Chiều nay (8-6), Bộ TN-MT tổ chức buổi toạ đàm về các điểm mới trong Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi (Luật BVMT).
Trong dự luật này, 50% các nội dung được điều chỉnh, thay đổi để phù hợp với tình hình hiện tại.
Với việc quản lý chất lượng không khí, Bộ TN-MT cho biết đã đưa vào dự thảo luật việc công bố tình trạng khẩn cấp khi chất lượng không khí ở ngưỡng nguy hại.
Thủ tướng sẽ ban hành kế hoạch hành động quốc gia; chỉ đạo tổ chức thực hiện các biện pháp khẩn cấp trong trường hợp chất lượng không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trên phạm vi liên tỉnh, liên vùng.
Chủ tịch UBND các tỉnh phải có biện pháp khẩn cấp trên địa bàn mình quản lý.
Bộ TN-MT chủ trì thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí.
Vụ trưởng Vụ Quản lý chất lượng môi trường Lê Hoài Nam
Vụ trưởng Vụ Quản lý chất lượng môi trường Lê Hoài Nam lý giải, việc ban bố tình trạng biện pháp khẩn cấp căn cứ theo các chỉ số quan trắc về chất lượng không khí tại một thời điểm có tính đến thời gian kéo dài của tình trạng này; các sự cố môi trường hoặc các hình thái cực đoan về môi trường…
Ông Nam cho hay, tại dự thảo Luật BVMT sửa đổi chưa ghi cụ thể các biện pháp, phương án xử lý khi chất lượng không khí ở ngưỡng xấu. Tuy nhiên, dự thảo đã đưa ra những giải pháp có thể thực hiện khi chất lượng không khí cực đoan như: Tạm dừng hoạt động các cơ sở sản xuất; cấm phương tiện giao thông lưu thông khu vực nội đô; điều chỉnh thời gian đi học hoặc cho học sinh nghỉ học trong thời điểm chất lượng không khí nguy hại…
PGS.TS Nghiêm Trung Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ môi trường, ĐH Bách Khoa HN nêu ý kiến, trong trường hợp chất lượng không khí xấu có thể xem xét việc di dời người dân trong trường hợp khẩn cấp, nhẹ hơn thì sẽ cảnh báo người dân không nên ra đường…
Truy nguồn thải từ phương tiện giao thông
Theo Bộ TN-MT, chất lượng không khí tại các đô thị lớn thời gian qua suy giảm nghiêm trọng, có nguyên nhân từ khí thải từ các phương tiện giao thông như ô tô, xe máy.
Thời gian cách ly xã hội do dịch Covid-19, lưu lượng giao thông giảm, chất lượng không khí được cải thiện so với thời điểm cùng kỳ năm 2019.
Sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp khi chất lượng không khí nguy hại
Bộ TN-MT đề xuất, để giảm ô nhiễm không khí, phải cải thiện hoạt động giao thông, bắt đầu từ việc kiểm soát số lượng các phương tiện và sự khí thải của các phương tiện đó.
Chất lượng không khí tại các đô thị lớn của Việt Nam ngày càng suy giảm
Bộ đề xuất phân cấp, phân quyền trong kiểm soát vấn đề giao thông. Cụ thể: UBND cấp tỉnh có đô thị đặc biệt, đô thị loại 1 phải phân luồng giao thông trên cơ sở phân loại các phương tiện giao thông theo loại nhiên liệu sử dụng, tiêu chuẩn khí thải, năm sử dụng để hạn chế ô nhiễm không khí.
Chính phủ ban hành chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích phương tiện giao thông công cộng, phương tiện giao thông cá nhân sử dụng năng lượng điện, nhiên liệu tái tạo.
Có lộ trình loại bỏ các phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch, phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường; ưu đãi, hỗ trợ các hoạt động về bảo vệ môi trường.
Bộ TN-MT ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với khí thải của phương tiện giao thông vận tải, việc kiểm định do Bộ GTVT tích hợp quản lý thông qua hoạt động các cơ quan đăng kiểm.
Nguyên Phó tổng cục trưởng Môi trường TS. Hoàng Dương Tùng cho rằng, đã đến lúc phải thống nhất quản lý về mặt môi trường.
Bộ TN&MT phải quản lý các nguồn thải, trong đó có nguồn thải di động như trong hoạt động giao thông mà nhiều nước đã thực hiện và phát huy hiệu quả. Đây là điều kiện để đảm bảo quyền được sống trong môi trường trong lành của người dân.
Theo THÁI BÌNH (Vietnamnet)