Châu lục tránh được thảm họa COVID-19 dù thiếu thốn đủ thứ

22/11/2021 - 08:06

Số ca tử vong vì COVID-19 ở châu Phi chiếm 3% tổng số ca tử vong toàn cầu. Trong khi đó, tỷ lệ ở châu Mỹ và châu Âu lần lượt là 46% và 29%.

Tại khu chợ sầm uất ở ngoại ô Harare (Thủ đô Zimbabwe), Nyasha Ndou để khẩu trang trong túi khi hàng trăm người khác, hầu hết không đeo khẩu trang, mua bán rau quả bày trên bàn gỗ và tấm nhựa. Như phần lớn các nơi khác ở Zimbabwe, virus SARS-CoV-2 đã trở thành quá khứ, khi các cuộc họp, hòa nhạc và tụ tập tại nhà diễn ra bình thường.

“COVID-19 đã biến mất, lần cuối cùng bạn nghe tin có ai đã chết vì COVID-19 là khi nào?”, Ndou nói.

Ngày 20/11, Zimbabwe chỉ ghi nhận 33 ca COVID-19 mới và không có người tử vong, phù hợp với sự sụt giảm gần đây của dịch trên khắp châu Phi. Dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận các ca COVID-19 ở đây đã giảm đáng kể từ tháng 7.

Khi virus SARS-CoV-2 xuất hiện vào năm 2020, các quan chức y tế lo ngại đại dịch sẽ quét qua châu Phi, giết chết hàng triệu người. Nhưng kịch bản đó chưa thành hiện thực ở Zimbabwe và phần lớn châu lục.

Dù vậy, các nhà khoa học nhấn mạnh việc thu thập dữ liệu COVID-19 chính xác, đặc biệt là ở các quốc gia châu Phi với hệ thống giám sát yếu, rất khó khăn. Họ cảnh báo xu hướng COVID-19 đang suy giảm có thể dễ dàng bị đảo ngược.

Cảnh tấp nập ở khu chợ sầm uất vùng ven Harare, Thủ đô Zimbabwe

Nhưng có một điều gì đó bí ẩn đang xảy ra ở châu Phi khiến các nhà khoa học bối rối. Wafaa El-Sadr, Chủ nhiệm bộ phận Y tế toàn cầu tại Đại học Columbia, nói: “Châu Phi không có vắc xin và các nguồn lực để chống lại COVID-19 như ở châu Âu và Mỹ, nhưng bằng cách nào đó, họ có vẻ đang làm tốt hơn”.

Dưới 6% người dân ở châu Phi được tiêm chủng. Trong nhiều tháng, WHO đã đánh giá châu Phi là một trong những khu vực ít bị ảnh hưởng nhất trên thế giới trong các báo cáo đại dịch hằng tuần.

Giới chuyên môn cho biết, dân số trẻ hơn - độ tuổi trung bình là 20 so với khoảng 43 ở Tây Âu, tỷ lệ đô thị hóa thấp hơn và xu hướng dành thời gian ở ngoài trời, có thể đã giúp châu Phi tránh được tác động gây chết người của virus SARS-CoV-2. Các nghiên cứu khác đang xem xét liệu có những giải thích khác, bao gồm cả di truyền hoặc quá khứ nhiễm các bệnh ký sinh trùng hay không.

Các nhà khoa học làm việc tại Uganda nhận thấy những bệnh nhân COVID-19 từng bị sốt rét ít có nguy cơ trở nặng hoặc tử vong hơn những người khác.

Jane Achan, cố vấn cấp cao tại Hiệp hội Sốt rét, cho rằng, việc nhiễm sốt rét trong quá khứ có thể giảm nguy cơ hệ miễn dịch hoạt động quá mức, gây hại cho cơ thể khi một người mắc COVID-19.

Nhà nghiên cứu Christian Happi, Đại học Redeemer (Nigeria), cho biết các nhà chức trách đã quen với việc kiềm chế dịch bùng phát ngay cả khi không có vắc xin và đánh giá cao mạng lưới rộng lớn của y tế cộng đồng.

“Mọi chuyện không phải lúc nào cũng phụ thuộc bạn có bao nhiêu tiền hay bệnh viện hiện đại ra sao”, ông Happi nói.

Trong những tháng qua, COVID-19 đã tấn công Nam Phi và ước tính giết chết hơn 89.000 người - số ca tử vong nhiều nhất ở châu Phi. Nhưng dữ liệu của WHO cho thấy số ca tử vong ở châu Phi chỉ chiếm 3% tổng số ca tử vong toàn cầu. Trong khi đó, tỷ lệ ở châu Mỹ và châu Âu lần lượt là 46% và 29%.

Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi, ghi nhận gần 3.000 ca tử vong vì COVID-19 trong số 200 triệu dân. Đó là số người mất vì căn bệnh này ở Mỹ trong vòng 2-3 ngày.

Con số thấp khiến những người Nigeria như Opemipo Are, 23 tuổi, cảm thấy nhẹ nhõm. “Người ta nói rằng sẽ có xác chết trên đường phố nhưng không có gì như vậy xảy ra cả”, cô nói.

Các nhà chức trách Nigeria đã bắt đầu một chiến dịch hướng đến mục tiêu tiêm vắc xin COVID-19 cho một nửa dân số trước tháng 2.

Salim Abdool Karim, nhà dịch tễ học tại Đại học KwaZulu-Natal của Nam Phi, nhận định: “Chúng ta cần phải tiêm cho tất cả mọi người để chuẩn bị cho đợt dịch tiếp theo”.

Ở Zimbabwe, các bác sĩ thấy may mắn vì khoảng nghỉ giữa dịch COVID-19 nhưng sợ rằng điều đó chỉ là tạm thời.

“Mọi người nên hết sức cảnh giác. Sự tự mãn là thứ sẽ tiêu diệt chúng ta bởi vì chúng ta có thể bị tấn công mà không biết”, Tiến sĩ Johannes Marisa, Chủ tịch Hiệp hội Y tế và Nha khoa tư nhân của Zimbabwe, cảnh báo. Ông lo ngại rằng một đợt COVID-19 khác sẽ tấn công Zimbabwe vào tháng tới.

Theo AN YÊN (Vietnamnet)