghiệp vụ được huấn luyện tại trường ít nhất 1 năm, rồi mới được đưa về cơ sở. Hiện nay, Zota được quản lý tại đồn, sẽ thi hành nhiệm vụ khi chỉ huy đồn phân công. Để đảm bảo sức khỏe, các chú chó nghiệp vụ được cho ăn thức ăn công nghiệp, với mức phí hơn 60.000 đồng/ngày. Ngoài ra, các HLV sẽ tăng cường thêm nhiều thức ăn bổ dưỡng khác, tùy điều kiện thực tế.

         

Theo thời gian biểu, Zota được phép ra khỏi chuồng, vận động cơ thể để tăng cường sức khỏe. Do tính chất công việc, các chú chó nghiệp vụ không được phép thân cận với bất kỳ ai, trừ HLV. Trong ảnh, thượng úy Tín dặn dò Zota khi anh đi giải quyết công việc.

Thượng úy Nguyễn Trung Kiên cho biết, Micpô (9 tuổi), từng đi công tác từ Bắc chí Nam. Nhưng khi về đây, đêm đầu tiên, Micpô không thể ngủ được vì muỗi bao vây. Hôm sau, một chiếc mùng được trang bị xung quanh chuồng, kèm thêm miếng bạt ny-lon để tránh mưa, gió.

“Hắn rất lầm lì, nên tôi phải mất 2 tháng mới làm quen được. Tuy nhiên, mỗi lần được thả ra khỏi chuồng, Micpô lại đi khắp nơi. Sau thời gian bỡ ngỡ, hiện “hắn” đã thông thạo địa hình nơi Tổ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 số 3 quản lý” - thượng úy Nguyễn Trung Kiên chia sẻ.

Micpô nghe theo hiệu lệnh “giả chết” của HLV. Chó nghiệp vụ thường là chó đực, loại bec-giê, đáp ứng các yêu cầu khắt khe, như: hệ thần kinh, ngoại hình tốt, các bộ phận đặc biệt là khứu giác, thị giác và thính giác phải nhạy. Mỗi chú chó tham gia phục vụ trong quân đội đến khi qua đời hoặc không còn đủ sức khỏe nữa, bị thải loại.

Ngoại hình “hung dữ”, được huấn luyện bài bản về nghiệp vụ chiến đấu, không “tình cảm” thông thường để giao tiếp, nên các chú chó nghiệp vụ được xem là cánh tay đắc lực trong công tác phòng, chống tội phạm, tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn người nhập biên trái phép, người trốn cách ly trong mùa dịch.

Sự xuất hiện của các chú chó nghiệp vụ khiến các đối tượng e ngại, hạn chế manh động, liều lĩnh. Trong ảnh, Micpô ngồi im, không ngừng quan sát động tĩnh xung quanh vành đai biên giới, sẵn sàng báo động khi có người lạ.

Mỗi chú chó có một tính cách, nét đặc trưng riêng. Chú chó Polat (7 tuổi), được các cán bộ, chiến sĩ Tổ công tác số 1 (Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương) nhận xét là “hiếu động cực kỳ”. Theo thiếu úy Trần Tấn Phát, hễ được thả dây ra, Polat có thể chạy giỡn liên tục. Kể cả khi bị buộc dây, chú chó này vẫn đứng, ngồi không yên. Cách đây không lâu, sau một lần thi hành nhiệm vụ,  tai phải của Polat bị cụp xuống, biến dạng. Khoảng 2 năm nữa, Polat sẽ “về hưu”, vẫn được hưởng mọi chế độ chính sách theo quy định.

Thấy chúng tôi đến, Gassê (6 tuổi) được thiếu úy Huỳnh Thanh Lâm yêu cầu thực hiện động tác “chào”. Động tác này không nằm trong nội dung huấn luyện bắt buộc, lại tùy thuộc vào xương khớp của từng chú chó, nên không phải chú chó nghiệp vụ  nào cũng làm được. Ngược lại, Gassê không chịu thực hiện động tác “giả chết” dù được HLV tập luyện.

Đến An Giang là “chuyến công tác” đầu tiên của Gassê sau khi “ra trường”. Nắng nóng khiến chú chó sụt cân, sức khỏe ít nhiều bị ảnh hưởng. Vì thế, hoạt động yêu thích nhất của chú là được tắm. Suốt quá trình tắm, Gassê rất ngoan, hợp tác tốt với HLV.

Sau khi tắm, HLV lại bận rộn chải lông cho Gassê. Mùa này, chú chó đang thay lông. So với các chú chó khác, Gassê được nhận xét là “khá nghiêm nghị”, “lạnh lùng”, “trầm tĩnh”, vì mọi hoạt động của chú đều rất trầm ổn, khoan thai.

Putơn (8 tuổi) được sinh ra và lớn lên trong môi trường quân đội, hiện rời Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương để theo thiếu úy Nguyễn Viết Lãm ra chốt dã chiến. Theo thiếu úy Lãm, các chú chó nghiệp vụ chỉ cần một chỗ nghỉ ngơi đủ rộng, đủ mát mẻ, thoáng mát vào mùa hè, đủ ấm vào mùa đông.

Cũng như các “đồng nghiệp”, Putơn sẽ cùng cán bộ, chiến sĩ tổ công tác tuần tra, kiểm soát tuyến biên giới 2 lần/ngày. Các chú chó nghiệp vụ đã cùng cán bộ, chiến sĩ mật phục, bắt giữ nhiều vụ buôn lậu trên địa bàn.

“Mỗi chú chó như một đứa trẻ, mình thương nó, nó sẽ thương và nghe lời mình. Để huấn luyện được chúng, rất cần sự kiên nhẫn, yêu nghề. Ngoài dạy nghiệp vụ, HLV phải chăm sóc chúng từng miếng ăn giấc ngủ, hiểu tính nết của chúng để có cách giao tiếp phù hợp.

Những hôm nghỉ phép, tôi bàn giao Putơn lại cho các HLV khác trong đồn. Về nhà, nhiều lúc nhớ nó quá, tôi phải chạy vào thăm. HLV và chó nghiệp vụ tuy hai mà một, cùng nhau trải qua đủ gian lao, khổ cực” - thiếu úy Nguyễn Viết Lãm chia sẻ.

GIA KHÁNH