Chiều 28/7/2023, tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Công an và Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh tổ chức Lễ phát động hưởng ứng “Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7” với chủ đề “Mở rộng vòng tay tới nạn nhân mua bán người để không ai bị bỏ lại phía sau” nhằm góp phần khẳng định cam kết của Chính phủ và nhân dân Việt Nam quyết tâm ngăn chặn nạn mua bán người. Ảnh: Thanh Vân/TTXVN
Tin vào lời hứa hẹn của người phụ nữ cùng làng về một công việc thu nhập cao ở thủ đô, Maria, 15 tuổi, bán bánh mỳ tại một làng quê nghèo ở Mỹ Latinh, đã bị lừa bán vào nhà chứa và ép buộc hoạt động mại dâm. Peter, 25 tuổi, và Kevin, 19 tuổi, hai thanh niên vô gia cư trên đường phố của một đất nước Bắc Âu, bị người lạ mặt tiếp cận và dụ dỗ ra nước ngoài làm việc nhưng sau đó bị bóc lột lao động và đối xử tàn tệ. Adenike, 15 tuổi, thợ cắt tóc ở Tây Phi, bị chính bạn trai của mình lừa bán cho một nhóm đối tượng môi giới di cư, để rồi bị ép hành nghề mại dâm và phải trả 5.000 USD cho những kẻ buôn người để mua sự tự do của bản thân. Đây chỉ là 3 trong số rất nhiều câu chuyện về những nạn nhân của nạn mua bán người trên thế giới, những người may mắn thoát khỏi tình cảnh mà họ gọi là “địa ngục trần gian”.
Những câu chuyện trên cho thấy nạn mua bán người đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ, với nhiều hình thức khác nhau và thủ đoạn ngày càng tinh vi. Đối tượng buôn người có thể là người lạ, nhưng cũng có thể là người có quen biết với nạn nhân. Hoạt động buôn bán người xảy ra ở gần như mọi quốc gia trên thế giới, dù là nước giàu hay nước nghèo, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, xâm hại đến những quyền cơ bản nhất của con người và làm ảnh hưởng trực tiếp đến an sinh xã hội. Xung đột, bất ổn chính trị, nghèo đói, thiếu cơ hội giáo dục, biến đổi khí hậu… đều có thể là lý do khiến nhiều người rơi vào cạm bẫy của các đối tượng buôn người và bị biến thành “nô lệ thời hiện đại”. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 gây ra những tác hại về kinh tế, ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của người dân, đặc biệt là nhóm người có thu nhập trung bình và, làm tăng nguy cơ phụ nữ, trẻ em bị lừa gạt mua bán và đưa trái phép ra nước ngoài. Mua bán người được Liên hợp quốc (LHQ) xác định là một trong 4 loại tội phạm nguy hiểm nhất hiện nay, có nguồn thu bất chính cao chỉ đứng sau tội phạm ma túy và buôn bán vũ khí, cụ thể là khoảng 150 tỷ USD mỗi năm.
LHQ ước tính mỗi năm trên thế giới có khoảng 800.000 đến 1 triệu người bị mua bán, tức là khoảng 3.000 người bị mua bán mỗi ngày. Có khoảng gần 25 triệu nạn nhân của nạn mua bán người trên khắp thế giới, trong đó có lao động cưỡng bức, nô lệ tình dục, buôn bán nội tạng, bắt cóc... Trong số nạn nhân được phát hiện, gần một nửa là phụ nữ và gần 20% là trẻ em gái. Hơn 150 quốc gia ở tất cả các châu lục đang phải đối mặt với loại hình tội phạm mua bán người.
Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người (30/7) năm 2023, LHQ phát động chiến dịch "Trái tim xanh" với chủ đề “Mở rộng vòng tay tới nạn nhân mua bán người để không ai bị bỏ lại phía sau”. Thông điệp của LHQ bày tỏ tình đoàn kết với các nạn nhân của nạn buôn người, đồng thời cũng làm nổi bật sự lạnh lùng, nhẫn tâm của những kẻ buôn bán ngay chính đồng loại của mình, qua đó thể hiện cam kết của LHQ trong việc chống lại hình vi tội ác xâm phạm nhân phẩm này.
Những năm gần đây, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, số lượng nạn nhân bị mua bán được phát hiện trên toàn cầu giảm xuống, đặc biệt là ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Năm 2020, tỷ lệ phát hiện, điều tra, truy tố các vụ án mua bán người đã giảm 11%, trong khi tỷ lệ kết án giảm 27%. Điều này cho thấy hoạt động tư pháp hình sự của các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển, đối phó với nạn buôn bán người gần đây chưa thực sự được triển khai hiệu quả. Trong khi đó, tội phạm mua bán người thường hoạt động dưới các băng đảng thông qua các mối quan hệ phức tạp ở nhiều quốc gia, với những thủ đoạn tinh vi, thậm chí được che đậy dưới vỏ bọc là tình nguyện viên trong các trại tị nạn, các cơ sở y tế tư nhân, các doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và thông qua các nền tảng kỹ thuật số để tiếp cận, dụ dỗ, bắt cóc nạn nhân. Bên cạnh đó, nạn nhân của nạn buôn người khi được giải cứu trở về thường chịu nhiều tổn thất về tinh thần, khó hòa nhập xã hội và đối mặt với sự kỳ thị, xa lánh của người thân và xã hội.
LHQ nhấn mạnh trong bối cảnh buôn bán người đang có xu hướng diễn biến phức tạp như hiện nay, việc “bỏ mặc” các nạn nhân, không hỗ trợ những người sống sót sau khi họ thoát khỏi những kẻ buôn người, đồng nghĩa với thế giới sẽ không thể chấm dứt hành vi bóc lột buôn bán người. Trong các vụ mua bán người, nạn nhân là trung tâm, do đó, việc xác minh, giải cứu, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán là yếu tố quan trọng hàng đầu.
Hiện nay, Công ước LHQ về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia được thông qua tháng 11/2000 là công cụ ràng buộc về pháp lý toàn cầu duy nhất chống lại nạn mua bán người. Các thể chế đa phương toàn cầu cũng thúc đẩy và triển khai nhiều sáng kiến hiệu quả phòng chống nạn buôn người, như sáng kiến chung của Liên minh châu Âu (EU) và Văn phòng LHQ về chống ma túy và tội phạm (UNODC) mang tên Hành động toàn cầu phòng, chống mua bán người cũng như người di cư ở châu Á và Trung Đông. Công ước của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (ACTIP) được các nhà lãnh đạo ASEAN ký kết ngày 21/11/2015 tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 27 tại Kuala Lumpur - Malaysia. Tính tới thời điểm hiện nay đã có ít nhất 9 quốc gia thành viên ASEAN phê chuẩn ACTIP. Đây là công ước ràng buộc tầm khu vực duy nhất về mua bán người bên ngoài châu Âu.
Theo giới chuyên gia, để đấu tranh hiệu quả với tội phạm mua bán người, các quốc gia cần cải thiện nỗ lực thực hiện Nghị định thư về phòng, chống buôn bán người của Công ước LHQ về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, bao gồm tăng cường các khuôn khổ quốc gia để xác định và bảo vệ nạn nhân của nạn buôn người, đặc biệt là trong thời kỳ khủng hoảng. Ngoài ra, tội phạm mua bán người mang tính chất xuyên biên giới quốc gia nên các quốc gia cần phải có sự hợp tác, phối hợp cả song phương và đa phương để ngăn ngừa những hành vi phạm tội. Mặt khác, các quốc gia cũng cần tăng cường chính sách hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân, cung cấp tư vấn tâm lý, hỗ trợ tạo việc làm, để giúp họ ổn định cuộc sống. Cam kết và hành động quyết liệt của cộng đồng quốc tế phòng, chống nạn buôn người cần đi kèm với sự cảm thông, thấu hiểu, hỗ trợ và bảo vệ mọi nạn nhân, để “không ai bị bỏ lại phía sau” theo đúng tinh thần chủ đề của Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người năm nay.
Theo TTXVN