Cây đại thụ của ngành sử học Việt Nam đã rời xa cõi tạm

23/06/2018 - 19:39

Hôm nay (ngày 23-6), một tin rất đau buồn đã đến với giới sử học Việt Nam, khi giáo sư Phan Huy Lê, cây đại thụ hàng đầu của ngành Sử học, đã qua đời ở tuổi 84.

Phong cách giản dị, nụ cười hiền hậu của giáo sư Phan Huy Lê. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Giáo sư, nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê sinh ngày 23-2-1934, tại Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, một mảnh đất địa linh nhân kiệt với rất nhiều tên tuổi danh nhân nổi tiếng của Việt Nam. Ông xuất thân trong một gia đình mà cả dòng họ hai bên nội, ngoại đều có truyền thống khoa bảng với những danh nhân văn hoá lớn như Phan Huy Cẩn, Phan Huy Ích, Phan Huy Thực, Phan Huy Vịnh, Phan Huy Chú, Cao Xuân Dục, Cao Xuân Tiếu, Cao Xuân Huy... Cụ thân sinh là Phan Huy Tùng, tiến sỹ Nho học, từng làm quan trong triều đình Huế, nổi tiếng thanh liêm, nhân hậu.

Sinh ra và lớn lên ở quê nhà Hà Tĩnh, năm 1952, ông học Dự bị Đại học ở Thanh Hóa. Năm 1956, ông tốt nghiệp cử nhân Sử- Địa trường Đại học sư phạm Hà Nội và được nhận chức danh Trợ lý giảng dạy Bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ trung đại, Khoa Lịch sử trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Từ đó đến nay, giáo sư sử học Phan Huy Lê đã cống hiến cả đời mình cho việc nghiên cứu lịch sử với hàng chục đầu sách, rất nhiều công trình nghiên cứu có giá trị cao.

Với những cống hiến đó, ông luôn được giới sử học trong nước tín nhiệm và bầu giữ các vai trò, vị trí quan trọng trong ngành lịch sử như giữ chức vụ chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ trung đại của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội từ năm 1952, khi ông mới 24 tuổi. Từ năm 1988, ông giữ vị trí Chủ tịch hội Sử học Việt Nam.

Giáo sư Phan Huy Lê cũng là người sáng lập Trung tâm Trung tâm hợp tác nghiên cứu Việt Nam (thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội), tiền thân của Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Giao lưu văn hóa, sau này là Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (năm 1988). Năm 1995, ông sáng lập Khoa Đông phương học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. 

Ông đạt danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 1994 và Giải thưởng Nhà nước năm 2.000. Năm 2011, Báo Thể thao Văn hóa trao tặng ông giải thưởng "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội". Năm 2016, ông nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học cho công trình “Lịch sử và Văn hóa Việt Nam - Tiếp cận bộ phận”.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm giáo sư Phan Huy Lê. (Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN)

Giáo sư Phan Huy Lê được phong học hàm giáo sư vào năm 1980. Ông là một trong bốn cây đại thụ của ngành sử học Việt Nam đương đại cùng các Giáo sư Đinh Xuân Lâm (1925-2017), Giáo sư Trần Quốc Vượng (1934-2005) và Giáo sư Hà Văn Tấn (sinh năm 1937), thường được các lớp học trò yêu quý gọi là “Tứ trụ sử việt Lâm, Lê, Tấn, Vượng.”

Không chỉ được nhận các giải thưởng, danh hiệu cao quý trong nước, giáo sư Phan Huy Lê còn được nhiều quốc gia tôn vinh.

Ông là người Việt Nam đầu tiên được Nhật Bản trao tặng Giải thưởng quốc tế văn hóa châu Á Fukuoka (năm 1996). Năm 2002, ông được Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Cành cọ Hàn lâm. 

Tháng 5-2011, ông được bầu làm thông tín viên ngoại quốc của Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn Pháp. Năm 2014, ông được nhận Giải thưởng danh dự Pháp ngữ năm 2014 (Prix d’honneur de la Francophonie 2014) do nhóm các Đại sứ quán, phái đoàn và tổ chức Pháp ngữ tại Hà Nội (GADIF) trao tặng. Năm 2016, ông được Viện Viễn Đông Bác cổ (Pháp) trao bằng Tiến sĩ danh dự..

Là người say mê lịch sử, giáo sư Phan Huy Lê cũng đặc biệt quan tâm đến việc dạy và học lịch sử trong các trường phổ thông. 

Ông mạnh mẽ phản đối dự định ghép môn Lịch sử với một số môn học khác của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cùng Hội Sử học Việt Nam, ông tổ chức nhiều cuộc hội thảo, nêu quan điểm kiên quyết, khiến Bộ Giáo dục và Đào tạo phải thay đổi dự định. Ông cũng là người thẳng thắn phê phán cách viết sách giáo khoa và cách dạy học lịch sử khô cứng, nặng dữ liệu trong các trường phổ thông hiện nay. Ông cho rằng với sách sử như vậy, học sinh không yêu sử là điều dễ hiểu.

Trước thực trạng học sinh ngày càng ít học môn lịch sử, ông luôn trăn trở để đưa môn học đến gần hơn với các em. Ông cùng Hội khoa học Lịch sử tổ chức cuộc thi Em yêu lịch sử để tạo sân chơi cho học sinh. Với vai trò là Chủ tịch Hội, hàng năm, ông đều tổ chức lễ vinh danh các học sinh đạt giải quốc gia môn lịch sử, dâng hương trang trọng tại Văn Miếu Quốc Tử Giám để cổ vũ, động viên, khích lệ các em thêm yêu môn sử.

Giáo sư Phan Huy Lê đã ra đi, rời xa cõi tạm, nhưng những cống hiến của ông cho ngành sử học và cho giáo dục nước nhà sẽ vẫn mãi là tấm gương sáng cho nhiều thế hệ.

Theo VIETNAM+