Châu Đốc - “Vương quốc” mắm Nam Bộ

22/10/2020 - 05:24

 - Cùng với lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được tổ chức hàng năm, TP. Châu Đốc (An Giang) còn nổi tiếng với đặc sản mắm. Thật không ngoa khi cho rằng, Châu Đốc là “Vương quốc” mắm của Nam Bộ, bởi ở đây có nhiều cơ sở chế biến hàng chục loại mắm khác nhau. Với nhiều hương vị độc đáo, mắm Châu Đốc là một trong những món quà không thể thiếu khi du khách đến tham quan, du lịch.

Châu Đốc là vùng đất giàu truyền thống, từng ghi đậm dấu ấn của các danh tướng, những bậc tiền hiền có công khai phá, mở mang bờ cõi, giữ vững biên cương Tổ quốc. Ngoài ra, Châu Đốc còn nổi tiếng với những danh lam, thắng cảnh nổi tiếng, thu hút đông du khách thập phương như: khu du lịch núi Sam, lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Hang…

Nhờ có vị trí địa lý đặc thù, nằm bên cạnh sông Hậu cùng hệ thống sông ngòi chằng chịt nên nơi đây có nguồn lợi thủy sản phong phú, đa dạng về chủng loại. Cũng chính nhờ “món quà quý” thiên nhiên ban tặng này, từ lâu các hộ dân nơi đây đã hình thành và phát triển nghề làm mắm cho đến nay. Theo các bậc cao niên ở đây cho biết, ngày xưa do trên các con sông, kênh, rạch có quá nhiều cá, tôm… nhất là vào mùa nước nổi, người dân đánh bắt khá nhiều, ăn không hết nên làm mắm, làm khô để dùng dần. Đây là cách dự trữ nguồn thực phẩm khá hiệu quả và phổ biến vào thời điểm đó, vì có thể để lâu. Nếu trước đây, mắm làm ra để ăn vì nhà nào cũng làm, còn bây giờ mắm làm ra để bán.

Đến TP. Châu Đốc, du khách sẽ được thưởng thức các loại mắm đặc sản khác nhau, từ mắm cá lóc, mắm cá trèn, mắm cá linh cho đến mắm sặc, cá chốt, cá mè vinh… Tuy nhiên, thông dụng nhất vẫn là mắm thái - loại mắm được làm từ thịt cá lóc xắt nhỏ thành từng sợi trộn với đu đủ. Cũng có người gọi mắm thái là mắm ruột vì sợi cá lóc được cắt thành từng miếng trông giống như ruột gà.

Chỉ với những thành phần cơ bản như vậy mà qua đôi bàn tay khéo léo của người thợ đã cho ra đời một loại mắm mang hương vị độc đáo, làm say đắm biết bao nhiêu người. Mắm thái dễ thưởng thức, những cọng đu đủ giòn giòn, thịt cá lóc tan trong miệng… đôi khi chỉ cần dùng với cơm trắng là có thể thưởng thức trọn hương vị.

Mắm Châu Đốc nổi tiếng gần xa bởi hương vị độc đáo, giá cả phải chăng

Đối với các loại mắm khác thì có nhiều cách thưởng thức khác nhau như: ăn sống, chưng, hay kho… Một trong những “bạn đồng hành” quen thuộc với các món mắm là trái cà. Nếu ăn mắm sống, chưng hoặc kho thì dùng tay bẻ nhỏ trái cà phổi, cà tím để ăn, chứ cắt bằng dao sẽ không ngon. Ngoài cá, nhiều người còn sử dụng nhiều loại rau sống như: bông súng, điên điển, rau dừa, rau nhút… để chấm với mắm.

Hiện nay, ở TP. Châu Đốc có rất nhiều cơ sở làm mắm và hàng trăm cửa hàng kinh doanh mắm các loại. Mỗi cơ sở có một “bí quyết” chế biến khác nhau nên hương vị mắm cũng khác nhau, phù hợp với đại đa số người tiêu dùng. Những cơ sở làm mắm ngon đều có tính cách gia đình và gia truyền. Trong đó có nhiều cơ sở nổi tiếng được người dân và du khách khắp nơi biết đến, như: mắm Bà Giáo Khỏe, mắm Bà Giáo Thảo, mắm 9999, mắm 6666… Ngoài việc sản xuất để bán thị trường trong nước, mắm còn được xuất khẩu sang Campuchia.

  Mỗi năm, TP. Châu Đốc đón hàng triệu lượt khách đến tham quan, du lịch. Điều này đã góp phần làm cho làng nghề làm mắm ở địa phương vốn đã có nền tảng vững chắc ngày càng trở nên thịnh vượng và phát triển. Để giữ chân khách hàng, những người làm nghề mắm ngày càng chú ý đến việc đầu tư trang thiết bị sản xuất, cải tiến quy trình, thay đổi mẫu mã để vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, vừa có mẫu mã, bao bì đẹp, tiện dụng, giúp khách hàng ở xa có thể mua làm quà tặng người thân.

Bên cạnh các mặt hàng mắm nổi tiếng còn có cá đồng làm khô, với hàng trăm loại được bày bán tại “Vương quốc” mắm Châu Đốc. Nổi tiếng nhất là các loại khô: cá lóc, cá tra phồng, cá sặc, cá chạch, cá chốt, cá lòng tong… Giá bán các loại khô dao động từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng/kg.

Việc tận dụng món thiên nhiên ban tặng, cộng với kinh nghiệm làm mắm gia truyền mang đến cho TP. Châu Đốc một đặc sản riêng, điểm nhấn trong phát triển du lịch.

ĐÌNH ĐỨC