Chào năm học mới!

05/09/2022 - 06:22

 - Sáng nay (ngày 5/9), cùng với cả nước, học sinh 720 trường trên địa bàn tỉnh An Giang hân hoan bước vào năm học mới 2022-2023. Bằng những định hướng chiến lược, toàn ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) nêu cao quyết tâm, đoàn kết, nỗ lực vượt khó, cải thiện chất lượng giáo dục trong năm học mới.

Sẵn sàng tâm thế

Mấy ngày qua, học sinh từ bậc mầm non, mẫu giáo đến THPT tựu trường trong không khí phấn khởi, hân hoan, khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát. Trưởng phòng GD&ĐT TP. Long Xuyên Dương Kiếm Anh cho biết, trường tiểu học, THCS thực hiện tốt công tác tuyển sinh đầu cấp (lớp 1, 6) bằng hình thức trực tuyến và tuyển sinh bậc mầm non; công bố danh mục sách giáo khoa trường chọn để giảng dạy theo quy trình hướng dẫn. Toàn thành phố có 41/56 trường sửa chữa, mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động dạy học, đáp ứng yêu cầu tổ chức hoạt động ngoại khóa, vui chơi, giải trí...

Điển hình như, Trường Tiểu học Châu Văn Liêm giữ vững “Phổ cập GD&ĐT mức 3”; được công nhận trường  “An toàn trật tự ”; giữ vững danh hiệu “Trường học văn hóa” 5 năm liền (2017-2022), “Trường chuẩn quốc gia mức 2” từ năm 2017, giữ vững kiểm định chất lượng giáo dục (cấp độ 2). “Năm học mới, trường tiếp tục đổi mới công tác quản lý GD&ĐT; thực hiện mục tiêu phát triển giáo dục toàn diện cho học sinh. Chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh, kỹ năng sống cho học sinh, kiên quyết ngăn chặn tệ nạn xã hội xâm nhập học đường”- thầy Đoàn Trí Thơ (Hiệu trưởng nhà trường) cho biết.

Học sinh tựu trường trong không khí phấn khởi

Với bề dày thành tích 74 năm xây dựng và trưởng thành, Trường THPT Chuyên Thoại Ngọc Hầu là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Cô Đặng Thị Kim Phượng (Hiệu trưởng nhà trường) cho biết: “Năm học mới, trường có 1.308 học sinh, với 435 em vừa trúng tuyển vào lớp 10. Chúng tôi quyết tâm xây dựng môi trường học tập tích cực, thân thiện, kỷ cương, chất lượng giáo dục toàn diện được ưu tiên hàng đầu; phấn đấu trở thành trường học được cộng đồng xã hội, phụ huynh tin cậy lựa chọn cho con em học tập, rèn luyện”.

Ở địa bàn đầu nguồn biên giới, Trường THPT An Phú (huyện An Phú) sẵn sàng cho năm học mới. Toàn trường có 27 phòng học, đầy đủ phòng bộ môn, thực hành thí nghiệm, với hơn 1.900 học sinh. Những ngày qua, trường tổ chức vệ sinh, chỉnh trang trường lớp, tăng cường phòng ngừa các loại dịch bệnh; phối hợp ngành y tế tiêm bổ sung vaccine phòng COVID-19 mũi 3 cho học sinh và mũi 4 cho giáo viên. Đồng thời, lập danh sách học sinh chưa đến lớp để phối hợp tìm hiểu nguyên nhân, vận động ra lớp; hỗ trợ học sinh nghèo, khó khăn được mượn sách giáo khoa, tiếp sức đến trường...

Đổi mới toàn diện

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang Trần Thị Ngọc Diễm, năm học 2022-2023, ngành tiếp tục triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI); Chương trình hành động 05-CT/TU, ngày 29/7/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Năm học mới, ngành triển khai chương trình giáo dục mầm non sau sửa đổi, bổ sung; nâng cao chất lượng hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ phù hợp với bối cảnh địa phương; củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, hướng đến phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em dưới 5 tuổi. Xây dựng kế hoạch tăng cường tiếng Việt cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số.

Tiếp tục nâng chất, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp  

Cùng với đó là nâng chất thực hiện chương trình giáo dục mầm non, chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3, 7, 10 (về đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học...), chuẩn bị điều kiện dạy học môn Tin học và Ngoại ngữ (lớp 3); nâng cao chất lượng biên soạn, thẩm định và lựa chọn sách giáo khoa đối với lớp 4, 8, 11. Ngành giáo dục sẽ tập trung chỉ đạo chuyên môn dạy và học; chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, đẩy mạnh giáo dục STEM trong giáo dục trung học; đẩy mạnh hướng nghiệp và định hướng phân luồng cho học sinh.

Trong chuyển đổi số, ngành GD&ĐT ứng dụng công nghệ thông tin và cải cách hành chính; đảm bảo về hạ tầng kỹ thuật, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy - học trực tuyến, trong công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Tăng cường thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến và bộ phận “một cửa”, “một cửa liên thông”; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục và chia sẻ hiệu quả kho học liệu số dùng chung toàn ngành…

Nhiệm vụ của năm học mới đã đặt ra nhiều thách thức, vất vả hơn cho nghề giáo. Do vậy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước đề nghị thầy cô cố gắng, nỗ lực hơn nữa, tất cả vì học sinh thân yêu; tiếp tục rèn luyện, cải tiến phương pháp dạy học, đổi mới tư duy quản lý; đẩy mạnh ứng dụng phương pháp giáo dục hiện đại. Tăng cường bồi dưỡng, giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, để học sinh có điều kiện phát triển toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng GD&ĐT ở các cấp học.

Triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước yêu cầu cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong tỉnh cần chuẩn bị thật tốt điều kiện để vừa triển khai hiệu quả nhiệm vụ năm học mới, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19, sốt xuất huyết, tay - chân - miệng… Ngành GD&ĐT cần phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh, lấy người học làm trung tâm. Tăng cường giải pháp để đáp ứng yêu cầu đổi mới, bảo đảm chất lượng giáo dục và thực hiện tốt sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho tỉnh.                  

 

HỮU HUYNH – TRÚC PHA