Chủ tọa hội nghị
Các đại biểu tham dự hội nghị
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang phát biểu chào mừng hội nghị
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang phát biểu khai mạc hội nghị
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh báo cáo đề dẫn hội nghị
Thường trực HĐND tỉnh An Giang trao cờ đăng cai tổ chức Hội nghị Thường trực HĐND tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 2, nhiệm kỳ 2021 - 2026 cho Thường trực HĐND tỉnh Tiền Giang
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn trao 100 triệu đồng hỗ trợ Quỹ Khuyến học tỉnh An Giang
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình, cùng lãnh đạo các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã tham dự hội nghị.
Phát biểu chào mừng hội nghị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang cho biết, những năm qua, An Giang không ngừng đổi mới, phát huy lợi thế, tiềm năng của địa phương, đưa kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển khá toàn diện. Năm 2021, dù đại dịch COVID-19 bùng phát, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống xã hội, nhưng tỉnh đã triển khai kịp thời, đồng bộ các giải pháp đưa kinh tế - xã hội phát triển. Từ những thành tựu đạt được, ngoài sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân, có sự đóng góp rất lớn của HĐND tỉnh trong việc xem xét, ban hành và giám sát thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, phân bổ, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo tồn các giá trị lịch sử - văn hóa dân tộc.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Văn Nưng nhấn mạnh, trước yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, đòi hỏi HĐND các địa phương phải không ngừng tự đổi mới, tiếp tục có nhiều giải pháp nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động. Do đó, Ban Tổ chức hội nghị mong muốn, thông qua hội nghị, Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ chia sẻ, trao đổi nhiều kinh nghiệm thực tiễn phong phú, quý báu để hoạt động của cơ quan dân cử ngày càng tốt hơn, khẳng định vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
Phát biểu đề dẫn tại hội nghị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, qua theo dõi tình hình hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 cho thấy hầu hết các địa phương đã chủ động hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được pháp luật quy định và đã đạt được kết quả khá toàn diện trên nhiều mặt, đã phối hợp với UBND, UBMTTQVN cùng cấp đưa ra nhiều chính sách, biện pháp vừa phòng, chống dịch vừa đảm bảo phát triển kinh tế, an sinh xã hội ở địa phương.
Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố đã thực hiện tốt vai trò điều hòa hoạt động các Ban HĐND và Tổ đại biểu HĐND; duy trì tốt các phiên họp Thường trực HĐND định kỳ hàng tháng. Có nhiều địa phương đã ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ đại biểu khai thác tài liệu, phát huy hiệu quả của phần mềm kỳ họp không giấy, tăng cường làm việc trực tuyến, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về các hoạt động của HĐND trên các phương tiện truyền thông để tạo cầu nối giữa cơ quan dân cử và cử tri.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của HĐND cấp tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Tình trạng gửi tài liệu chậm từ phía các cơ quan soạn thảo đã ảnh hưởng đến chất lượng kỳ họp, ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng thẩm tra; hoạt động giám sát, chất vấn ở một số nơi còn hình thức, chất lượng các câu hỏi chất vấn và trả lời chất vấn chưa phản ánh đúng tính chất của hoạt động chất vấn. Việc thực hiện cam kết sau chất vấn và kết luận sau giám sát của một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế…
Theo đó, tại hội nghị, đại diện thường trực HĐND các tỉnh, thành phố đã trình bày các tham luận với các nội dung: Kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Thường trực HĐND TP. Cần Thơ; kinh nghiệm và kết quả bước đầu thực hiện Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh khóa X (nhiệm kỳ 2021-2026); kinh nghiệm và giải pháp trong hoạt động tổ chức phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh Đồng Tháp; đổi mới hình thức thảo luận văn bản trình ký họp thường kỳ của HĐND tỉnh Cà Mau; thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của Thường trực HĐND tỉnh Bình Phước.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao công tác chuẩn bị Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ nhất và ghi nhận những ý kiến phát biểu tại hội nghị. Đồng thời, đề nghị, HĐND các tỉnh, thành phố luôn bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng, Nghị quyết Quốc hội, Chính phủ, Nghị quyết đảng bộ tỉnh, thành phố và pháp luật của nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ. Theo đó, HĐND các cấp cần chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động, nhất là định hướng chương trình xây dựng Nghị quyết của HĐND trong nhiệm kỳ, ban hành Nghị quyết về chương trình xây dựng nghị quyết và giám sát hàng năm, cũng như đề xuất với cấp ủy các nội dung, giải pháp thực hiện nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, cần coi trong công tác tuyên truyền, hoạt động tuyên truyền thực hiện thông qua các phiên thảo luận tại hội trường, các phiên chất vấn, tiến tới thực hiện hoạt động phát thanh, truyền hình trực tiếp đối với các phiên giải trình của Thường trực HĐND. Đối với nguồn lực thực hiện nhiệm vụ cần bố trí đủ, đáp ứng yêu cầu để triển khai hoạt động hiệu quả các hoạt động của HĐND. Mỗi vị đại biểu HĐND không ngừng nâng cao trình độ, tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng hoạt động, gắn bó mật thiết với cử tri, nhân dân.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, các địa phương trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh tăng cường hơn nữa sự liên kết phát triển vùng, hợp tác giữa các địa phương; phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp; cải cách hành chính, xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch...sớm cụ thể hóa, huy động tổng thể các nguồn lực để triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả…
MỸ LINH – TRUNG HIẾU