Chó thả rông là nỗi “ám ảnh” người đi đường
Chó không đeo rọ mõm thả rông đã không còn là “chuyện bây giờ mới kể”. Hầu như từ phố thị đế các vùng nông thôn đều có rất nhiều chó thả rông. Dù pháp luật đã có những quy định cụ thể về việc nuôi, quản lý chó, trách nhiệm của chính quyền địa phương, của người nuôi chó, nghĩa vụ phải tiêm ngừa chó nuôi... nhưng dường như việc quản lý chó nuôi ở các hộ gia đình vẫn chưa được thực hiện nghiêm ngặt. Thậm chí, có nhiều chủ nuôi rất thờ ơ trong việc quản lý chó, cứ để chúng thích chạy đâu thì chạy, hết rượt đuổi nhau ngoài đường lại phóng uế bừa bãi, làm mất vệ sinh môi trường. Không ít trường hợp “đang yên lành” lưu thông trên đường, bị chó ở đâu xông ra hay rượt theo. Để rồi khi có sự cố xảy ra, chủ nuôi chó hối hận đã quá muộn.
Nhiều lần bị chó tông vào khi đang chạy xe trên đường, chị Nguyễn Hoài Thương (30 tuổi, ngụ huyện Châu Thành) còn bị ám ảnh. Hễ chạy xe mà vô tình gặp chó thả rông, chị lại lo sợ, tự mình giảm tốc độ và “tránh” chúng trước khi có sự can thiệp của chủ nuôi. “Có lần đi cùng chồng về quê, đang chạy trên đường nông thôn thì có 1 con chó chạy ra, sủa inh ỏi rồi đâm vào xe của chúng tôi. Cú va chạm khiến vợ, chồng tôi té ngã, tay chân trầy xước. Còn con chó bị đau, nằm kêu la thảm thiết, chủ nuôi chẳng thấy đâu. Cũng may khi ấy chồng tôi chạy chậm, nếu không hậu quả sẽ nghiêm trọng hơn rất nhiều. Chưa hết, mới đây khi đang chạy xe về quê, tôi bị chó rượt cả đoạn dài. Mà có phải tôi làm gì xấu đâu, chỉ là đang chạy trên đường làng, con chó từ đâu đột nhiên sủa rồi rượt theo vô cớ. Lúc đó, chủ của chúng ngồi ngay đấy mà thái độ rất bình thản. Để tôi bực mình la con chó, họ mới chạy ra “lệnh” cho chó của mình ngừng rượt người”- chị Hoài Thương kể.
Đã đến lúc chủ nuôi phải nâng cao nhận thức về nuôi chó cưng, tránh để chúng gây ra tai nạn đáng tiếc cho mọi người. Ngày 5-7-2018, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 1580/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2018 - 2021. Theo đó, chủ nuôi chó phải cam kết nuôi nhốt (xích) giữ chó trong khuôn viên của gia đình. Nếu thả rông chó ra nơi công cộng sẽ bị xử phạt theo Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12-11-2013; không tiêm phòng vaccine phòng bệnh dại cho động vật, bắt buộc phải tiêm phòng... Mục đích nhằm hạn chế tình trạng nuôi chó thả rông như hiện nay, đồng thời nâng cao nhận thức cho người nuôi chó về tính chất nguy hiểm của bệnh dại và phòng ngừa bệnh dại ở động vật.
Tại thị trấn Núi Sập (Thoại Sơn), địa phương đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến người dân nhằm thay đổi nhận thức cũng như tập tục nuôi chó trước đây. Bí thư Đảng ủy thị trấn Núi Sập Nguyễn Ngọc Thơ cho biết: “Tập quán nuôi chó thả rông, đưa chó ra đường không đeo rọ mõm là nỗi sợ hãi cho những người đi đường, gây tai nạn giao thông từ nhẹ đến nghiêm trọng. chó còn phóng uế bừa bãi ra nơi công cộng, ảnh hưởng đến cảnh quan chung và ô nhiễm môi trường là vấn nạn rất phổ biến. Trước tình hình đó, chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, thành lập đoàn bắt chó thả rong trên địa bàn. Theo đó, chó thả rông sau khi bị bắt được mang về Trạm chăn nuôi và thú y địa phương tạm giữ, chờ chủ nuôi đến xử lý trong 48 giờ theo đúng quy định. Ngoài ra, nhân viên chăn nuôi và thú y thị trấn phối hợp các ấp tiến hành rà soát số hộ có nuôi chó trên địa bàn, cho chủ nuôi chó ký cam kết về việc khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại”.
Theo đó, các chủ nuôi chó trên địa bàn thị trấn Núi Sập phải khai báo việc nuôi chó với nhân viên thú y thị trấn, đăng ký tiêm phòng chó nuôi 100%. Nuôi và xích chó trong khuôn viên nhà, không cho chạy rông ngoài đường. Đồng thời, chủ nuôi thường xuyên theo dõi vật nuôi, khi phát hiện có gì bất thường phải báo lại cho nhân viên thú y, không được vận chuyển và bán thịt chó nuôi khi nghi ngờ bệnh dại. Sau gần 2 tháng thực hiện, đến nay, địa bàn thị trấn Núi Sập có 264 hộ/315 hộ nuôi chó ký cam kết. Còn 30 hộ không ký cam kết do đi làm ăn xa, chưa về. Chị Trương Minh Trang (nhân viên thú ý thị trấn Núi Sập) cho hay: “Việc xuống tận nhà vận động để người dân ký cam kết là chuyện rất khó khăn. Bởi, có nhiều hộ chúng tôi phải đến vận động nhiều lần họ mới hiểu tác hại của việc nuôi chó thả rông”.
Theo Nghị định số 90/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, tại Điểm a, b, Khoản 2, Điều 7 (vi phạm về phòng bệnh động vật trên cạn) có nêu: phạt tiền từ 600.000 - 800.000 đồng đối với một trong các hành vi như: không tiêm phòng Vaccine phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng; không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng. |
Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN