Châu Thành nỗ lực giảm nghèo bền vững

18/01/2024 - 05:33

 - Thời gian qua, huyện Châu Thành (tỉnh An Giang) khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo nỗ lực vươn lên. Qua đó, tỷ lệ hộ nghèo của địa phương giảm dần, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng nâng cao, kinh tế - xã hội phát triển.

Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Châu Thành Huỳnh Văn Thức cho biết, xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, huyện Châu Thành đề ra nhiệm vụ, giải pháp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống Nhân dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, tránh tái nghèo.

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền sâu rộng các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác giảm nghèo, với hình thức và nội dung ngày càng phong phú, nhằm nâng cao nhận thức, từng bước phát huy ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân.

Tổng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo trong giai đoạn 2021 - 2023 hơn 4,5 tỷ đồng, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện chương trình…

Trao nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo

Hàng năm, các xã, thị trấn đều tiến hành điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo, phân tích nguyên nhân dẫn đến hoàn cảnh khó khăn của các nhóm đối tượng, đưa ra những giải pháp và chính sách hỗ trợ sát thực, phù hợp, hiệu quả. Phòng LĐ-TB&XH phối hợp các ngành liên quan khảo sát nhu cầu học nghề ở các địa phương và nhu cầu lao động của các doanh nghiệp để mở những lớp dạy nghề phù hợp.

Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với phục vụ sản xuất nông nghiệp, nghề truyền thống, nghề mới. Đồng thời, có chế độ khuyến khích, động viên người học nhằm từng bước nâng cao trình độ tay nghề, phục vụ tốt cho thị trường lao động. Năm qua, huyện đào tạo nghề cho 2.135 lao động nông thôn (đạt 177,91% so kế hoạch); giải quyết việc làm cho trên 9.360 lao động (đạt 156,12%); có 75 lao động đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng lao động (đạt 125%).

Huyện Châu Thành thực hiện đồng bộ các chính sách về vay vốn, giúp người dân dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Các ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương tích cực hỗ trợ người dân áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi.

Từ những kiến thức được trang bị tại các lớp dạy nghề, tập huấn cùng với các nguồn vốn vay, nhiều mô hình phát triển kinh tế được triển khai hiệu quả, giúp các gia đình có hoàn cảnh khó khăn dần ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Nhiều hộ nghèo, mới thoát nghèo, cận nghèo được hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập, tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin... Qua đó, góp phần tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, tăng thu nhập của người dân gắn với xây dựng nông thôn mới.

Những năm qua, UBMTTQVN các cấp trên địa bàn huyện huy động hiệu quả nguồn lực chăm lo đời sống vật chất cho hộ nghèo, cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, với phương châm “Công khai, minh bạch, kịp thời và đúng đối tượng”, trên tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Năm 2023, huyện Châu Thành vận động và tiếp nhận Quỹ “Vì người nghèo” trên 22,8 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí vận động, huyện Châu Thành cất mới, sửa chữa trên 210 căn nhà Đại đoàn kết; hỗ trợ học hành trên 2.530 học sinh; thăm hỏi, tặng quà cho trên 12.530 lượt hộ nghèo; hỗ trợ khó khăn đột xuất cho trên 18.680 trường hợp…

Thời gian tới, huyện Châu Thành tiếp tục đặt mục tiêu giảm nghèo bền vững theo phương pháp tiếp cận đa chiều, hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo. Đồng thời, tập trung quán triệt, tuyên truyền, triển khai đến người dân (nhất là hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo) về chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững, để họ hiểu, đồng tình tham gia.

Bên cạnh đó, triển khai sâu rộng và thiết thực phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”; duy trì, nhân rộng mô hình thoát nghèo hiệu quả; hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi; đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Ngoài ra, triển khai sâu rộng phong trào thi đua yêu nước, chăm lo người nghèo và đối tượng yếu thế trong xã hội…

TRUNG HIẾU