Châu Âu cân nhắc triển khai 30.000 binh sĩ tới Ukraine

18/02/2025 - 07:52

Tại cuộc họp khẩn cấp tại Paris ngày 17/2, các nhà lãnh đạo châu Âu đã xem xét khả năng triển khai quân tới Ukraine như một phần của thỏa thuận ngừng bắn tiềm năng. Đồng thời, họ cũng tham vấn chính quyền Trump về khả năng hỗ trợ từ phía Mỹ cho sứ mệnh này.

Chú thích ảnh

Các binh sĩ thuộc lực lượng vũ trang Tây Ban Nha và Bulgaria trong cuộc tập trận Steadfast Dart của NATO vào ngày 13/2/2025 tại Tsrancha, Bulgaria. Ảnh: Getty Images

Theo báo bưu điện Washington (The Washington Post) ngày 17/2, trong khi Washington đã loại trừ khả năng gửi quân Mỹ tới Ukraine, đội ngũ của Tổng thống Donald Trump không bác bỏ khả năng hỗ trợ một lực lượng quân sự do châu Âu dẫn đầu làm nhiệm vụ tại Ukraine. Các quan chức châu Âu đang tìm hiểu xem Mỹ có thể cung cấp hỗ trợ như thế nào, bao gồm tình báo, giám sát trên không và hỗ trợ phòng không.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã triệu tập một cuộc họp tại Paris với các nhà lãnh đạo chủ chốt của châu Âu để thảo luận các kế hoạch cụ thể nhằm hỗ trợ Ukraine và xây dựng sự đồng thuận về việc triển khai quân.

Hiện tại, các đề xuất bao gồm việc gửi một lực lượng răn đe của châu Âu với 25.000 đến 30.000 binh sĩ. Lực lượng này sẽ không đóng quân tại tiền tuyến mà sẽ hiện diện nhằm ngăn chặn sự gây hấn tiếp theo của Liên bang Nga. Nếu cần thiết, lực lượng này có thể được tăng cường thêm.

Pháp đang dẫn đầu trong quá trình lập kế hoạch và đã tuyên bố có thể đóng góp tới 10.000 binh sĩ, trong khi các đồng minh châu Âu khác vẫn đang đánh giá khả năng của mình.

Thủ tướng Anh Keir Starmer tuyên bố rằng Anh sẵn sàng gửi quân “nếu cần thiết”, đánh dấu một sự thay đổi đáng kể trong lập trường của Anh và gia tăng áp lực lên các quốc gia châu Âu khác để làm rõ cam kết của họ.

Các cuộc thảo luận có sự tham gia của Pháp, Anh, Đức, Ba Lan, Hà Lan, cùng các quốc gia Bắc Âu và vùng Baltic. Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Ruben Brekelmans nhấn mạnh rằng bất kỳ hành động quân sự nào của châu Âu cũng cần có sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ Mỹ.

“Đây là vấn đề đảm bảo an ninh cho Ukraine, nhưng cũng liên quan trực tiếp đến quốc phòng và khả năng răn đe của NATO”, Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Ruben Brekelmans nói.

Các nhà lãnh đạo châu Âu cũng đang xem xét khả năng thiết lập một hiệp ước phòng thủ chung giữa các quốc gia tham gia, tách biệt khỏi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), để điều phối phản ứng trong trường hợp lực lượng này bị tấn công.

Sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ và Liên bang Nga sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp, các chính phủ châu Âu đã bày tỏ nhu cầu được tham gia vào quá trình này. Mặc dù chính quyền Trump báo hiệu rằng châu Âu sẽ không tham gia trực tiếp vào các cuộc đàm phán, Đặc phái viên Mỹ Keith Kellogg đã đảm bảo với các quan chức châu Âu rằng lợi ích an ninh của họ sẽ được cân nhắc.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hoan nghênh các cuộc thảo luận về sự hiện diện quân sự của châu Âu tại Ukraine, tuyên bố: “Chúng tôi muốn các đảm bảo an ninh không chỉ trên giấy tờ, mà còn phải có trên mặt đất, trên biển và trên không”.

Trong khi đó, Liên bang Nga đã phản ứng một cách thận trọng. Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov tuyên bố rằng “chưa có cuộc thảo luận thực chất nào” về việc triển khai quân châu Âu, nhưng thừa nhận rằng vấn đề này có tầm quan trọng đáng kể.

Mỹ đã yêu cầu các quốc gia châu Âu đưa ra các đề xuất chi tiết về vũ khí, binh lính và các biện pháp an ninh mà họ có thể đóng góp cho Ukraine. Theo tờ Thời báo Tài chính (The Financial Times), Washington đang đánh giá mức độ sẵn sàng của châu Âu trong việc cam kết đảm bảo an ninh lâu dài, cũng như mức độ tham gia mà họ mong đợi từ Mỹ.

Một số quốc gia châu Âu, bao gồm Ba Lan và Đức, vẫn thận trọng do sắp có bầu cử và cân nhắc yếu tố chính trị trong nước. Trong khi đó, Hà Lan yêu cầu Quốc hội phê duyệt trước khi triển khai quân.

Mặc dù các cuộc thảo luận vẫn đang diễn ra, viễn cảnh về một lực lượng do châu Âu dẫn đầu tại Ukraine đang trở thành một chủ đề trọng tâm khi các nhà lãnh đạo châu Âu nỗ lực xác định vai trò của họ trong việc đảm bảo an ninh cho Ukraine trong tương lai.

Theo tờ Bưu điện Washington, các cuộc đàm phán tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra trong những tuần tới khi châu Âu và Mỹ điều chỉnh chiến lược của mình.

Trước đó, có thông tin cho rằng khi các cuộc đàm phán Mỹ-Nga sắp diễn ra, Tổng thống Zelensky đã tìm kiếm sự ủng hộ từ các nước trong khu vực trong chuyến công du Trung Đông, trong khi vẫn bị loại khỏi bàn đàm phán. Tại Paris, Tổng thống Macron đang thúc đẩy vai trò của châu Âu trong quá trình này, trong khi Anh cho thấy sự sẵn sàng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình.

Theo TTXVN