Chợ Tết - Nơi lưu giữ những kỷ niệm tuổi thơ

21/01/2020 - 14:55

Những ngày giáp Tết, trẻ con háo hức nhất là những phiên chợ, mà ở làng tôi, phiên chợ cuối cùng của năm, gọi là chợ Tết.

Chợ làng 5 ngày 2 phiên. Nhưng năm nào chợ Tết cũng họp vào ngày 28 âm lịch, đấy là một trong những ngày vui nhất trong năm, đặc biệt với lũ trẻ.

Chợ Tết quê vô cùng nhộn nhịp. Nông sản bày bán la liệt từ đỗ, lạc, khoai, sắn, gạo nếp, gạo tẻ, lá dong, mo cau,… đến thịt lợn, thịt gà và bao nhiêu thứ hàng hoá khác. Hồi đó còn đốt pháo, tiếng tạch tạch, đì đùng của nó thúc giục lũ trẻ con nhanh chân đến chợ. Thịt lợn ngốn mắt, cá tươi từ dưới ao, gà trong chuồng lông mượt, ức vàng, da đỏ rất hấp dẫn. Nhưng đông nhất vẫn là những bà hàng xén.

Chợ Tết (Tranh: Bản quyền Truyền thông Trăng Đen)

Thôi thì đủ loại, từ quần áo, dép guốc đến cặp tóc, vòng tay, hoa lông gà và trăm thứ linh tinh khác. Trai gái trong làng xúm xít chọn lựa, mua những bộ quần áo may sẵn để mặc Tết, họ cười đùa, hồn nhiên và trong trẻo.

Tụi trẻ con thì chỉ quấn lấy những hàng bán pháo: pháo tép, pháo cối đỏ rực được cuộn tròn trong túi ni lông, có những băng pháo dài hàng mét nhìn rất “khiêu khích” lũ trẻ. Thỉnh thoảng có đứa trẻ đốt quả pháo tép làm cả lũ giật mình cười sảng khoái.

Nhà nào cũng phải cố mua, ít nhất là 2 bánh pháo Bình Đà. Bọn trẻ con thì kiểu gì cũng xin chày cối bằng được vài hào để lên mua mấy quả pháo lẻ, hoặc đoạn pháo tép được cắt ra từ cái cuộn pháo to như cuộn phim chiếu bóng, rồi túm năm tụm ba, bật diêm đốt…xì xì…cái ngòi bắt lửa và ném vào nhau…đoàng! Cả lũ lại chạy tán loạn, vừa bịt ta vừa la hét nhưng lại rất thích thú mấy cái trò đó.

Những bà mẹ thì tất tả với đủ thứ để chuẩn bị cho Tết. Những cái không bao giờ thiếu là lá dong, lá chít để gói bánh chưng, ống giang để chẻ lạt buộc bánh, mo cau để gói giò, hai cây mía để thờ, một con gà cúng Tất niên. Trong cái thúng kẹp nách đi chợ, bao giờ cũng có rau húng, rau thơm, xà lách, ớt tươi và vài quả chanh để bữa trưa ăn… lòng lợn.

Bên cạnh chợ, ở phía sân đình là cái Cửa hàng mậu dịch, đấy là nơi bán hàng Tết. Tôi nhớ hồi bé thường xuyên được U cử đi mua hàng Tết, phần vì lanh lợi, phần vì tôi cũng rất ghê gớm, còn lâu đã chen được với tôi, nên rất được phụ huynh tín nhiệm. Ngày ấy cứ xách cái làn mây lên xếp hàng, có đợt, chờ mấy chục người mới tới lượt mình.

Có năm, đứng xếp hàng muốn chùn cả chân, chưa kịp đến lượt thì có một ông ở làng bên đi xe đạp đến tận cửa quầy, xịch đỗ và chen cái người đang chuẩn bị thò cái sổ gạo ra. Điên tiết, tôi bỏ hàng lao lên bảo: Chú đi xuống xếp hàng đi, không thấy cả làng người ta đứng đợi kia à? Ông kia trừng mắt: Thằng nhãi ranh, bố mày không xếp hàng đấy! Tôi cũng chẳng vừa: Nếu chú không xuống xếp hàng, cháu sẽ đứng ở đây chú không mua được đâu. Vừa nói tôi vừa len vào đứng trước mặt ông ta, thấy vậy, ông ấy mặt đỏ hầm hầm véo tai tôi đau điếng, tôi khóc oà, mồm bù lu bù loa, lúc đấy cả dãy người đang đứng chờ bèn nhao nhao lên chửi, có ông cụ cũng tách hàng lao đến chỉ mặt ông kia chửi một hồi, thế là ông kia bỏ tai tôi ra, lên xe đạp phi đi mất. Tôi nín khóc, trở về hàng, mồm còn lèm bèm chửi. Tôi mang tiếng ghê gớm từ hồi đó.

Ngày ấy, hàng Tết bao gồm một hộp Mứt Tết, gói hạt tiêu, cân đường, một chai rượu Chanh, một chai mắm, một chai dầu, một gói mì chính, một gói chè Thái Nguyên, hai bao thuốc lá Sông Cầu và vài thứ linh tinh khác. Tôi thường nhét hết các thứ phía dưới làn, riêng hộp mứt, bao giờ cũng để bên trên.

Chiếc hộp mứt hình chữ nhật in màu xanh đỏ, bao giờ cũng vẽ cành đào hở hoa tưng bừng ở góc trên, chữ Mứt Tết ở giữa và bên dưới là Chúc mừng năm mới. Cái hộp mứt “thần thánh” ấy là niềm vui tràn trề cả tuổi thơ tôi. Cầm hộp mứt hít hà mùi thơm từ trong túi bóng, nó không chỉ là một thứ ăn được mà nó còn là thứ giá trị trinh thần vô cùng lớn, bởi bàn thờ ngày Tết mà thiếu hộp mứt, thì chưa phải là Tết.

Những tháng ngày tuổi thơ ấy, với những buổi chợ Tết đầy ắp hình ảnh rực rỡ sắc màu và những hương vị, thanh âm rộn ràng ấy còn in đậm mãi trong tim tôi, không thể phai mờ./.

Theo NGÔ BÁ LỰC (VOV)