Chưa phát hiện lợi ích nhóm trong thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước

18/01/2019 - 19:26

Công tác đổi mới, sắp xếp, nhất là công tác cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước chậm tiến độ, một số bộ, ngành có vướng mắc, một số địa phương trọng điểm chưa tiến hành được lộ trình này.


Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp phát biểu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Đánh giá trên được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đưa ra tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp ngày 18-1. 

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã đánh giá tình hình thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước năm 2018 và bàn thảo về nhiệm vụ, giải pháp năm 2019.

Ba năm, cổ phần hóa 156 doanh nghiệp

Báo cáo của Ban Chỉ đạo cho thấy, trong năm 2018, số tiền thu được từ chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng của doanh nghiệp Nhà nước đạt trên 24 nghìn tỷ đồng, gấp 4,67 lần số tiền thu được từ việc bán cổ phần lần đầu năm 2017, gấp 1,4 lần so với năm 2016. 

Ba năm đầu của giai đoạn 2016-2018, cả nước đã cổ phần hóa 156 doanh nghiệp, tăng 34% so với thực hiện cùng kỳ của giai đoạn 2011-2015 với tổng quy mô vốn Nhà nước được xác định lại đạt 204.800 tỷ đồng. 

Tổng số tiền thu được từ cổ phần hóa, thoái vốn từ năm 2016 đến nay đạt trên 210.300 tỷ đồng, gấp 2,69 lần tổng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn của cả giai đoạn 2011-2015.

Trong số 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương, có 2/6 nhà máy trước đây hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ, nay bước đầu có lãi (Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 Hải Phòng và Nhà máy thép Việt-Trung, 4 dự án còn lại từng bước khắc phục khó khăn (Nhà máy đạm Hà Bắc, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2-Lào Cai, Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất-DQS).

Trong số 3 dự án trước đây dừng sản xuất kinh doanh, đến nay, Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ đã vận hành trở lại 3 dây chuyền của phân xưởng sợi Filament. Hai dự án còn lại là Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi và Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước đã xử lý xong các khâu liên quan, sẵn sàng khởi động để vận hành thương mại ngay khi thị trường thuận lợi.

Báo cáo thêm tại cuộc họp, ông Nguyễn Hùng Dũng, Thành viên Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, PVN tiếp nhận Công ty DQS từ Vinashin, doanh nghiệp này hoạt động cầm chừng, PVN đã hỗ trợ nhiều nhưng do khối lượng công việc giảm, tổng mức đầu tư lớn nên nếu tính đúng, tính đủ khấu hao thì lỗ. 

PVN đã trình đề án trong trường hợp nếu không thể tiếp tục được, không thể lựa chọn các đối tác khách hàng để bán bớt, chuyển giao sẽ phải xin phá sản vì rất khó để duy trì hoạt động của đơn vị này. Trước đây, tổng mức đầu tư của DQS là khoảng 5.780 tỷ đồng nhưng thực tế số tài sản đưa vào khai khác sử dụng chỉ hơn 2.000 tỷ đồng. 

Các dự án yếu kém như PVTex Đình Vũ hiện mới chỉ khởi động được 3 dây chuyền, dự kiến sang năm tiếp tục tăng lên 15 dây chuyền, về lâu dài, vận hành ổn định sẽ phải chuyển giao. Dự án Ethanol Phú Thọ hiện Cơ quan An ninh Điều tra đang làm việc, dự án này rất khó thực hiện. Riêng dự án nhiên liệu sinh học Dung Quất, thời gian qua, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí (PTSC) đã hoàn thành việc khắc phục hệ thống xử lý nước thải và vận hành thương mại trở lại. Tuy nhiên, để duy trì hoạt động thường xuyên liên tục, việc sản xuất nhiên liệu sinh học phải có sự chỉ đạo của Chính phủ. 

Dự án chết lâm sàng từ lâu phải thoái vốn để cắt lỗ

Sau khi nghe ý kiến các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp với Bộ Công Thương chỉ đạo PVN giải quyết những vấn đề liên quan đến tài chính của dự án Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn. Các bộ, cơ quan, tập đoàn chịu trách nhiệm quán triệt và tổ chức thực hiện đầy đủ những ý kiến đã chỉ đạo của Chính phủ, gây hậu quả thì phải xem xét trách nhiệm. 

Phó Thủ tướng cho rằng, trước đây, theo quy định, việc thoái vốn vừa phải bảo toàn vốn theo nguyên tắc thị trường nhưng cũng phải bảo toàn vốn Nhà nước  nên khó thoái vốn. Từ Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, chỉ đề cập đến việc thoái vốn đảm bảo theo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, tối đa hóa lợi ích Nhà nước chứ không phải bảo toàn vốn nên có những trường hợp dưới mệnh giá vẫn có thể thoái được. 

Vận hành lại, cơ cấu lại các dự án thua lỗ, yếu kém trước khi thoái vốn, cổ phần hóa. Những trường hợp có thể khắc phục, cổ phần hóa được mà bán non, thiệt hại lợi ích sẽ không làm. Những trường hợp đặc biệt thua lỗ kéo dài, chết lâm sàng từ lâu phải thoái ra để cắt lỗ. “Luật pháp có rồi, chúng ta làm đúng luật thôi. Phải đúng vai và thuộc bài, quán triệt kỹ mà làm,” Phó Thủ tướng nói.

Đánh giá 3 năm thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2016-2018, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, điểm nổi bật là đã ban hành, sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, một mặt vừa tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, vừa bảo đảm công tác này ngày càng chặt chẽ, công khai, minh bạch, tối đa hóa lợi ích của Nhà nước hơn, hỗ trợ tích cực cho công tác phát triển doanh nghiệp.

Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Trưởng ban Chỉ đạo đã trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc, thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, thoái vốn; từng bước hoàn thiện cơ sở pháp lý, tổ chức bộ máy của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, cơ bản hoàn thành Đề án cơ cấu lại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước thuộc thẩm quyền của Thủ tướng.

Ba năm qua cho đến nay chưa phát hiện có gian lận, vi phạm pháp luật lớn phải xử lý, mặc dù lĩnh vực này hết sức phức tạp và nhạy cảm. Những sai phạm mà chúng ta đang xử lý là tích tụ từ nhiều giai đoạn trước đây, Phó Thủ tướng nêu.

Phó Thủ tướng cho biết, các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty rất trách nhiệm, quyết liệt, tinh thần trách nhiệm cao. Cho đến nay, qua thanh tra kiểm tra, chưa phát hiện các vấn đề như lợi ích nhóm, sân sau, không công khai, minh bạch. Việc bán vốn một số doanh nghiệp lớn thành công, hàng trăm nhà đầu tư tham gia mua cổ phần, cổ phiếu.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng chỉ ra các tồn tại là tiến độ cổ phần hóa chậm so với kế hoạch đề ra. Theo kế hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt, năm 2018, phải hoàn thành cổ phần hóa 85 doanh nghiệp, trong đó, một số bộ, ngành, địa phương, bao gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh phải trình điều chỉnh tiến độ cho phù hợp với tình hình thực tế và đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm tra, trình Thủ tướng Chính phủ.

Đến nay mới cổ phần hóa được 32 doanh nghiệp Nhà nước. Tiến độ thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng chậm. Năm 2017 mới thoái vốn được 17/135 doanh nghiệp và con số thoái vốn của 2018 mới là 52/181 doanh nghiệp. Việc ban hành văn bản hướng dẫn cổ phần hóa còn chậm. Các bộ, ngành, địa phương doanh nghiệp gặp vướng mắc, lúng túng trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn theo các quy định mới… Chế độ báo cáo, công khai, minh bạch cung cấp thông tin và xử lý trách nhiệm chưa được các bộ, ngành thực hiện nghiêm túc, quyết liệt.

Nhấn mạnh phương châm chỉ đạo năm 2019 là bứt phá, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn trong chỉ đạo, điều hành, đồng thời siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đảm bảo công khai, minh bạch, tối đa hóa lợi ích của đất nước, chống tiêu cực và lợi ích nhóm, Phó Thủ tướng đặt ra yêu cầu xử lý nghiêm các sai phạm trong quá trình thực hiện, xem xét trách nhiệm của những người đứng đầu và cơ quan liên quan để chậm trễ, trì trệ. Quán triệt nhuần nhuyễn các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, chương trình hành đồng, nghị quyết, quyết định của Chính phủ, chỉ thị của Thủ tướng, kết luận của Ban Chỉ đạo.

Về nhiệm vụ, Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước, về sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 5, Khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước và Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân. 

Rà soát tình hình triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn đã được phê duyệt để xác định, điều chỉnh cho phù hợp với tinh hình thực tế, làm cơ sở triển khai, hoàn thành trong hai năm còn lại của kế hoạch (năm 2019 và 2020); kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, bất cập phát sinh trong triển khai thực hiện. 

Hoàn thành việc phê duyệt đề án cơ cấu lại các doanh nghiệp Nhà nước theo thẩm quyền và quy định tại Quyết định số 707/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; triển khai, tạo bước chuyển mạnh mẽ đối với các Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. 

Cùng với đó, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, phấn đấu đạt kết quả cao nhất đối với các mục tiêu đề ra về công tác phát triển doanh nghiệp.

Theo CHU THANH VÂN (TTXVN/VIETNAM+)