Canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính

16/10/2023 - 07:58

 - Việc canh tác lúa theo phương pháp truyền thống, do dùng phân bón quá liều lượng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan, cùng với việc đốt rơm rạ sau thu hoạch… dẫn đến phát thải khí nhà kính khá lớn. Do đó, việc ứng dụng các biện pháp canh tác khoa học, tiên tiến sẽ góp phần giảm lượng khí phát thải, bảo vệ môi trường. Đồng thời, giúp giảm chi phí sản xuất, hiệu quả kinh tế được nâng cao…

Theo Viện Môi trường nông nghiệp, lúa gạo là cây trồng quan trọng, giữ vai trò đảm bảo an ninh lương thực. Hiện nay, tổng diện tích gieo trồng lúa ở mức 7,279 triệu ha, sản lượng 42,765 triệu tấn (số liệu Tổng cục Thống kê năm 2022). Trong đó, đất sản xuất lúa đạt 3,922 triệu ha, chiếm 33,4% tổng diện tích đất nông nghiệp (năm 2021). Theo ước tính của các cơ quan chuyên môn, khí nhà kính từ sản xuất nông nghiệp nói chung chiếm 33,2% tổng lượng khí nhà kính của cả nước. Riêng lúa chiếm tới 50,5% tổng lượng phát thải khí nhà kính của ngành nông nghiệp tương đương 44 triệu tấn CO2.

Những năm qua, có nhiều nghiên cứu để giảm phát thải khí nhà kính được thực hiện ở Việt Nam và trên thế giới, như: Quản lý nước theo AWD (kỹ thuật tưới ngập - khô xen kẽ), bón phân Compost, bón Biochar, sử dụng đạm chậm tan, bón phân dúi sâu... Khi áp dụng các biện pháp canh tác này đã tác động trực tiếp và giảm phát thải khí nhà kính từ canh tác lúa. Trong đó, quan trọng nhất là giảm thời gian, tần suất và độ sâu ngập nước đã giảm phát thải khí mê tan (CH4), giảm phát N2O thông qua giảm phân bón, sử dụng phân bón chậm tan.

Canh tác lúa giảm phát thải giúp giảm chi phí, tăng thu nhập, bảo vệ môi trường

Tại tỉnh An Giang, thời gian qua, các nhà khoa học, ngành nông nghiệp… đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hướng dẫn nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng giảm phát thải khí nhà kính. Tại huyện Tri Tôn, vụ hè thu 2023, gia đình anh Lý Tận Trung thí điểm mô hình canh tác lúa giảm khí nhà kính với diện tích 3ha. Giống lúa được gia đình anh Trung sử dụng là DS1, mật độ gieo sạ 120kg/ha.

Trong quá trình canh tác, anh Trung sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo mức độ 1; rút nước 2 lần trở lên; đồng thời áp dụng kỹ thuật “1 phải, 5 giảm”. Tổng lượng phân bón sử dụng trên 1,2 tấn, với các loại, như: Ure, DAP, NPK. Theo anh Trung, năng suất lúa bình quân ước đạt trên 6,5 tấn/ha, lợi nhuận trên 27 triệu đồng/ha. Tổng lượng khí phát thải trên 3.305kg CO2/ha. Ngoài ra, trong khâu thu hoạch, ruộng mô hình áp dụng kỹ thuật “1 phải, 5 giảm”, không đốt rơm rạ nên lượng khí phát thải khoảng 1.358 kg CO2/ha.

Tại huyện Thoại Sơn, ông Trịnh Công Minh (xã An Bình) tiến hành thí điểm quy trình canh tác theo hướng dẫn Cục Trồng trọt với diện tích 2ha. Giống lúa được ông Minh sử dụng là OM18, mật độ gieo sạ 120kg/ha. Bên cạnh đó, ông Minh sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ở mức 1; tổng lượng phân bón sử dụng là 320kg Ure và 240kg DAP. Sau khi thu hoạch, tổng năng suất lúa đạt 14 tấn, hiệu quả kinh tế trên 27 triệu đồng/ha. Ngoài ra, áp dụng quy trình canh tác theo Cục Trồng trọt, tổng mức phát thải khí nhà kính trong quá trình trên 2.121kg CO2/ha; khí phát thải nhà kính trong quá trình thu hoạch trên 1.358kg CO2/ha.

Trong khi đó, ở các ruộng đối chứng, canh tác theo phương pháp truyền thống ở các giống lúa tương tự sử dụng nhiều phân bón hơn. Hiệu quả kinh tế khoảng 16,3 triệu đồng/ha. Tổng lượng khí phát thải trong quá trình canh tác từ 3.583 - 4.117kg CO2/ha và trong quá trình thu hoạch từ 3.153 - 3.344kg CO2/ha.

Từ kết quả trên có thể thấy, sự chênh lệch về khí phát thải giữa ruộng thí điểm và đối chứng. Theo anh Phan Huỳnh Giang San (Trung tâm Kỹ thuật – Dịch vụ Nông nghiệp An Giang), sự chênh lệnh là do cách thức canh tác. Ở ruộng canh tác theo hướng hiện đại, tiên tiến, áp dụng các biện pháp giảm lượng giống, giảm phân bón, giảm thuốc và cách quản lý nước chặt chẽ, chính xác. Ngoài ra, trong khâu thu hoạch, người sản xuất không đốt rơm rạ, mà bán cho người trồng nấm hoặc ủ phân hữu cơ để bón cho đất… Từ đó, phát thải khí nhà kính thấp hơn so với canh tác truyền thống. Ngoài ra, áp dụng các biện pháp canh tác hiện đại, tiên tiến sẽ giúp giảm chi phí giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…

Mặt khác, việc canh lúa theo hướng giảm phát thải khí nhà kính phù hợp xu hướng hình thành nhu cầu tiêu dùng sản phẩm dán nhãn phát thải thấp. Từ đó, rộng cửa vào thị trường EU và Hoa Kỳ theo cam kết tại COP26 và Hiệp định Paris về giảm thiểu biến đổi khí hậu…

Ngoài việc tính toán lượng phát thải khí nhà kính bằng phương pháp thủ công còn có thể tính bằng phần mềm Apps Rice Hero, cho kết quả gần như chính xác. Apps được xây dựng để sử dụng trên điện thoại thông minh với hệ điều hành Android và IOS, được tính toán dựa trên công thức theo hướng dẫn của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC). Phần mềm được áp dụng cho hầu hết các đối tượng, từ nông dân đến cán bộ nông nghiệp

 

ĐỨC TOÀN