Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, năm 2021, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng và công tác xây dựng kế hoạch nghiên cứu biên soạn, tái bản bổ sung lịch sử ở các cấp trong tỉnh được chú trọng thực hiện. Trong đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thực hiện nhiều công việc liên quan, như: Xuất bản sách “Anh hùng lực lượng vũ trang tỉnh An Giang”; nghiên cứu, biên soạn sách “Tóm tắt lịch sử Đảng bộ tỉnh An Giang 1927-2005” (dự kiến xuất bản trong năm 2022); thẩm định 8 bản thảo và góp ý 6 bản thảo lịch sử Đảng bộ xã, phường, thị trấn.
Việc thực hiện quy trình thẩm định lịch sử đảng bộ, lịch sử ban, ngành, đoàn thể ở địa phương được chủ động thực hiện. Trong năm, toàn tỉnh có 10 công trình (1 công trình cấp tỉnh, 1 công trình cấp huyện và 8 công trình cấp xã) hoàn thành, xuất bản, đồng thời có 16 công trình các cấp đang nghiên cứu, biên soạn. Để phục vụ công tác lưu trữ, sưu tầm, khai thác tài liệu cho địa phương, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tiếp tục số hóa tư liệu. Bên cạnh đó, nhiều địa phương quan tâm sưu tầm văn kiện đảng bộ, báo cáo, hồi ký hoặc ghi chép ý kiến của nguyên lãnh đạo, cách mạng lão thành, nhân chứng lịch sử dưới dạng số hóa và lưu trữ bằng băng, đĩa…
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức toạ đàm đóng góp, bổ sung sơ thảo sách “Tóm tắt lịch sử Đảng bộ tỉnh An Giang 1927 – 2005”.
Cùng với đó, hoạt động giáo dục truyền thống các cấp, ngành, đoàn thể được chú trọng thực hiện bằng nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, chuyển tải nội dung lịch sử đến đông đảo nhân dân. Thời gian qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn tuyên truyền sự kiện lịch sử Đảng, lịch sử địa phương thông qua sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chính trị, cuộc thi tìm hiểu về nhân vật, sự kiện lịch sử, tổ chức hội thảo giao lưu với nhân chứng lịch sử nhân ngày kỷ niệm lớn của quê hương, đất nước… Từ đó, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, phát huy niềm tự hào, tự tôn dân tộc, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là nâng cao nhận thức trong giới trẻ.
Nhiều địa phương có cách làm hay, hiệu quả trong hoạt động giáo dục lịch sử địa phương. Tại huyện An Phú, có hoạt động phân công đảng viên giới thiệu sự kiện lịch sử Đảng, lịch sử đảng bộ địa phương khi sinh hoạt chi bộ. Tại huyện Tri Tôn có hoạt động xây dựng chuyên mục tuyên truyền lịch sử, phát định kỳ 1 lần/tuần trên đài truyền thanh... Đặc biệt, công tác tuyên truyền giáo dục lịch sử đảng nói chung, lịch sử đảng bộ địa phương nói riêng còn được thực hiện thông qua chương trình đào tạo, bồi dưỡng kết nạp đảng viên mới, bồi dưỡng sơ cấp lý luận chính trị, bồi dưỡng cấp ủy và bí thư chi bộ, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tuyên giáo và tuyên truyền miệng…
Hàng tháng, căn cứ vào mốc thời gian tương ứng với sự kiện lịch sử của đất nước, của tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo Phòng Lý luận chính trị và Lịch sử Đảng viết bài cộng tác đăng trên Báo An Giang, Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh, Bản tin Thông tin công tác tư tưởng, nhằm góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng. Bên cạnh đó, duy trì tổ chức và cung cấp nội dung 1 bài/tuần nội dung phản tuyên truyền cho chuyên mục “Sinh hoạt tư tưởng” trên Báo An Giang và Chuyên mục “Hiểu đúng” trên sóng Đài Phát thanh- Truyền hình An Giang, Bản tin Thông tin công tác tư tưởng và Trang thông tin điện tử Tuyên giáo An Giang. Nhiều bài viết khẳng định giá trị lịch sử thiêng liêng của đất nước, tỉnh An Giang, góp phần phản tuyên truyền đối với luận điệu sai trái thù địch, đấu tranh phòng, chống âm mưu, hoạt động diễn biến hòa bình; cung cấp thông tin chính thống định hướng dư luận.
Vào các ngày lễ, kỷ niệm, cơ quan thông tin đại chúng và sở, ban, ngành trong tỉnh đều có hoạt động thiết thực, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống địa phương, như: Phối hợp tổ chức hoạt động văn hóa-văn nghệ, cuộc thi tìm hiểu về sự kiện, nhân vật lịch sử tiêu biểu của địa phương, trưng bày hiện vật, hình ảnh liên quan lịch sử địa phương, giao lưu các thế hệ, kể chuyện lịch sử...
Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, thời gian tới, các đơn vị sẽ tăng cường công tác phối hợp để tạo sự thống nhất cao về nội dung, hình thức, quy trình nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống của tỉnh. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác giảng dạy lịch sử Đảng, truyền thống cách mạng của địa phương tại Trường Chính trị Tôn Đức Thắng, trung tâm chính trị cấp huyện… Đồng thời, củng cố, kiện toàn đội ngũ làm công tác lịch sử Đảng các cấp, nhất là cấp huyện; chú trọng hướng dẫn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác lịch sử Đảng, đào tạo cán bộ có chuyên sâu về ngành lịch sử Đảng; đảm bảo kinh phí, cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu đặt ra…
MỸ LINH