Chợ chiều 30 Tết

11/02/2021 - 17:31

 - Đó là khoảng thời gian vắng dần sự ồn ã tất bật, là những giờ phút ít ỏi còn lại để hoàn tất quá trình mua sắm Tết, là những cuộc mua bán “vừa nhanh vừa rẻ” kèm theo tiếng chặc lưỡi của người bán: “Thôi, xả hàng cho kịp về quê ăn Tết”. Sẽ chẳng có chợ chiều nào khắc sâu vào tâm khảm người ta đến vậy!

Tại chợ hoa xuân bờ kè đường Bùi Văn Danh (phường Mỹ Xuyên. TP. Long Xuyên, An Giang), đầu giờ chiều 30 Tết, dòng người chen nhau đi chợ ngày cuối năm. Mọi người tranh thủ mua hoa, cây kiểng về trang hoàng nhà cửa, khi chỉ còn vài giờ nữa là đến giao thừa. Đây cũng là mùa Tết đầu tiên người dân “sống chung với dịch”. Người dân nâng cao ý thức bảo vệ sức khoẻ bản thân, phòng ngừa bệnh bằng cách đeo khẩu trang nơi công cộng.

Một gian hàng bán dưa hấu ở đường Hai Bà Trưng (phường Mỹ Long); với giá 5.000 đồng/kg, người bán đã cân hàng trăm trái dưa hấu vào bọc nylon sẵn, hy vọng bán được càng nhiều càng tốt trước khi đến “giờ G”.

Một người đàn ông đang cẩn thận chọn lựa từng trái dưa. Ông bảo, nhà neo người, lại phải làm thuê đến hôm nay mới được nghỉ, nên ông tranh thủ mua ít trái về “ăn Tết”. Dưa nhỏ, nhưng giá cả phù hợp, ngọt miệng, đủ cho gia đình ông có mấy ngày Tết ấm cúng.

“Chợ mai cành” ở công trường Trưng Nữ Vương đã trở thành ký ức khó quên của người dân Long Xuyên. Những cành mai được chiết tỉa xinh xắn, to nhỏ khác nhau tuỳ theo thị hiếu khách hàng. Đến 15 giờ, chợ chỉ còn thưa thớt vài người bán, mỗi người cũng chỉ còn vài cành mai. Không khí mua bán không sôi nổi như chợ hoa xuân, nhưng lại có nét thi vị rất riêng.

Tâm lý chung của người mua lẫn người bán chiều 30 Tết là “tranh thủ được nhiêu hay bấy nhiêu”. Khách cứ tranh thủ mua, còn người bán cứ tranh thủ dọn dẹp gian hàng, việc ai nấy làm.

Những sạp hàng “chồm hổm” ở chợ Mỹ Long cũng vơi dần, chỉ còn lèo tèo vài món. Vậy mới thấy chợ chiều 30 đặc biệt đến mức nào: càng còn ít hàng, càng vui trong bụng.

Đây là khoảng thời gian làm việc tất bật của các xe tải, khi phải tranh thủ vận chuyển cây kiểng to để trả lại mặt bằng cho địa phương. Mặt hàng hoa kiểng tạo ra áp lực “bán chạy Tết”, thì cây kiểng lại không. Người bán đủng đỉnh đem hàng đến trưng bày, bán hết thì tốt, nếu không lại đủng đỉnh chở về, “hẹn lại mùa sau”.

Một chủ gian hàng chia sẻ, anh chở về 6 gốc mai “khủng”, giá hàng chục triệu đồng từ Long An. Bán suốt mấy ngày giáp Tết, chiều nay anh vẫn còn… 6 gốc y cũ. “Dịch bệnh ảnh hưởng sức mua hàng của người dân rõ rệt. Ai đi ngang cũng tấm tắc khen mai đẹp, nhưng không ai chịu bỏ tiền ra mua. Giờ này tôi hết hy vọng bán được rồi, đành phải chở về chăm sóc, hy vọng năm sau sẽ ổn hơn” – anh bày tỏ.

Ở đoạn sông cầu Hoàng Diệu và cầu Duy Tân, ghe lớn ghe nhỏ đậu cặp mé, người lên xuống không ngớt. Mấy hôm trước, họ tấp nập đem hàng lên bờ, buôn bán luôn tay. Đến 16 giờ chiều nay, họ lại lặng lẽ đem hàng còn tồn chất ngược lên ghe. Cũng cực như hôm trước, nhưng thoảng chút buồn…

Trong khi đó, các sạp bán trầu cau lại bắt đầu vào cao điểm. Miếng trầu, quả cau quyện vào nhau tạo thành một màu đỏ tươi thắm, biểu hiện cho sự sum họp, may mắn. Theo phong tục cổ truyền, đêm giao thừa và sáng mùng 1 Tết, cúng trầu cau thể hiện lòng thành kính ông bà tổ tiên. Người bán sẽ têm sẵn từng lá trầu, người mua chỉ việc đem về bày lên bàn thờ cúng.

Anh Thái Thanh Tú (24 tuổi, ngụ xã Vĩnh Chánh, Thoại Sơn) thuê mặt bằng mở bãi giữ xe đầu chợ hoa xuân phường Mỹ Xuyên. Anh dặn khách: “Nhớ tranh thủ lấy xe sớm dùm, tôi về quê ăn Tết”. Khi chúng tôi – những vị khách cuối cùng – lấy xe khỏi bãi, anh vội thu dọn đồ đạc, bắt đầu hành trình về với gia đình.

Mọi việc kinh doanh, mua bán sẽ chấm dứt hoạt động trong chiều 30 Tết. Và việc thu gom rác phải được thực hiện dứt điểm trước 17 giờ, để đảm bảo thành phố sạch đẹp trước thời điểm giao thừa. Vì vậy, nhiều công nhân vệ sinh đã có mặt ở khắp các nẻo đường, cần mẫn làm nhiệm vụ của mình.

Chợ chiều 30 Tết đọng lại trong tôi bằng nụ cười hiền của một người chạy xe thuê. Bên cây mai đã nở hoa vàng rực, ông ngóng chờ những vị khách cuối cùng của năm cũ, gửi gắm bao ước nguyện cho cuộc sống, mong gia đình càng đủ đầy, may mắn trong năm mới…

GIA KHÁNH

 

Liên kết hữu ích