Giải pháp toàn diện cho học online
Báo cáo Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh giáo dục và đào tạo là lĩnh vực chịu ảnh hưởng rất nặng nề bởi dịch Covid-19.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tại phiên chất vấn của Quốc hội sáng 11/11. Ảnh: VGP
Kế hoạch năm học bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi theo hướng chỉ còn phần cốt lõi. Gần 20 triệu học sinh, sinh viên không được tới trường trong một thời gian rất dài…
Khẳng định việc chuyển sang dạy học trực tuyến không phải chỉ riêng Việt Nam, Bộ trưởng Sơn cho rằng đây là việc cả thế giới phải làm và cũng không tránh khỏi thách thức.
Đối với Việt Nam, việc học trực tuyến trong điều kiện hạ tầng còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn đã gây ra nhiều hệ lụy và ảnh hưởng tiêu cực. “Học sinh căng thẳng, mệt mỏi, thầy cô cực nhọc và áp lực, phụ huynh bức xúc, xã hội lo lắng. Những chuyện bi hài, những việc đau lòng đã diễn ra khó có thể kể siết...” – ông Sơn nói.
Dù vậy, quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là ngừng tới lớp - không ngừng học tập, toàn ngành giáo dục và đào tạo đã chủ động chuyển trạng thái sang dạy và học ứng phó với dịch bệnh, cố gắng hạn chế những tác động tiêu cực của dịch bệnh, kiên trì theo đuổi mục tiêu chất lượng.
Trên 1,8 triệu học sinh hiện không có bất kỳ thiết bị gì trong tay để học tập, một số học sinh đang dần phải bỏ học. Về thực trạng này, Bộ GD-ĐT, Bộ TT-TT và các địa phương đã tích cực vận động ủng hộ chương trình “Sóng và Máy tính cho em” do Thủ tướng phát động. Toàn ngành đã huy động hỗ trợ được trên 14 vạn thiết bị và trong tháng 11, khoảng trên 5 vạn máy tính sẽ được phân phối.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, một số nơi việc học còn ở mức độ là để "duy trì cảm giác" về học tập, việc đón nhận tư duy trong học tập và được phần nào thì tốt phần đấy.
Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Bộ TT-TT giải quyết được một số vấn đề mang tính cụ thể. Trong số 1919 điểm "lõm sóng" thì chỉ trong vòng 2 tháng, Bộ TT-TT đã giải quyết được 283 điểm, tăng cường ngay và kịp thời.
Đồng thời, thống nhất quan điểm các tập đoàn lớn trong hệ thống bưu chính viễn thông phải tham gia trong một kế hoạch lớn thuộc về chuyển đổi số toàn quốc gia, cần phải đầu tư để hình thành một nền tảng dạy học trực tuyến đồng bộ, đủ lớn và bền vững mang tầm quốc gia.
Với ngành GD-ĐT, Bộ trưởng cho biết, sẽ có những đánh giá sâu hơn và sẽ pháp chế hóa một số các văn bản còn có tính chất hướng dẫn, quy định tạm thời. Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng một kho học liệu, bộ cơ sở dữ liệu đủ lớn để khi có nền tảng thì việc học tập trực tuyến sẽ đảm bảo.
Việc giảm tải chương trình được thực hiện theo hướng xác định những yêu cầu, những nội dung mang tính cốt lõi. Các nội dung kiểm tra, đánh giá cũng chỉ dựa trên chương trình này, không phải là "bê" nguyên chương trình dạy trực tiếp bên ngoài để vào dạy trực tuyến.
Bộ trưởng cũng cho rằng việc rất quan trọng là phải tăng cường hỗ trợ về mặt tâm lý, tư vấn, sức khỏe để tránh sự căng thẳng của học sinh và Bộ cũng đang chuẩn bị các văn bản hướng dẫn, tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ cho phù hợp.
Đồng thời, yêu cầu các nhà trường không được đánh giá ngay kiến thức mà việc đầu tiên phải là giúp các em làm quen với môi trường trường học, học cách tự phòng chống dịch cho bản thân, lấy lại tinh thần, tâm lý thư thái. Tiếp đó phân nhóm học sinh để kịp thời hỗ trợ các nhóm học sinh có sự chênh lệch kiến thức và kỹ năng sau một thời gian dài học trực tuyến.
Như vậy, người đứng đầu ngành giáo dục đã nêu ra chùm giải pháp tổng thể đối với việc dạy và học online trong tình hình dịch Covid-19.
Một gợi ý cho bài toán thiếu giáo viên
Cách đây một năm, chuyện ngôi trường 2 năm không tuyển được giáo viên tiếng Anh ở Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đã thu hút sự quan tâm của độc giả VietNamNet.
Trường THCS Lê Hồng Phong được đầu tư khang trang với 14 lớp học và gần 500 học sinh nhưng chỉ có 2 giáo viên dạy tiếng Anh.
Bà Vương Mỹ Lan, Hiệu trưởng cho hay, 2 giáo viên này đang phải "gánh" khối lượng công việc khá nặng. Nếu theo chỉ tiêu biên chế cho phép của năm học 2019-2020, trường còn thiếu 1 giáo viên nữa. Tuy nhiên, dù đã thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng không có ứng viên nào nộp hồ sơ.
Ngôi trường khang trang nhưng 2 năm không tuyển được giáo viên tiếng Anh
Ngay sau đó, tại TP.HCM, câu chuyện 'Cả năm chỉ tuyển được một giáo viên tiếng Anh mà cuối cùng bỏ nhiệm sở' đã được ông Nguyễn Văn Hiếu – khi đó là Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM chia sẻ trong một buổi làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM vào tháng 7/2020.
“Ví dụ, Quận 11 có nhu cầu tuyển 21 giáo viên tiếng Anh nhưng không có ứng viên dự tuyển, quận Bình Tân thì tuyển được một người nhưng cuối cùng người này bỏ nhiệm sở" – ông Hiếu nói.
Ở quy mô toàn quốc, Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) cho biết, kết thúc học kì 1 năm học 2020-2021, cả nước tăng hơn 6.000 giáo viên so với năm học trước. Trong đó, riêng giáo viên Tin học tăng 1.000 người.
Tuy nhiên, theo ông Tài, nếu theo dõi chung toàn ngành, giáo viên của 2 môn Tin học và Tiếng Anh rất khó tuyển ở một số địa phương. Thậm chí có chỉ tiêu nhưng không tuyển được.
Trong phiên chất vấn sáng ngày 11/11, trước câu hỏi của đại biểu Phạm Thúy Chinh (Hà Giang) băn khoăn về việc thiếu giáo viên Ngoại ngữ và Tin học ở miền núi, ông Sơn chỉ ra thực tế nhiều giáo viên có cơ hội việc làm nên ngại công tác tại vùng sâu, vùng xa, dù đã có nhiều chính sách ưu đãi.
Để khắc phục, Bộ trưởng cho biết, ngành giáo dục đang đặt ra một số giải pháp, trong đó tăng các chỉ tiêu đào tạo cho các trường đại học ở các khu vực và cung cấp nhiều cho nguồn nhân lực của các tỉnh khu vực miền núi.
Đối với các tỉnh thì sẽ tăng cường nhiều hơn nữa các biện pháp đào tạo tại chỗ cũng như thu hút nhân lực.
Đáng chú ý, Bộ trưởng Sơn nhắc đến 1 giải pháp góp phần khắc phục tình trạng này là chuyển đổi số một cách cụ thể. Đó là có thể xây dựng các bài giảng E-learning để học sinh vùng miền núi, dù thiếu giáo viên nhưng có thể học các bài giảng được xây dựng sẵn, học qua Internet… Lúc này, giáo viên chỉ cần chuẩn bị để hướng dẫn, định hướng, kiểm tra, giám sát.
“Trong ứng phó với nguy thì có cơ”
Chắc chắn trong thời gian sắp tới, trường học trong cả nước sẽ từng bước được mở cửa trở lại.
Mặc dù vậy, không thể phủ nhận những lợi thế và xu hướng của dạy học online. Nhờ hình thức này, người học sẽ có nhiều lựa chọn hơn, bình đẳng hơn trong tiếp nhận thông tin. Dù ở bất cứ nơi đâu, mọi người đều có thể tham gia vào những bài giảng miễn là có thiết bị và có thể kết nối internet.
Bài giảng trực tuyến cũng sinh động và đa dạng hơn. Ngoài ra, lợi thế không thể không nhắc đến là sẽ rất tiết kiệm chi phí.
Cần có tinh thần, thái độ xem dạy học trực tuyến là một phần của chuyển đổi số lâu dài
"Việc phát triển đào tạo qua mạng đã được triển khai ở các cấp độ, quy mô, hoạt động trong suốt thời gian vừa qua. Tương lai thế giới cũng đặt ra mô hình đại học ảo, đào tạo từ xa, trực tuyến. Đây là tất yếu mà quá trình chuyển đổi số và công nghệ đào tạo của thế giới hướng đến.
Chắc chắn đó là công việc của tương lai. Những công việc cần chuẩn bị là cơ sở pháp lý, nền tảng, nhân lực và mô hình thí điểm” – Bộ trưởng Sơn nói.
Vì thế, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng với sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thì “trong ứng phó với nguy thì có cơ”.
Khi chuyển đổi trạng thái nền giáo dục từ bình thường sang ứng phó dịch bệnh, từ trực tiếp sang trực tuyến thì đây chính là một cơ hội quan trọng để đổi mới, thay đổi thói quen cũ.
“Chúng ta đang tiến hành đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo theo Nghị quyết 29. Có nhiều việc đã làm được, có những việc dù có dịch hay không thì vẫn quyết tâm làm. Nhưng những vấn đề thói quen, thay đổi, kỹ năng thì nhân dịp này phải chuyển đổi” – ông Sơn nói.
Cũng từ thực tế những lần rà soát, điều chỉnh rút gọn chương trình, ông Sơn cho biết ngành nhận ra rằng đây là dịp để xem xét hệ thống quản trị đối với ngành, từ Bộ cho tới các trường đại học…, để hệ thống đó tăng khả năng ứng phó với mọi trường hợp.
Đặc biệt, người đứng đầu ngành giáo dục cũng cho rằng “Đây cũng là cơ hội để chúng ta thực hiện chuyển đổi số quốc gia”.
“Giáo dục đào tạo, khoa học, công nghệ là những phần rất quan trọng cần phải chuyển đổi số. Về phần mình, Bộ GD-ĐT đã nhìn ra điểm bất cập trong cơ chế, chính sách cần điều chỉnh trong thời gian sắp tới” – ông Sơn khẳng định.
Trong quá trình chuyển đổi, điều mà Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh chính là “con người”.
“Cụ thể là tinh thần, thái độ xem dạy học trực tuyến là một phần của chuyển đổi số lâu dài, một phần của chuyển đổi số quốc gia chứ không chỉ vì dịch bệnh mới ứng dụng".
Với tất cả nội dung trả lời chất vấn tại Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho thấy ông đã nhìn ra những điểm căn cốt và đang xúc tiến cho một chiến lược tổng thể về chuyển đổi số giáo dục ở Việt Nam.
Vấn đề là những giải pháp cụ thể ra sao để công cuộc chuyển đổi số thực sự tạo ra đột phá cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo trong thời gian tới.
Theo PHƯƠNG CHI (Vietnamnet)