Tuy nhiên, lực lượng quản lý thị trường còn mỏng, trình độ có lúc chưa đủ khắc chế những thủ đoạn tinh vi của các đối tượng buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng. Những hạn chế nêu trên cần sớm được khắc phục để đáp ứng tốt yêu cầu đặt ra trong kiểm soát hàng hóa, ổn định thị trường.
Đẩy lùi buôn lậu, hàng giả
Theo báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), trong 7 tháng năm 2024, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã phát hiện, xử lý hơn 30 nghìn vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước 338 tỷ đồng. Trị giá hàng hóa tịch thu là 124 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tiêu hủy khoảng 159 tỷ đồng.
Các đơn vị cũng tập trung vào đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng và kiểm soát chặt việc niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết; liên tục kiểm tra các khu vực, địa bàn nổi cộm, các nhóm hàng hóa trọng điểm; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm nhằm ổn định thị trường.
Nhiều vụ việc, vấn đề, mặt hàng “nóng” trên cả nước đã được phát hiện, nhanh chóng xử lý kịp thời, nhằm tạo sự răn đe, phòng ngừa.
Điển hình, những tháng đầu năm, khi thị trường vàng có dấu hiệu đầu cơ, “găm hàng” do giá vàng thế giới tăng nhanh chóng, lực lượng quản lý thị trường cả nước liên tục ra quân kiểm tra.
Đến nay, quản lý thị trường đã kiểm tra hơn 600 vụ việc, xử lý 474 vụ vi phạm liên quan, xử phạt vi phạm hành chính gần 12 tỷ đồng với trị giá hàng hóa vi phạm gần 21 tỷ đồng. Với mặt hàng xăng dầu, 7 tháng năm 2024, quản lý thị trường cũng đã kiểm tra 1.412 vụ, xử lý 277 vụ vi phạm, xử phạt hành chính 8,5 tỷ đồng.
Các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép ma túy, thuốc lá, xăng dầu, khoáng sản, và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý.
Các hành vi vi phạm phổ biến về điều kiện kinh doanh trong mua, bán xăng dầu, chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật,... Vì vậy, tình hình trật tự thị trường trên phạm vi cả nước 7 tháng qua cơ bản được bảo đảm, không xảy ra những điểm nóng, vụ việc nổi cộm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) mới đây, lãnh đạo Chính phủ đã đánh giá cao nỗ lực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của các lực lượng chức năng, tuy nhiên cũng thẳng thắn nhận định công tác xử lý của lực lượng quản lý thị trường có nơi, có lúc chưa thật sự hiệu quả, một số đơn vị vẫn bị động trong việc nắm bắt tình hình…
Đặc biệt, các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép ma túy, thuốc lá, xăng dầu, khoáng sản, và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý.
Do đó, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các lực lượng chức năng quyết liệt hơn, phối hợp tốt hơn trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong đó phải nêu cao vai trò của người đứng đầu; đồng thời, kịp thời phát hiện những lỗ hổng về pháp lý, sai sót trong thực thi công vụ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để phát hiện sớm các vi phạm, nhất là trong bối cảnh thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ.
Siết chặt quản lý thương mại điện tử
Bên cạnh hình thức thương mại trực tiếp, thương mại điện tử đang ngày càng trở nên phổ biến và được nhiều người ưu tiên sử dụng do thuận tiện trong giao dịch, tiết kiệm thời gian, hàng hóa phong phú, giá rẻ.
Tuy nhiên, nếu không có các biện pháp quản lý chặt chẽ, sẽ tạo ra những lỗ hổng để các đối tượng lợi dụng kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng lậu, gây tổn hại cho nền kinh tế.
Theo thống kê của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, thương mại điện tử đang xếp thứ 2 trong 22 nhóm hàng hóa bị người tiêu dùng khiếu nại nhiều nhất do hàng hóa không đúng mô tả, doanh nghiệp giải quyết khiếu nại không thỏa đáng hoặc bị người bán hàng lợi dụng chiếm đoạt tài sản.
Để giải quyết tình trạng nêu trên, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã thường xuyên tăng cường nắm bắt, theo dõi và xử lý, nhưng những vi phạm ngày càng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp và khó kiểm soát hơn.
Theo đó, trong năm 2023, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 834 vụ việc trong lĩnh vực thương mại điện tử, xử lý 764 vụ, phạt tiền 12 tỷ đồng, với trị giá hàng hóa gần 6 tỷ đồng. Nhưng chỉ riêng 7 tháng năm 2024, đã phát hiện, xử lý đến gần 790 vụ vi phạm, chuyển cơ quan điều tra 3 vụ.
Thế nhưng, hệ thống pháp luật tại Việt Nam hiện nay vẫn còn có điểm chưa tương thích, chưa điều chỉnh, hoàn thiện theo kịp với yêu cầu thực tế.
Với xu thế phát triển như vũ bão của công nghệ, lực lượng quản lý thị trường luôn xác định thương mại điện tử sẽ là mặt trận đấu tranh chủ lực trong thời gian tới để kênh bán hàng online không trở thành nơi mua bán, tàng trữ hàng lậu, hàng giả.
Để tiếp tục quản lý tốt lĩnh vực này, bên cạnh việc kiến nghị hoàn thiện các chính sách, chế tài xử lý, lực lượng quản lý thị trường đang dần khắc phục những hạn chế về nguồn nhân lực, có thêm sự đầu tư về trang thiết bị, công cụ hỗ trợ, cơ sở vật chất, hạ tầng cơ sở dữ liệu, nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực thực thi trong việc kiểm soát thị trường trên không gian mạng.
Với xu thế phát triển như vũ bão của công nghệ, lực lượng quản lý thị trường luôn xác định thương mại điện tử sẽ là mặt trận đấu tranh chủ lực trong thời gian tới để kênh bán hàng online không trở thành nơi mua bán, tàng trữ hàng lậu, hàng giả.
Dự báo từ nay đến cuối năm là cao điểm của các hành vi vi phạm, vì vậy, các lực lượng chức năng, chủ công là quản lý thị trường cần nhận diện rõ vấn đề nổi cộm trong kiểm soát tốt thị trường hàng hóa để có phương án triển khai phù hợp; nâng cao hiệu lực hiệu quả phối hợp giữa các lực lượng chức năng, tránh sự chồng chéo, mạnh ai nấy làm để các sự vụ được xử lý nhanh chóng và kịp thời hơn.
Lực lượng chức năng cần tập trung rà soát thể chế để sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong quản lý thương mại điện tử phù hợp tình hình thực tế; thực hiện đồng bộ một số biện pháp để ngăn chặn các đối tượng vi phạm ngay từ khâu lưu thông; tích cực tuyên truyền để người tiêu dùng phải thật sự là “mắt xích” quan trọng góp phần ngăn chặn hiệu quả nạn kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng lậu, từng bước lành mạnh thị trường hàng hóa, dịch vụ và bảo vệ nền sản xuất trong nước.