Chính phủ Hàn Quốc thực hiện các hành động pháp lý đầu tiên xử lý khủng hoảng y tế

28/02/2024 - 09:19

Chính phủ Hàn Quốc ngày 27/2 đã thực hiện các hành động pháp lý đầu tiên nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng y tế theo hướng không nhượng bộ đối với làn sóng nghỉ việc tập thể của các bác sĩ.

Chú thích ảnh

Các bác sĩ tham gia đình công phản đối kế hoạch tuyển thêm sinh viên y khoa tại Yongsan, Hàn Quốc, ngày 25/2/2024. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Bộ Y tế Hàn Quốc đã đệ đơn kiện 5 bác sĩ thuộc Hiệp hội y khoa Hàn Quốc (KMA), tổ chức nghề nghiệp lớn nhất của các bác sĩ. Nhóm các bác sĩ trên bị cáo buộc vi phạm luật y tế và cản trở hoạt động nghiệp vụ. Đây là bước đi đầu tiên của chính phủ Hàn Quốc nhằm xử lý cuộc khủng hoảng y tế quốc gia sau khi hàng nghìn bác sĩ tập sự trên toàn quốc đồng loạt nghỉ việc để phản đối kế hoạch của chính phủ tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y thêm 2.000 người. 

Đến nay làn sóng nghỉ việc tập thể đã kéo dài 8 ngày, gây gián đoạn dịch vụ y tế ở nhiều khu vực trên toàn quốc. Chính phủ Hàn Quốc cũng đã đưa ra "tối hậu thư" yêu cầu các bác sĩ tập sự trở lại làm việc từ ngày 29/2 nếu không muốn đối mặt với những hậu quả pháp lý bao gồm cả việc đình chỉ giấy phép hành nghề.

Dự kiến trong tuần này, Bộ Y tế Hàn Quốc sẽ tiến hành lấy danh sách các bác sĩ tập sự đã rời khỏi nơi làm việc tại 50 bệnh viện có số lượng bác sĩ nội trú đông nhất. Bộ trưởng Y tế kiêm Phó chủ tịch Ủy ban phòng chống tai nạn và quản lý an toàn trung ương Cho Kyoo-hong đã yêu cầu bác sĩ trẻ quay trở lại làm việc. Kể từ đầu tháng 3, những bác sĩ không quay lại nơi làm việc sẽ bị đình chỉ giấy phép hành nghề và bị xử lý theo luật liên quan.

Nhằm đối phó với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực tại các bệnh viện, Chính phủ Hàn Quốc ngày 27/2 cũng bắt đầu thí điểm chỉ định y tá làm thay cho nghiệp vụ của các bác sĩ nội trú tại bệnh viện lớn. Ủy ban phòng chống tai nạn và quản lý an toàn trung ương cùng ngày đã triệu tập phiên họp để thảo luận việc xây dựng "Luật về trường hợp đặc biệt khi xử lý sự cố y tế", trong đó miễn truy tố với nhân viên y tế gây ra sự cố y tế nếu người đó tham gia bảo hiểm trách nhiệm.

Bộ trưởng Y tế Cho Kyoo-hong khẳng định các vụ kiện liên quan tới tranh chấp y tế làm gia tăng gánh nặng cho cả bệnh nhân và nhân viên y tế. Ông Cho cho biết Chính phủ Hàn Quốc cũng sẽ tiến hành sửa đổi Luật giảm nhẹ thiệt hại do sự cố y tế và hòa giải tranh chấp y tế, bắt buộc nhân viên y tế tham gia bảo hiểm trách nhiệm. Bộ Y tế sẽ tiến hành trưng cầu ý kiến về hai dự luật vào ngày 29/2 tới.

Ủy ban cũng đang tiến hành điều tra chung với các ban ngành hữu quan, liên quan tới trường hợp một bệnh nhân ngoài 80 tuổi tử vong do ngừng tim sau khi bị 7 trung tâm cấp cứu tại thành phố Daejeon từ chối tiếp nhận hôm 23/2 vừa qua. Cơ quan này sẽ lập và khởi động nhóm ứng phó nhanh để thực thi các biện pháp nhanh chóng khi xảy ra hậu quả y tế nghiêm trọng.

Theo TTXVN