Châu Phi biến thách thức thành cơ hội

02/02/2023 - 08:31

Theo một kết quả khảo sát được Ngân hàng đầu tư châu Âu (EIB) công bố, biến đổi khí hậu đang tác động trực tiếp và tiêu cực đến cuộc sống hằng ngày của 88% dân số châu Phi. Châu lục này đối mặt với những thách thức do các tác động của biến đổi khí hậu, với các cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng.

Ảnh minh họa. (Ảnh: WMO/Cornel Vermaak)

Tuy nhiên, các nước châu Phi có thể tận dụng những lợi thế để biến những thách thức kinh tế và môi trường mới nổi thành cơ hội bằng cách thiết lập quan hệ đối tác mạnh mẽ và các chiến lược đổi mới.

Kết quả khảo sát cho thấy, với 61% số người dân châu Phi được hỏi cho rằng thu nhập của họ bị ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu. Những tổn thất này thường là do hạn hán nghiêm trọng, mực nước biển dâng cao, xói mòn bờ biển hoặc các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như bão lụt.

Hơn một nửa số người châu Phi được hỏi (57%) cho biết, họ hoặc những người quen đã thực hiện một số hành động để thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu, trong đó có đầu tư vào các công nghệ tiết kiệm nước để giảm tác động của hạn hán.

Trong khi đó, hơn 34% tổng số người tham gia khảo sát cho rằng, biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất mà người dân ở đất nước họ đang phải đối mặt, bên cạnh những thách thức lớn khác như lạm phát hoặc khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Phát triển năng lượng tái tạo, vốn rất tiềm năng đối với châu Phi, được cho là một trong những chìa khóa tháo gỡ các vấn đề do biến đổi khí hậu gây ra. Khi được hỏi về các nguồn năng lượng mà đất nước họ nên đầu tư, 76% người châu Phi được hỏi cho rằng, năng lượng tái tạo nên được ưu tiên.

Phát triển năng lượng tái tạo, vốn rất tiềm năng đối với châu Phi, được cho là một trong những chìa khóa tháo gỡ các vấn đề do biến đổi khí hậu gây ra.

Quyền Thư ký điều hành của Ủy ban Kinh tế châu Phi của Liên hợp quốc (UNECA), ông Antonio Pedro (A.Pê-đrô) cho rằng, để ứng phó các cuộc khủng hoảng, châu Phi cần đạt tiến bộ công nghệ và số hóa nền kinh tế, đổi mới để quản lý các thách thức.

Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) được tổ chức hồi cuối năm ngoái ở Ai Cập đã mang đến những cơ hội đầu tư mới ở châu Phi để tạo thị trường tín dụng carbon, triển khai năng lượng tái tạo và tìm giải pháp chuyển đổi năng lượng.

Nhà kinh tế trưởng kiêm Trưởng nhóm Chiến lược, Phân tích và Nghiên cứu về châu Phi của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), ông Raymond Gilpin (R.Gin-pin) cho rằng, châu Phi cần hơn 100 tỷ USD mỗi năm đến năm 2030 để đạt tiến bộ trong giảm và thích ứng biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, các nguồn tài chính được rót vào châu Phi đã không đáp ứng được nhu cầu thích ứng và giảm tình trạng biến đổi khí hậu của châu lục này.

Theo Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB), tỷ trọng tài chính dành cho châu Phi trong tổng nguồn tài chính khí hậu toàn cầu chỉ tăng trung bình 3 điểm phần trăm giai đoạn 2010-2019, từ 23% (48 tỷ USD) lên 26% (73 tỷ USD). AfDB nhấn mạnh sự cần thiết phải có thêm các biện pháp cụ thể để thu hẹp khoảng cách tài chính khí hậu hằng năm của châu Phi, giữa lúc các nguồn lực cần thiết để đáp ứng các mục tiêu Ðóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của châu Phi có thể lên tới 118,2-145,5 tỷ USD mỗi năm đến năm 2030.

Ông Gilpin đánh giá rằng, các giải pháp khí hậu thông minh là chìa khóa để châu Phi vượt qua các tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với các thách thức. Giải pháp khí hậu thông minh là ưu tiên hàng đầu của lục địa này nhằm chống lại các mối đe dọa nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.

Theo ông Gilpin, giải pháp này cũng cần các nguồn đầu tư đáng kể. Ông kêu gọi áp dụng mô hình hợp tác công-tư trong các dự án liên quan khí hậu ở châu Phi, cũng như mở rộng các nguồn hỗ trợ tài chính để cung cấp các quỹ cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu hành động vì khí hậu của châu Phi.

Theo THANH VÂN (Nhân Dân)