Chăm sóc sức khỏe người già vùng nông thôn

23/02/2023 - 06:45

 - Thiếu việc làm, thiếu thu nhập và các điều kiện khám, chữa bệnh chuyên sâu ở nông thôn là một trong những nguyên nhân khiến người lớn tuổi ở đây ít quan tâm chăm sóc khỏe bản thân. Do vậy, nhiều người lớn tuổi dễ rơi vào bệnh tật triền miên, giảm chất lượng sống và tuổi thọ. Để giảm dần tình trạng này, cần tạo việc làm và tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe ở người lớn tuổi.

Báo An Giang hỗ trợ tiền trị bệnh cho người già

Ở nông thôn, người dân đa số sống nhờ vào nghề nông và một số ngành dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp. Một số ít có đất sản xuất, cơ sở kinh doanh tại nhà nên đời sống được đảm bảo. Phần đông sống chủ yếu vào các công việc làm thuê, chủ yếu phục vụ nghề nông và một số ngành dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp. Công việc dựa trên lao động tay chân là chính, đến khi gặp cảnh đau bệnh hoặc sức khỏe không đảm bảo các công việc lao động nặng nhọc, dầm mưa dãi nắng, người lớn tuổi đành ở nhà, sống phụ thuộc vào 1 lao động khác trong gia đình.

Tình cảnh 1 người đàn ông trẻ, gánh cả cha mẹ già, vợ và con nhỏ là hình ảnh phổ biến ở vùng nông thôn. Và dĩ nhiên, khi bữa cơm gia đình còn chưa được chu tất thì việc mua bảo hiểm y tế hay đi khám bệnh khi có dấu hiệu đau nhức, mệt mỏi ở người lớn tuổi là điều quá khó khăn đối với các gia đình. Nhiều ông bà ngại ngần vì tốn kém tiền bạc của con cháu nên chỉ mua thuốc giảm đau, uống qua loa hay mua thuốc bắc, thuốc nam uống để điều trị lâu dài mong đỡ tốn kém mà vẫn chữa được bệnh. Thế nhưng, thực tế diễn biến bệnh ngày một nặng hơn.

Chị Phạm Nguyễn Thảo Nguyên (Ban Công tác xã hội và Chăm sóc khách hàng, Bệnh viện Sản - Nhi An Giang) chia sẻ: “Tham gia cùng các y, bác sĩ trong các chuyến khám bệnh thiện nguyện tại nông thôn, đặc biệt là các ấp, xã vùng sâu, nơi có nhiều kênh, rạch hoặc khu vực biên giới, chúng tôi rất xót xa khi chứng kiến những người lớn tuổi rất vui mừng khi lần đầu tiên được đi khám bệnh kỹ càng, một số người được các bác sĩ phát hiện nhiều bệnh, khuyên khi có điều kiện nên đến bệnh viện để điều trị kịp thời, tránh diễn biến nặng hơn”.

Thực tế tại các vùng nông thôn, tình trạng thiếu việc làm, thiếu thu nhập là nguyên nhân khiến người dân ít quan tâm đến sức khỏe, để đến khi không còn chịu đựng được cơn đau nhức, lên cơn mệt mỏi phải chở đi cấp cứu, đến bệnh viện bác sĩ chẩn đoán ra nhiều căn bệnh mãn tính, nan y, như: Tiểu đường, thoái hóa xương khớp, bệnh hở van tim, lao phổi, ung thư...

Lúc bấy giờ, chi phí điều trị tăng lên gấp nhiều lần. Nhiều gia đình lại rơi vào cảnh khánh kiệt, phải bán hết ruộng vườn, nhà cửa, vay mượn khắp nơi mà không sao xoay xở kịp.

Bà Huỳnh Thị Thuận (70 tuổi, ngụ ấp Trung Phú 1, xã Vĩnh Phú, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) cho biết: “Dẫu biết mình đang mang trong mình căn bệnh tiểu đường nhiều năm nay, nhưng tôi không có tiền đi tái khám và lấy thuốc uống. Vì 3 năm nay, con gái cho bao nhiêu tiền tôi phải chăm lo chồng bị tai biến, giờ đến lượt tôi bị thêm khối u xương chậu, tài sản không có, không vay mượn được, tôi đành mặc kệ số phận”.

Ông Trương Văn Sừ (Trưởng nhóm Thiện nguyện Phước Duyên, thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn) cho biết: “Tôi chứng kiến nhiều người lớn tuổi sống trong cảnh neo đơn không có con cái chăm sóc hoặc có con cái chăm sóc nhưng không đủ tiền thuê xe chở ông bà, cha mẹ đi bệnh viện trong cơn đau bệnh, nhóm chúng tôi đã cùng nhau quyên góp mua được chiếc xe cứu thương “0 đồng”, vừa trực tiếp chở người bệnh đi cấp cứu và hỗ trợ viện phí đối với những hoàn cảnh quá khó khăn”.

Thực tế cho thấy, người lớn tuổi ở nông thôn không phải là không còn sức để lao động, có tích lũy và chăm sóc sức khỏe bản thân mà là hạn chế số lượng việc làm phù hợp. Với những người còn đi lại được, họ chọn nghề bán vé số, nhặt ve chai, số ít khác chọn nghề đan lát, trầm nón, trầm bầu giống, gọt vỏ xoài, làm bong bóng cá... Các công việc phụ thuộc vào nơi sinh sống của người dân, là nơi duy trì và phát triển được làng nghề thì người lớn tuổi mới có kế mưu sinh.

Vợ chồng ông Lê Văn Mừng (xã Hội An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) đã ngoài 70 tuổi, không có con cái phụng dưỡng nhưng điều may mắn là vẫn có thể sống với nghề trầm bầu giống, với thu nhập ít ỏi nhưng vẫn có thể tự lo được bữa ăn.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hội An (huyện Chợ Mới) Trần Kim Ngân cho biết: “Trong khả năng của tổ chức hội, địa phương luôn quan tâm giới thiệu và kết nối việc làm cho phụ nữ nhiều lứa tuổi, nhất là phụ nữ lớn tuổi ở thôn quê, tùy theo hoàn cảnh gia đình và điều kiện sức khỏe sẽ giới thiệu việc làm phù hợp để họ có thêm thu nhập, giảm bớt áp lực cho các thành viên khác trong gia đình”.

Thế nhưng, còn rất nhiều cảnh đời khác, họ không quá lớn tuổi nhưng không có công việc phù hợp để tự nuôi sống mình, phải sống trong cảnh thiếu thốn, bệnh tật, phải nhờ vào tình thương của hàng xóm, các nhà hảo tâm hỗ trợ thường xuyên.

Do vậy, chăm sóc sức khỏe và tạo việc làm phù hợp cho người lớn tuổi ở nông thôn là việc làm quan trọng và cần được các địa phương quan tâm nhiều hơn, góp phần chăm lo đời sống vật chất và cải thiện đời sống tinh thần của người lớn tuổi, giúp họ có điều kiện sống vui khỏe và ngày càng nâng cao chất lượng cuộc sống, tiếp tục lao động, cống hiến cho xã hội.

NGỌC GIANG